Đây là thông điệp của Ngày Thế giới phòng chống tăng huyết áp (17/5) năm nay.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2023, tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở khu vực châu Á, bao gồm Việt Nam, lên tới 28,3%. Tuy nhiên, có tới 50% người bệnh chưa có nhận thức tốt về tăng huyết áp.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết cả nước hiện có khoảng 17 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ 4 người trưởng thành thì có 01 người mắc bệnh tăng huyết áp. Đặc biệt, trong 17 triệu người mắc tăng huyết áp ở cộng đồng thì có tới trên 50% chưa được phát hiện và trên 70% chưa được điều trị.
Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch nguy hiểm được xem như "kẻ giết người thầm lặng", là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim và các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm trên 35% tổng số ca tử vong toàn quốc.
Theo các chuyên gia y tế, biến chứng của tăng huyết áp thường rất nặng nề, để lại những di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Thế nhưng, số liệu nghiên cứu cho thấy, có khoảng 50% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp.
Thực tế là nhiều người còn chủ quan, chưa chú trọng đến việc đo huyết áp và chủ động tầm soát. Điều đó khiến cho số người bệnh được chẩn đoán vẫn chiếm tỷ lệ thấp.
Khi người bệnh mắc tăng huyết áp, nếu không được điều trị và kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tổn thương nặng các cơ quan đích và gây ra biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, phình tách thành động mạch chủ, suy tim, suy thận, thậm chí dẫn đến tử vong.
Để quản lý tăng huyết áp toàn diện, theo các bác sĩ, cần có sự phối hợp của nhân viên y tế, bệnh nhân và việc quản lý của bệnh viện.
Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước bệnh tăng huyết áp nói riêng, cũng như các bệnh lý khác đó là khám sức khỏe định kỳ. Bởi đa số người bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng và không biết bản thân mình đang mắc bệnh. Vì thế, đi khám sức khỏe định kỳ và đo chỉ số huyết áp thường xuyên sẽ giúp bạn phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp.
Đặc biệt, đối tượng người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) nên đi thăm khám sức khỏe thường xuyên từ 1 - 2 lần/ năm. Vì đây là nhóm đối tượng dễ bị tăng huyết áp và có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao nhất, cần được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Mọi người hãy áp dụng và duy trì lối sống khoa học, lành mạnh, nó sẽ giúp bạn kiểm soát và phòng ngừa các biến chứng tăng huyết áp tốt hơn. Đó là việc duy trì tập thể dục thể thao thường xuyên, phù hợp với độ tuổi và sức khỏe (đi bộ, chạy bền, đạp xe, yoga…).
Bên cạnh đó là áp dụng chế độ ân uống hợp lý, ăn nhiều các loại rau, củ, quả, các loại hạt, đậu nành, đậu phụ… Hạn chế đồ ăn chế biến nhiều dầu mỡ. Và nếu có thể hãy từ bỏ rượu bia, không nên hút thuốc lá.
Và đối với những người đã và đang mắc tăng huyết áp thì cần lưu ý việc sử dụng thuốc đều đặn theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Đơn thuốc điều trị tăng huyết áp sẽ mang tính chất cá thể, vì thế bạn không nên dùng thuốc theo đơn của người khác mà nên đi khám để được bác sĩ kê đơn phù hợp nhất.
Trong quá trình sử dụng thuốc, bạn hãy theo dõi sức khỏe, đo huyết áp thường xuyên khi dùng thuốc, phản hồi ngay với bác sĩ nếu gặp bất thường, hoặc nếu huyết áp không hạ được, để bác sĩ đánh giá và thay thế thuốc nếu cần thiết.
Ngày Thế giới phòng chống tăng huyết áp năm 2024 với chủ đề "Hãy đo đúng và kiểm soát tốt huyết áp để sống khỏe, sống lâu", tập trung vào vấn đề giảm ăn muối, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu bia và tăng cường hoạt động thể lực.