“Hỏi để khỏe hơn” số 8: “Điều trị đái tháo đường type 2 với insulin”

PV| 08/06/2022 14:37

BVCL - Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), tính đến năm 2021, thế giới có khoảng 537 triệu người mắc đái tháo đường (ĐTĐ) với hơn 90% là đái tháo đường túyp 2. Tại Việt Nam, số người trưởng thành mắc ĐTĐ là khoảng 4.2 triệu người, chiếm 6% dân số.

anh-1.png

Việt Nam cũng là 1 trong 10 quốc gia có tỉ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới với khoảng 5.5% mỗi năm. Đây là bệnh mãn tính, nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như mù lòa, tim mạch, thậm chí đột quỵ. Để giúp bệnh nhân có thể chủ động phòng ngừa và điều trị hiệu quả căn bệnh này, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty Dược phẩm Sanofi Việt Nam vừa tổ chức chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số thứ 8 với chủ đề “Điều trị đái tháo đường type 2 với insulin

Đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba trong các loại bệnh ở Việt Nam, chỉ sau tim mạch và ung thư. Trong đó, đái tháo đường type 2 là một căn bệnh đang tăng nhanh trên thế giới và Việt Nam. Khác với đái tháo đường type 1 là do gen thì nguyên nhân dẫn tới đái tháo đường type 2 chủ yếu là do thiếu insulin và chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh… PGS.TS.BS Vũ Bích Nga - Trưởng khoa Nội tiết - Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: Hiện nay, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh: Chế độ ăn mang lại lượng calo quá thừa kết hợp ít hoạt động thể lực, từ đó thừa cân béo phì. Chính vì tỉ lệ thừa cân béo phì tăng nhanh nên cũng dẫn tới đái tháo đường tăng nhanh. Ngoài ra căng thẳng, stress cũng dẫn tới mắc bệnh. Người có tiền sử trong gia đình, yếu tố liên quan đến gen, đái đường thai kỳ cũng dễ tiểu đường type2. Hút thuốc lá, thiếu vitamin D cũng dẫn tới đái tháo đường.

anh-2.png

Nếu như bệnh nhân đái tháo đường type 1 khởi phát bệnh thường có ngay các triệu chứng như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân thì các biểu hiện ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 thường rất âm thầm, khó phát hiện. Do đó, những người có nguy cơ thì cần làm xét nghiệm mới có thể biết được chính xác mình bị bệnh hay không. Các bác sĩ khuyến cáo những người trên 35 tuổi hoặc những người trẻ có một trong số các yếu tố nguy cơ thì nên tới bệnh viện chuyên khoa để khám sớm. Phương pháp đơn giản nhất hiện nay là bệnh nhân sẽ được làm xét nghiệm đường máu lúc đói, xa bữa ăn gần nhất trong vòng 8-14 tiếng. Theo PGS.TS.BS Vũ Bích Nga, bệnh đái tháo đường type 2 nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm: Có thể các biến chứng cấp tính như tăng đường máu cấp tính, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, hôn mê nhiễm toan lác-tíc hoặc là hôn mê hạ đường huyết trong trường hợp chúng ta sử dụng thuốc điều trị đáo tháo đường liều quá cao. Các biến chứng mạn tính có thể gặp ở nhiều cơ quan như tăng huyết áp, tắc mạch vành, tắc mạch chi phải cắt cụt chân gây tàn phế cho bệnh nhân hoặc là tai biến mạch máu não. Các bệnh về mạch máu nhỏ như tổn thương đáy mắt có thể dẫn tới mù lòa, tổn thương về thận gây ra suy thận, ngoài ra còn có biến chứng về nhiễm trùng...

Cũng theo PGS.TS.BS Vũ Bích Nga, người bệnh đái tháo đường type 2 có thể sử dụng thuốc viên để điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp mà đường máu quá cao, không kiểm soát được thì bệnh nhân vẫn phải tiêm isulin để tránh các biến chứng. Ví dụ một số trường hợp cần phải tiêm isulin như: Đấy là trường hợp mà các bệnh nhân có tổn thương suy thận, không sử dụng được thuốc viên, xơ gan, viêm gan, suy tế bào gan nặng. Có trường hợp dùng isulin chỉ dùng trong giai đoạn ngắn như trong lúc mang thai, cho con bú để an toàn cho mẹ và bé, trường hợp phát hiện đường máu quá cao trên 16, HPmc trên 10. Nếu người bệnh bị các bệnh lý cấp tính thì cũng được tiêm isulin cho an toàn, sau đó có thể chuyển thuốc viên để điều trị. Ngoài ra, trong một số trường hợp bệnh nhân có thể dị ứng thuốc viên, chống chỉ định với một số loại thuốc.

Hiện nay y học phát triển, phương pháp tiêm isulin rất an toàn, phù hợp với người bệnh, không gây đau hoặc đau rất ít. Do vậy, người bệnh có thể yên tâm điều trị. Bên cạnh việc điều trị theo phác đồ của bác sĩ thì người bệnh đái tháo đường type 2 cần có chế độ ăn uống cân đối các thành phần dinh dưỡng, bổ sung vitamin, chất xơ, hoa quả có chỉ số đường huyết thấp như ổi, bơ… Người bệnh có thể ăn hoa quả ngọt nhưng nên sử dụng với lượng ít hơn bình thường, không nên ăn quá mặn và vẫn cần đảm bảo đủ tinh bột có trong cơm. Người bệnh lưu ý không nên ăn quá no và cần chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần có chế độ tập luyện phù hợp để bệnh không diễn tiến nặng.

Quý vị có thể xem lại chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số thứ 8 trên kênh Youtube, Zalo và website của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Số thứ 9 có chủ đề “Tuân thủ trong điều trị bệnh lý triệu chứng đường tiểu dưới do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt” với khách mời là Ths.BS Trần Xuân Quang - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ phát sóng trên Fanpage và Youtube của Bệnh viện vào lúc 15h00 ngày 24/6 tới. Mời quý vị quan tâm theo dõi. Chương trình do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Công ty Dược phẩm Sanofi phối hợp tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hỏi để khỏe hơn” số 8: “Điều trị đái tháo đường type 2 với insulin”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO