“Hỏi để khỏe hơn” số 7: Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên bệnh nhân phẫu thuật chấn thương chỉnh hình

PV| 14/06/2022 16:06

BVCL - Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có thể xảy ra với bất kì ai hay bất cứ độ tuổi nào nhưng thường xuất hiện nhiều ở các bệnh nhân nằm viện, phẫu thuật, đa chấn thương, ung thư… có tình trạng hạn chế vận động.

anh-1.png
TS.BS Đỗ Văn Minh chia sẻ những kiến thức về thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trong Chấn thương Chỉnh hình

Đây được xem như “kẻ sát nhân thầm lặng” bởi 80% trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng rõ rệt. Do đó, để giúp các bệnh nhân hiểu rõ về dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, nhất là với bệnh nhân phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty Dược phẩm Sanofi Việt Nam tổ chức chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số thứ 7 với chủ đề “Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên bệnh nhân phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình”.

Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chiếm vị trí thứ 3 trong số bệnh lý tim mạch thường gặp, sau nhồi máu cơ tim và sốc. Về mối liên quan giữa huyết khối tĩnh mạch và phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, TS.BS Đỗ Văn Minh, Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, có 3 yếu tố cơ bản hình thành nên cục huyết khối trong lòng tĩnh mạch, đó là: sự ứ trệ của dòng máu trong lòng tĩnh mạch, trạng thái tăng đông và tổn thương của nội mạc hay thành mạch máu chủ yếu ở tĩnh mạch. Đặc biệt, trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình thì có đầy đủ 3 yếu tố này. TS.BS Đỗ Văn Minh cho biết: “Đối với bệnh nhân phẫu thuật chấn thương chỉnh hình đó là phẫu thuật cơ quan vận động, trước và sau mổ bệnh nhân thường hạn chế vận động hoặc thậm chí bất động, chính vì thế đây là yếu tố làm cho ứ trệ tuần hoàn. Trong phẫu thuật vì là phẫu thuật chi thể, người thầy thuốc có thể dùng garo để cầm máu thì đây cũng là yếu tố làm ứ trệ dòng máu tới chi thể. Hoặc những yếu tố liên quan đến quá trình gây tê, gây mê cũng làm ứ trệ tuần hoàn ở vùng ngoại vi chi thể thì có thể làm tăng yếu tố nguy cơ gây nên huyết khối. Bên cạnh đó, khi phẫu thuật gây tổn thương lên phần mềm, mô, cơ quan và từ đó phóng thích vào trong máu những yếu tố kích thích quá trình đông máu để cầm máu và đồng thời ngăn chặn sự tiêu sợi huyết sau mổ, quá trình phẫu thuật đó đã khởi phát quá trình tăng đông. Đó chính là yếu tố gây nên thuyên tắc tĩnh mạch do huyết khối”.

anh-2.png
TS.BS Đỗ Văn Minh, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trao đổi cùng khán giả

Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên bệnh nhân phẫu thuật chấn thương chỉnh hình có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như đa chấn thương, gãy cổ xương đùi, thay khớp háng, thay khớp gối. Huyết khối tĩnh mạch có thể khiến người bệnh đối diện với nguy cơ thuyên tắc phổi, gây đau đớn, tắc thở, mất ý thức, thậm chí là tử vong. TS. BS Đỗ Văn Minh chỉ ra tính cấp thiết phải dự phòng huyết khối tĩnh mạch sau mổ chấn thương chỉnh hình: “Đối với phẫu thuật chấn thương chỉnh hình thì 40-60% xảy ra biến chứng này, nó xảy ra ở sau khoảng thông thường từ ngày thứ 7 - ngày 14 sau mổ. Và mặc dù huyết khối tĩnh mạch nói chung có thể tự thoái triển nhưng khoảng 1-4% huyết khối tĩnh mạch đấy tiến triển thành huyết khối tĩnh mạch sâu, có thể gây nên thuyên tắc phổi và gây nên hội chứng hậu huyết khối. Ghi nhận trong chấn thương chỉnh hình, tỉ lệ tử vong do thuyên tắc phổi có thể lên tới 1% đối với phẫu thuật thay khớp, bao gồm cả khớp háng khớp gối và 3.6% phẫu thuật kết hợp xương chi dưới”.

Trong chương trình, một khán giả đặt câu hỏi: Thực tế, nhiều bệnh nhân khi xuất viện trở về nhà một thời gian vẫn có nguy cơ bị thuyên tắc khối tĩnh mạch. Vậy những bệnh nhân nào sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cần dự phòng các yếu tố nguy cơ? TS.BS Đỗ Văn Minh giải đáp câu hỏi này: “Sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, tùy vào loại phẫu thuật đấy mà nguy cơ khác nhau. Ví dụ như phẫu thuật chấn thương chỉnh hình chi dưới là nguy cơ cao, trong đó phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối, gãy xương chậu là phẫu thuật nguy cơ cao, còn phẫu thuật khác thì nguy cơ thấp hơn. Phẫu thuật cột sống có nhiều nguy cơ của huyết khối tĩnh mạch. Béo phì là yếu tố nguy cơ của huyết khối tĩnh mạch. Chính vì thế, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình ở bệnh nhân béo phì thì nguy cơ sẽ cao hơn những bệnh nhân có cân nặng bình thường”.

Khoảng 10-20% người bệnh nhập viện có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch, Mặc dù để lại biến chứng nặng nề nhưng TS.BS Đỗ Văn Minh nhấn mạnh rằng bệnh này hoàn toàn có thể chủ động dự phòng. Trong khi bác sĩ cần đánh giá, sàng lọc nguy cơ cho bệnh nhân thì người bệnh cũng cần có những trao đổi thẳng thắn, cởi mở với bác sĩ. Theo đó: Nếu bản thân mình hoặc người nhà có yếu tố nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch thì đầu tiên mình phải xem mình còn bệnh lý nền nào khác không, ví dụ như có bệnh lý tăng huyết áp không, quá cân hay không, tiểu đường, có bệnh lý gì chuẩn bị cần phẫu thuật không. Khi chúng ta có những nguy cơ của yếu tố tĩnh mạch rồi thì phải xem là trao đổi với bác sĩ điều trị cho mình với yếu tố nguy cơ hiện có và với bệnh lý của mình đang cần điều trị thì yếu tố của nguy cơ của mình là thấp, trung bình hay là cao. Chúng ta cần tìm hiểu các biện pháp dự phòng, 3 biện pháp cơ bản, đó là: vận động, có thể sử dụng tất áp lực hoặc máy bơm áp lực ngắt quãng và biện pháp thứ ba là dùng thuốc.

Quý vị có thể xem lại chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số thứ 7 trên kênh Youtube, Zalo và website của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Số thứ 8 Hỏi để khỏe hơn với chủ đề “Điều trị đái tháo đường tip 2 với insulin” cùng khách mời chương trình là PGS.TS.BS Vũ Bích Nga - Trưởng khoa Nội tiết - Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ phát sóng trên Fanpage và Youtube Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ngày 3/6/2022. Kính mời quý vị khán giả quan tâm chú ý theo dõi.

Chương trình do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty Dược phẩm Sanofi tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hỏi để khỏe hơn” số 7: Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên bệnh nhân phẫu thuật chấn thương chỉnh hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO