“Hỏi để khoẻ hơn” số 16: Tự chăm sóc bản thân ở người bệnh đái tháo đường

PV| 15/12/2022 18:51

BVCL - Những năm gần đây, số người mắc bệnh tiểu đường đang có xu hướng tăng nhanh với nhiều biến chứng nặng về tim mạch, thận, mắt, thần kinh… Do vậy, việc trang bị những kiến thức về bệnh sẽ giúp phát hiện sớm, điều trị hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu.

bdbc61e304aadff486bb.jpg
Chương trình do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty dược phẩm Sanofi Việt Nam tổ chức

Những thắc mắc liên quan đến vấn đề này đã được giải đáp trong chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 16 với chủ đề Tự chăm sóc bản thân ở người bệnh đái tháo đường. Chương trình do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty dược phẩm Sanofi Việt Nam tổ chức.

Đái tháo đường hay còn gọi là bệnh tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính đặc trưng bởi lượng đường trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường. Bệnh được chia làm 4 nhóm: type 1, type 2, đái tháo đường thai kỳ và một số thể đái tháo đường đặc biệt khác. BSCKII. Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó trưởng Khoa Nội tiết - Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chỉ ra các dấu hiệu điển hình giúp phát hiện bệnh:

Bệnh nhân khát nước nhiều, đi tiểu nhiều, thèm ăn, sụt cân nhiều, tê bì tay chân, nhìn mờ hoặc mệt mỏi nhiều. Tuy nhiên, khi có những triệu chứng này thì lượng đường trong máu thường đã ở mức cao và bệnh nhân có thể gặp biến chứng của tiểu đường. Vì vậy, mục tiêu của chúng ta là làm sao phát hiện sớm bệnh tiểu đường ở những đối tượng có nguy cơ cao hoặc những người trên 45 tuổi. Lời khuyên là người dân nên đi khám bệnh định kỳ để sàng lọc sớm bệnh tiểu đường. Đặc biệt là những người thừa cân, béo phì, gia đình có bố mẹ anh chị em ruột bị đái tháo đường hoặc những người có tiền sử đái đường thai kỳ, tiền sử đẻ con to trên 4kg, người có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu cũng cần khám sức khỏe, xét nghiệm máu để xem có bị tiểu đường hay không.

Theo thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới, năm 2021, toàn thế giới có 537 triệu người trong độ tuổi 20-79 mắc bệnh tiểu đường. Dự kiến đến năm 2030 sẽ có 643 triệu người mắc và 783 triệu người vào năm 2045. Hay nói cách khác, trung bình cứ 10 người lớn thì sẽ có 1 người mắc bệnh tiểu đường. Khi đường máu tăng cao thì tất cả các cơ quan trong cơ thể đều có thể bị biến chứng. Theo BSCKII. Nguyễn Thị Thanh Hương, bệnh tiểu đường có thể để lại các biến chứng nguy hiểm:

- Biến chứng cấp tính do tăng đường máu quá cao.

- Biến chứng mạn tính như: Bệnh võng mạc đái tháo đường, đây là nguyên nhân gây mù hàng đầu ở người tiểu đường; Bệnh thận đái tháo đường cũng là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận giai đoạn cuối khiến bệnh nhân phải lọc thận ghép thận; Bệnh đột quỵ, tử vong do tim mạch ở người tiểu đường thường cao gấp 2-4 lần so với người không mắc; Biến chứng thần kinh gây cắt cụt chân không do chấn thương. Theo thống kê, 50% đái tháo đường tuýp 2 đã có ít nhất 1 biến chứng khi mà được chẩn đoán tiểu đường.

Lối sống của người bệnh tiểu đường đóng vai trò quan trọng giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh thành công. Muốn vậy thì người bệnh cần có những kiến thức cơ bản về chế độ dinh dưỡng, tập luyện, dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, tự theo dõi đường huyết tại nhà, tái khám định kỳ và đặc biệt là cần nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm để đến viện điều trị sớm. Bên cạnh đó, BSCKII. Nguyễn Thị Thanh Hương cũng chỉ ra 5 nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng chế độ ăn chung cho người bệnh tiểu đường:

- Đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, cân bằng các chất đường, đạm, chất béo, chất xơ;

- Ăn đầy đủ, đa dạng các thực phẩm lành mạnh;

- Điều chỉnh chế độ ăn điều độ mỗi ngày, ăn đúng bữa, hạn chế bỏ bữa để tránh nguy cơ hạ đường huyết;

- Tránh ăn vặt nhiều bữa;

- Duy trì cân nặng hợp lý.

Trong chương trình, một người dân đưa ra câu hỏi liên quan đến tiểu đường thai kỳ: “Khi người mẹ trong quá trình mang thai mà phát hiện mình bị bệnh tiểu đường thì liệu con sinh ra có bị ảnh hưởng không?” BSCKII. Nguyễn Thị Thanh Hương giải đáp như sau:

Bệnh đái tháo đường thai kỳ nếu không được kiểm soát tốt thì có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé. Với mẹ sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, đẻ non, tiền sản giật, tăng huyết áp. Với con thì có thể gặp hiện tượng như thai to, hạ đường huyết sơ sinh, một số bệnh về hô hấp. Con của những người mẹ bị tiểu đường thai kỳ thì lớn lên nguy cơ mắc tiểu đường tăng gấp 8 lần. Vậy làm thế nào để hạn chế những biến chứng?. Đầu tiên đó là phải thay đổi chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, theo dõi đường máu theo tư vấn của bác sĩ. Nếu mà đường máu vượt chỉ tiêu thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định tiêm isulin, còn nếu không quá ngưỡng giới hạn thì người mẹ nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động cho phù hợp.

Hiện nay, y học hiện đại vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa trị dứt điểm bệnh tiểu đường. Thế nhưng, người bệnh vẫn có thể sống chung hòa bình với bệnh nếu biết kiểm soát đúng. Với vai trò người chăm sóc, bạn hãy trang bị kiến thức và đồng hành cùng bệnh nhân như một “bác sĩ tại gia”, giúp họ có trạng thái sức khỏe và tinh thần tốt nhất.

Quý vị có thể xem lại chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 16 chủ đề “Tự chăm sóc bản thân ở người bệnh đái tháo đường” trên kênh Youtube, Zalo và website của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Chương trình do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty dược phẩm Sanofi Việt Nam tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hỏi để khoẻ hơn” số 16: Tự chăm sóc bản thân ở người bệnh đái tháo đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO