Liệt sĩ Phạm Kim Trân, nguyên Thẩm phán, Phó Chánh án TAND huyện Nam Đàn (Nghệ An), đã anh dũng hy sinh năm 1972 trong khi đang làm nhiệm vụ mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Tòa án hôm nay noi theo.
Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và lý tưởng cao đẹp
Trong không khí cả nước kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), chúng tôi tìm đến nhà Liệt sĩ Phạm Kim Trân, nguyên Thẩm phán, Phó Chánh án TAND huyện Nam Đàn (Nghệ An), đã anh dũng hy sinh năm 1972 trong khi đang làm nhiệm vụ tại quê nhà xã Nam Lạc (nay là xã Hùng Tiến), huyện Nam Đàn để thắp hương tưởng niệm và bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ngăn nắp ở xóm Liên Mậu 1, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An, ông Phạm Trọng Cảnh (thương binh hạng ¾, con trai thứ 3 của Liệt sĩ Phạm Kim Trân), cũng là người thờ tự cha mình cho biết, Liệt sĩ Phạm Kim Trân sinh năm 1923, tại xã Nam Kim (trước đây gọi là xã Nam Thắng) huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu lòng yêu nước. Năm 1945, chàng trai trẻ Phạm Kim Trân tham gia cách mạng và được kết nạp vào Đảng năm 1946.
Là một đảng viên trẻ nhiệt tình, năng nổ, từ năm 1945 – 1949, đồng chí Phạm Kim Trân đã tham gia tích cực các hoạt động tại địa phương như: làm cán bộ đoàn thanh niên cứu quốc, Phó Chủ tịch xã, Trưởng Công an xã…
Đến giai đoạn từ năm 1950 – 1954, đồng chí Phạm Kim Trân được cấp trên điều động ra làm Công an đặc biệt ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Từ năm 1954 – 1955, thực hiện chủ trương giảm biên chế, đồng chí Phạm Kim Trân đã xung phong về địa phương làm việc trong đoàn cải cách ruộng đất.
Với sự thông minh, chăm chỉ, làm việc nhiệt tình, trách nhiệm và hiệu quả, đến năm 1956 - 1958, đồng chí Phạm Kim Trân vinh dự được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch xã Nam Kim.
Tiếp đó, từ năm 1959 – 1963, đồng chí được điều động lên làm cán bộ tuyên huấn của Huyện ủy Nam Đàn, sau đó được cử đi học Thẩm phán.
Đến năm 1964, đồng chí được cử về làm Thẩm phán và Phó Chánh án TAND huyện Nam Đàn. Nhiệt huyết, ngay thẳng, không chùn bước trước cái sai, cái xấu, trong thời gian làm Thẩm phán, rất nhiều vụ án phức tạp đã được đồng chí Phạm Kim Trân xét xử nghiêm minh. Với tấm lòng bình dị, Thẩm phán Phạm Kim Trân không chỉ làm tốt công tác xét xử mà bên cạnh đó còn là người gần gũi với nhân dân, luôn tìm cách để tuyên truyền pháp luật đến với người dân mọi lúc, mọi nơi.
Tại đơn vị, Thẩm phán Phạm Kim Trân luôn được tín nhiệm và đánh giá cao cả về chuyên môn lẫn tư cách đạo đức, lối sống.
Năm 1972, đất nước đang trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt từ khi đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Nghệ An trở thành mục tiêu bắn phá ác liệt của không quân và hải quân Mỹ. Thời kỳ này, trụ sở các Tòa án nhân dân phải sơ tán để đảm bảo an toàn.
Ngày 7/7/1972, khi đang làm nhiệm vụ tại cơ quan (xã Nam Lạc - nay là xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn), Thẩm phán Phạm Kim Trân đã bị máy bay Mỹ ném bom khiến đồng chí hy sinh tại trụ sở.
Trước sự mất mát lớn lao cũng như ghi nhận sự anh dũng khi làm nhiệm vụ bảo vệ Công lý, năm 1997, nguyên Thẩm phán, Phó Chánh án TAND huyện Nam Đàn Phạm Kim Trân được truy tặng bằng Tổ quốc ghi công, công nhận Liệt sĩ.
Tự hào người ở lại
Đồng chí Phạm Kim Trân nên duyên chồng vợ với bà Lê Thị Tám (SN 1925, đã mất) và sinh hạ được 6 người con trai. Nối tiếp truyền thống yêu nước của gia đình, người con trai cả Phạm Kim Kỳ (SN 1952), đang học giữa chừng cấp 3 cũng xung phong lên đường nhập ngũ vào tháng 12/1971.
Trong khi con trai vừa mới hăng hái lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc thì ở quê nhà, bố đã anh dũng hy sinh.
Đồng thời, lúc bấy giờ, người con trai út còn trong bụng mẹ, chưa kịp chào đời. Một mình người vợ của đồng chí Phạm Kim Trân tảo tần sớm hôm, chịu thương, chịu khó gồng gánh nuôi các con khôn lớn, trưởng thành.
Ông Phạm Trọng Cảnh, không giấu được sự xúc động khi chia sẻ với PV: “Bố tôi luôn là niềm tự hào cho con cháu, lúc sống bố là người đàn ông mẫu mực, yêu vợ, thương con và rất có trách nhiệm trong công việc. Bố hy sinh là một tổn thất rất lớn đối với gia đình tôi, nhưng sự hy sinh đó đã để cho đất nước được yên bình, cho lớp trẻ hôm nay, con cháu chúng tôi được sống trong sự phồn vinh, đó là điều mà tôi và mọi người thân trong gia đình luôn tự hào về bố. Chúng tôi luôn tự hứa sẽ cố gắng sống tốt để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của bố, tiếc nuối nhất của gia đình chúng tôi là không có một bức chân dung của bố để thờ tự…”.
Trong 6 người con trai của Liệt sĩ Phạm Kim Trân thì có 3 người tham gia bộ đội. Ông Phạm Trọng Cảnh là thương binh, sau khi xuất ngũ trở về đã tích cực tham gia các phong trào để xây dựng phát triển quê hương như: làm Công an xã, Chi hội trưởng Cựu chiến binh xóm Liên Mậu 1, xã Kim Liên…
Để tưởng nhớ công ơn, cũng như sự hi sinh anh dũng của Liệt sĩ Phạm Kim Trân, vừa qua, Đoàn TAND tỉnh Nghệ An do ông Trần Ngọc Sơn - Chánh án TAND tỉnh cùng lãnh đạo, công chức TAND huyện Nam Đàn và cán bộ, công chức, người lao động TAND tỉnh đã tổ chức dâng hương tại nhà Liệt sĩ Phạm Kim Trân, đồng thời, thăm hỏi, động viên và tặng quà tri ân đối với thân nhân liệt sĩ.
“Liệt sĩ Phạm Kim Trân mãi là biểu tượng cao đẹp để mỗi cán bộ, công chức, người lao động của TAND hai cấp tỉnh Nghệ An noi theo, học hỏi. Sự hy sinh của Liệt sĩ Phạm Kim Trân là tấm gương sáng, là lời nhắc nhở để mỗi cá nhân không chỉ trong hệ thống Tòa án phải luôn cố gắng, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao”, Chánh án TAND tỉnh Nghệ An Trần Ngọc Sơn xúc động nói.
Những ngày này, cả dân tộc tưởng nhớ, tri ân công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để đổi lấy hòa bình, độc lập cho nước nhà. Đó là truyền thống uống nước nhớ nguồn cao đẹp của dân tộc ta.
Sự anh dũng hy sinh của các anh, trong đó có Liệt sĩ Phạm Kim Trân là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ cả nước hôm nay luôn ghi nhớ, noi theo, ra sức học tập, rèn luyện, xây dựng và bảo vệ đất nước.