“Hỏi để khỏe hơn” số 14: Nhận biết, chăm sóc người bệnh mắc đột quỵ não và cơn tai biến mạch máu não thoáng qua

PV| 04/11/2022 14:12

BVCL - Hằng năm có khoảng 14 triệu người trên thế giới bị đột quỵ, trong đó 6 triệu người tử vong. Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng người tử vong do đột quỵ đứng hàng đầu, vượt trên cả bệnh tim mạch. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu rõ những yếu tố nguy cơ của đột quỵ, biết cách phòng tránh và nhận biết dấu hiện của bệnh.

22749a39c65700095946.jpg
Không phải ai cũng hiểu rõ những yếu tố nguy cơ của đột quỵ, biết cách phòng tránh và nhận biết dấu hiện của bệnh

Đột quỵ và tai biến mạch máu não là hai tên gọi khác nhau của cùng một bệnh. Nếu như thuật ngữ tai biến mạch máu não chỉ ra nơi khởi phát bệnh là tại các mạch máu nuôi não khi dòng máu bị chặn lại hoặc một mạch máu trong não bị vỡ thì đột quỵ nói lên sự cấp tính của bệnh. Cơn tai biến mạch máu não thoáng qua xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bộ bị giảm tạm thời khiến người bệnh có những triệu chứng của đột quỵ nhưng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. ThS.BS Lê Văn Thuỷ – Đơn vị Nội thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chỉ ra sự khác biệt giữa những triệu chứng này

Đột quỵ não hay là tai biến mạch máu não so với cơn tai biến não thoáng qua về mặt biểu hiện ra bên ngoài không có khác biệt. Nó chỉ có khác biệt ở chỗ đó là với cơn tai biến máu não thoáng qua, những triệu chứng này tự hồi phục trong một cái khoảng thời gian nhất định và thứ hai là trên phim chụp thì không để lại tổn thương

Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Nếu trong vài phút não không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết, các tế bào não sẽ bắt đầu chết dần và gây nguy hiểm tính mạng người bệnh. ThS.BS Lê Văn Thuỷ – Đơn vị Nội thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chỉ ra những biểu hiện giúp nhận biết sớm cơn đột quỵ và tai biến mạch máu não thoáng qua:

Chúng ta có thể nhớ ba biểu hiện chính dựa trên ba chữ cái viết tắt bằng tiếng Anh. Đó là FAST. Chữ F đầu tiên đó là triệu chứng khi đang bình thường thì miệng bị méo sang một bên. Biểu hiện thứ hai đó là chữ A, tức là yếu tay. Khi người ta đang cầm một cái đồ vật thì đồ vật nó rơi xuống và người ta không kiểm soát được lực của tay mình nữa. Chữ S trong đó là biểu hiện bằng việc nói khó. Còn chữ T cuối cùng trong từ này muốn nhấn mạnh về mặt thời gian, tức là nếu có một trong ba biểu hiện kể trên bao gồm có miệng bị méo sang một bên một cái tay không điều khiển được một cái giọng nói nó thay đổi so với trước kia thì thời gian là tối quan trọng. Cần phải liên hệ ngay với trung tâm cấp cứu, đơn vị vận chuyển cấp cứu gần nhất để có thể cấp cứu và điều trị kịp thời

Theo ThS.BS Lê Văn Thuỷ – Đơn vị Nội thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, việc phát hiện sớm, sơ cứu cấp cứu kịp thời và đúng cách sẽ giúp cứu sống người bệnh đột quỵ, hạn chế để lại các biến chứng nặng khi đột quỵ xảy ra. Bởi mỗi một phút trôi qua, nếu vùng mạch máu não không được thông lại, người bệnh sẽ mất đi khoảng 2.000.000 nơ ron thần kinh, ảnh hưởng về các chức năng nhận thức, bao gồm cả trí nhớ, khả năng hồi phục về ngôn ngữ, thị giác, cảm giác. ThS.BS Lê Văn Thuỷ lưu ý những việc cần làm khi sơ cứu người bệnh đột quỵ não

Nếu mà bệnh nhân thay đổi về mặt nhận thức, gọi hỏi không tỉnh, chẳng may bệnh nhân lên cơn động kinh, co giật thì tư thế tốt nhất là nằm nghiêng sang bên trái. Để tránh bệnh nhân bị ho sặc, chúng ta nên nới rộng với quần áo của bệnh nhân, giúp cho việc lưu thông oxy, đảm bảo độ bão hòa trong máu tốt hơn. Có một số việc không nên làm là cho bệnh nhân ăn uống bất kỳ một cái thuốc, đồ ăn gì qua đường miệng, nó có thể đi vào đường thở của bệnh nhân và làm cản trở cái quá trình cấp cứu của bệnh nhân về sau này và nó cũng làm cho cái quá trình hồi phục của bệnh nhân về sau này thấp hơn.

c5aa90edcc830add5392.jpg
Những biểu hiện của nhồi máu não và cơn tai biến mạch máu não thoáng qua

Nhiều nghiên cứu cho thấy, một người sau khi bị đột quỵ có nguy cơ tái phát rất cao, nhất là trong 3 tháng đầu kể từ ngày bị đột quỵ lần đầu tiên. Ước tính tỷ lệ tái phát đột quỵ khoảng 25% trong 5 năm đầu tiên. Do đó, việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe nhằm giảm nguy cơ tái phát rất quan trọng. Theo ThS.BS Lê Văn Thuỷ, người bệnh cần quan tâm tới chỉ số huyết áp của mình:

Chỉ số huyết áp hằng ngày phản ánh đúng mức sức khỏe thực tế. Để kiểm soát tốt huyết áp này thì vấn đề về ăn uống cần phải lưu ý. Cần có chế độ ăn giảm muối, giảm chất béo có nguồn gốc động vật, giảm đạm động vật. Chế độ vận động hợp lý tối thiểu 30 phút một ngày, hạn chế sử dụng rượu, bia trong một chừng mực nhất định

Quý vị có thể xem lại chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số thứ 14 trên kênh Youtube, Zalo và website của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Số thứ 15 của chương trình sẽ lên sóng vào ngày 25/11 với chủ đề: “Dự phòng bằng kháng đông dạng tiêm cho bệnh nhân ngoại trú: Những điều cần quan tâm?” với khách mời là ThS. Đào Tiến Lục - Khoa Ung bướu và Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Mời quý vị quan tâm theo dõi. Chương trình do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty dược phẩm Sanofi tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hỏi để khỏe hơn” số 14: Nhận biết, chăm sóc người bệnh mắc đột quỵ não và cơn tai biến mạch máu não thoáng qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO