Văn hóa

Hà Nội xếp hạng 16 di tích lịch sử và văn hóa

Lập Nguyễn 27/05/2025 - 13:05

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2617/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố.

398-202505271017131.jpg
Nhiều di tích được công nhận tại các huyện ngoại thành

Theo quyết định này, 16 di tích thuộc các quận, huyện: Đan Phượng, Thanh Oai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy và Hoài Đức đã chính thức được công nhận là di tích cấp thành phố, nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của Thủ đô.

Trong đợt này, huyện Đan Phượng là địa phương có số lượng di tích được xếp hạng nhiều nhất với 4 di tích, gồm: Di tích lịch sử - nghệ thuật đình Trúng Đích và Di tích lịch sử - nghệ thuật đền Chính Khí cùng thuộc xã Hạ Mỗ; Di tích lịch sử văn hóa quán Méo, xã Song Phượng; và Di tích lịch sử văn hóa đình Phan Long, xã Tân Hội.

Các di tích này đều gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của các làng xã vùng ven đô, mang giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc truyền thống tiêu biểu.

Tại huyện Thanh Oai, có hai di tích được xếp hạng là: Di tích lịch sử văn hóa đền Hàng Tổng, xã Kim Thư và Di tích lịch sử văn hóa miếu Từ Châu, xã Liên Châu. Đây là những công trình tín ngưỡng dân gian lâu đời, phản ánh đời sống tinh thần phong phú và tín ngưỡng bản địa của cư dân vùng đồng bằng sông Hồng.

Huyện Nam Từ Liêm, nơi đang phát triển mạnh về đô thị hóa, cũng ghi nhận bốn di tích được xếp hạng, bao gồm: Di tích lịch sử văn hóa đình An Thái, phường Đại Mỗ; đền Sa Đôi, phường Phú Đô; miếu Cây Đề và đền Mẫu Giếng Mộc tại phường Mễ Trì.

Dự tọa lạc giữa khu vực đang đô thị hóa nhanh chóng, những di tích này vẫn được cộng đồng địa phương gìn giữ như những biểu tượng văn hóa truyền thống, gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh của người dân.

Tại quận Cầu Giấy, di tích đình Bái Ân – Quán Cây, Ao Cá, thuộc phường Nghĩa Đô, cũng được xếp hạng di tích lịch sử - nghệ thuật. Đây là công trình kiến trúc truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa làng cổ, nằm giữa lòng đô thị hiện đại, góp phần tạo nên sự hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong không gian đô thị Hà Nội.

Theo Quyết định 2617/QĐ-UBND, khu vực bảo vệ của các di tích nêu trên được xác định cụ thể theo biên bản và bản đồ khoanh vùng trong hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích. UBND các quận, huyện có di tích được xếp hạng, gồm: Cầu Giấy, Hoài Đức, Đan Phượng, Nam Từ Liêm và Thanh Oai, có trách nhiệm công khai thông tin về khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích. Đồng thời, các địa phương này phải tổ chức lập hồ sơ cắm mốc giới và triển khai việc cắm mốc giới bảo vệ di tích ngoài thực địa theo đúng thẩm quyền và các quy định của pháp luật hiện hành.

398-202505271017132.jpg
Hà Nội xếp hạng 16 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh

UBND các phường, xã nơi có di tích được xếp hạng gồm: Nghĩa Đô (Cầu Giấy); Tiền Yên (Hoài Đức); Hạ Mỗ, Song Phượng, Tân Hội, Tân Lập, Trung Châu (Đan Phượng); Đại Mỗ, Phú Đô, Mỹ Đình 1, Mễ Trì (Nam Từ Liêm); Kim Thư và Liên Châu (Thanh Oai) có trách nhiệm ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý di tích tại địa phương.

Các Ban Quản lý này sẽ trực tiếp tổ chức quản lý mặt bằng, không gian, hiện vật, cũng như các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Đồng thời, việc sử dụng nguồn thu tại các di tích phải tuân thủ các quy định tại Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 và Quyết định số 31/2021/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 của UBND TP. Hà Nội, về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh.

UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, mọi hành vi xây dựng trái phép, khai thác, hoặc sử dụng đất đai trong khu vực di tích đã được xếp hạng đều bị nghiêm cấm. Trong trường hợp đặc biệt cần sử dụng đất hoặc xây dựng tại khu vực di tích, bắt buộc phải có sự cho phép bằng văn bản của UBND thành phố.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ phối hợp cùng các quận, huyện và xã, phường nơi có di tích, trong phạm vi thẩm quyền, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với di tích. Công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích sẽ tiếp tục được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa – du lịch bền vững của thành phố Hà Nội.

Việc xếp hạng 16 di tích lần này không chỉ góp phần làm phong phú thêm danh mục di tích trên địa bàn Thủ đô, mà còn thể hiện quyết tâm của chính quyền các cấp trong công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Những di tích này chính là những minh chứng sống động cho chiều sâu lịch sử, là tài sản quý báu cần được gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội xếp hạng 16 di tích lịch sử và văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO