"Hỏi để khỏe hơn” số 13: Xử trí chấn thương phần mềm trong sinh hoạt hàng ngày

PV| 20/10/2022 11:20

BVCL - Chấn thương phần mềm là chấn thương thường gặp trong sinh hoạt hằng ngày do tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc bị té ngã. Khi được xử lý ban đầu đúng cách sẽ giúp tổn thương nhanh hồi phục, nhưng nếu điều trị sai cách có thể khiến vết thương trầm trọng hơn, gây nhiễm trùng, khó khăn trong vận động, sinh hoạt và điều trị.

anh-2.jpeg
Chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 13 với chủ đề “Xử trí chấn thương phần mềm trong sinh hoạt hàng ngày”

Nếu gặp phải bất kỳ chấn thương hay sự cố nào thì người dân cũng nên đi khám bác sĩ để đề phòng các tổn thương nặng thêm. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty Dược phẩm Sanofi Việt Nam vừa tổ chức chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 13 với chủ đề “Xử trí chấn thương phần mềm trong sinh hoạt hàng ngày”.

Trong cuộc sống, việc bất ngờ gặp phải các chấn thương phần mềm là điều khó tránh khỏi. Chấn thương phần mềm là tình trạng tổn thương liên quan đến dây chằng, da, cơ, gân trên khắp cơ thể, gây cản trở rất lớn đến khả năng vận động và sinh hoạt hàng ngày. Đây không phải là những tác động lên cơ quan nội tạng (não, tim, dạ dày, ruột…) hay gãy xương thường gặp. Triệu chứng của chấn thương phần mềm rất dễ chẩn đoán đó là sưng nề và bầm tím, tụ máu vùng chấn thương. Theo TS.BS Nguyễn Văn Hoạt - PGĐ Trung tâm Y khoa số 1, Khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chấn thương phần mềm có nhiều mức độ khác nhau:

Mức độ đơn giản nhất là tổn thương da và tổ chức dưới da, tổn thương gân cơ ở mức độ vi thể, thường đau và sưng nhẹ mà chúng ta không phát hiện được trên phim cộng hưởng từ cũng như siêu âm hoặc tổn thương thực thể bằng đứt một phần hoặc toàn bộ gân cơ dây chằng. Còn mức độ vừa là rách 1 phần sợi gân cơ hoặc dây chằng gây nên những tổn thương không hoàn toàn ở những vùng bị chấn thương. Còn mức độ nặng hơn có thể gây đứt hoàn toàn những gân cơ, dây chằng hoặc vùng khớp.

Chấn thương phần mềm gây đau, sưng nề, bầm tím, gây phiền toái và ảnh hưởng tới sinh hoạt của người bệnh. Trường hợp nặng có thể khiến bệnh nhân phải làm phẫu thuật. TS.BS Nguyễn Văn Hoạt cho biết, bất kỳ chấn thương phần mềm nào thì cơ thể cũng xảy ra quá trình lành thương:

Chấn thương phần mềm xảy ra 4 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn cầm máu, tiếp theo là giai đoạn viêm, tiếp theo là quá trình phục hồi lại tế bào đã bị tổn thương, những mô liên kết. Và cuối cùng là giai đoạn tái tạo, khôi phục lại tính toàn vẹn chức năng của mô. Đôi khi mô phục hồi hoàn toàn, một số trường hợp hình thành sẹo hoặc những di chứng ở gân cơ dây chằng, thậm chí bệnh nhân có thể đau kéo dài.

anh-3.jpeg
TS.BS Nguyễn Văn Hoạt

Theo TS.BS Nguyễn Văn Hoạt, chấn thương phần mềm có những tổn thương ở mức độ khác nhau, với mỗi mức độ tổn thương thì có cách điều trị khác nhau. Vì vậy, không có bệnh nhân nào giống bệnh nhân nào. Đáng chú ý, sơ cứu chấn thương phần mềm là việc làm hết sức quan trọng mà đem lại hiệu quả, trong đó nguyên tắc cơ bản nhất là RICE:

RICE là từ viết tắt của 4 chữ tiếng Anh. Chữ thứ nhất là (Rest): tức là sau khi chấn thương chúng ta cần nghỉ ngơi, tùy từng mức độ, tùy từng vị trí chúng ta có nghỉ ngơi cho phù hợp, cơ bản cần bất động vùng tổn thương. Việc làm thứ hai là chườm đá (Ice). Chườm đá hết sức quan trọng để làm giảm lưu lượng tuần hoàn đến vùng chấn thương đỡ gây thoát dịch và đỡ sưng nề. Việc thứ ba đó là băng ép (Compression) để cho vùng bị chấn thương đỡ bị phù nề, làm giảm vận động vùng chi thể, giảm tổn thương và phục hồi nhanh. Việc làm thứ tư là nâng cao vùng chi thể so với tim (Elevation). Tổn thương ở vùng tay thì có thể giơ cao tay hoặc treo tay. Ở chân thì chúng ta có thể nằm nghỉ ngơi và gác cao chân lên. Mục đích để tuần hoàn về tim dễ hơn.

Chấn thương phần mềm dù đơn giản hay phức tạp, nếu sơ cứu không tốt thì có thể để lại những biến chứng hoặc di chứng về sau rất nghiêm trọng. Trong chương trình, một khán giả đặt câu hỏi: Sau khi chấn thương, nhiều người thường tự ý mua kháng sinh để rắc vào chấn thương cho mau khô vì cho rằng vết thương ẩm sẽ lâu khỏi. Việc làm này liệu có đúng không và cần chăm sóc vết thương như thế nào cho đúng cách? TS.BS Nguyễn Văn Hoạt lưu ý:

anh-1.jpeg

Vết thương thì có hai loại: Vết thương cấp tính và vết thương mạn tính. Chăm sóc vết thương cấp tính thì đơn giản hơn, nếu như cần phải khâu vá thì chúng ta sẽ cần phải khâu vết thương, dùng thuốc kháng sinh, giảm đau, chống phù nề, thời gian ngắn 1-2 tuần vết thương sẽ tự liền, thường sau 6 tuần đến 2 tháng thì bệnh nhân sẽ ổn hoàn toàn. Tuy nhiên với bệnh nhân mạn tính thì thường khó hơn, cần điều trị riêng biệt hơn. Thông thường với vết thương mạn tính chúng ta có thể phải cắt lọc, thậm chí có thể phải ghép da, hoặc những phẫu thuật đơn giản để làm sao mép vết thương làm mới lại. Tuy nhiên, dù vết thương đơn giản, cấp tính hay mạn tính thì chỉ nên rửa bằng nước muối thôi và thuốc sát trùng Betadine, còn bệnh nhân rắc thuốc vào vết thương thì rất không nên. Vì vô hình chung chúng ta làm cho dịch và vi khuẩn bên dưới tổ chức hoại tử không thoát được ra ngoài, gây ra một mảng khô cứng ngay dưới thuốc, tạo nên một ổ viêm.

Quý vị có thể xem lại chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 13 trên kênh Youtube, Zalo và website của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Quý vị hãy đón nghe Chương trình: “Hỏi để khoẻ hơn” số 14 phát sóng vào lúc 15h00 ngày 28/10 với chủ đề: “Một số điều cần lưu ý để bảo vệ bệnh nhân đột quỵ/ thiếu máu não thoáng qua”. Chương trình do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty Dược phẩm Sanofi tổ chức.

Quý khán giả quan tâm có thể xem lại Chương trình “Hỏi để khoẻ hơn” trên Youtube Bệnh viện Đại học Y Hà Nội theo link sau:

https://www.youtube.com/watch?v=9nvJ7SfKQBA

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Hỏi để khỏe hơn” số 13: Xử trí chấn thương phần mềm trong sinh hoạt hàng ngày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO