Hà Nội: Cần xem xét nguyện vọng chính đáng của một gia đình tâm huyết bảo tồn đền Nghĩa Lập

Đỗ Việt| 04/10/2022 11:47

Theo phản ánh, khi đền Nghĩa Lập còn hoang sơ, dột nát, xuống cấp nghiêm trọng, không có người trông nom, cụ Nguyễn Thị Nhãn và gia đình đã đầu tư nhiều tiền của xây sửa, tu bổ, cải tạo nâng cấp để có diện mạo ngôi đền khang trang như ngày nay.

Báo Công lý nhận được đơn thư của bà Phạm Thị Vân (SN 1958, trú tại phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khẩn thiết đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ về những đóng góp của cụ Nguyễn Thị Nhãn (SN 1936, mẹ bà Vân) về việc gìn giữ, tôn tạo, xây dựng và mua sắm nhiều đồ vật thờ cúng đang lưu giữ tại đền Nghĩa Lập (32 Hàng Đậu); và xem xét nguyện vọng chính đáng của bà về việc tiếp tục được trông coi, quản lý đền theo di huấn của người mẹ đã qua đời.

phuong-dong-xuan-bao-ton-den-nghia-lap2.jpg
Trong những năm qua, bà Vân luôn hết lòng phụng sự trông nom, hương khói cho ngôi đền.

Theo phản ánh, cụ Nguyễn Thị Nhãn là một thủ nhang tâm huyết và gắn bó với đền Nghĩa Lập hơn 40 năm. Cụ đến đền vào năm 1980-1981, khi ngôi đền còn hoang sơ, dột nát xuống cấp nghiêm trọng không có người trông nom. Thời điểm đó, kinh tế khó khăn nên những chốn tâm linh như đền chùa, miếu mạo ít được quan tâm, tu sửa.

Cụ Nhãn đã tự nguyện bỏ tiền ra xây sửa, tu bổ, cải tạo, nâng cấp ngôi đền, xây dựng lại hậu cung. Cụ được chị gái ruột (cụ Nguyễn Thị Lan - Việt kiều Pháp) sau năm 1975 thường xuyên gửi tiền về và nhiều lần trực tiếp về nước cùng cụ Nhãn để đầu tư, sửa sang ngồi đền. Hiện tại, bia của cụ Lan cũng được đặt trang trọng trong đền Nghĩa Lập để tỏ lòng biết ơn người đã phát tâm xây dựng ngôi đền.

phuong-dong-xuan-bao-ton-den-nghia-lap3.jpg
Bia ghi nhận công đức của bà Nguyễn Thị Lan (Việt kiều Pháp) được đặt trong đền Nghĩa Lập để tỏ lòng biết ơn người đã dành nhiều thời gian công của để tôn tạo ngôi đền..

Để có được ngôi đền Nghĩa Lập uy nghiêm, khang trang phục vụ nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của người dân nơi đây như hiện nay, cụ Nhãn đi các chùa xin tượng Phật và thuê thợ làng nghề Sơn Đồng về đúc tượng Phật Bà Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Ngoài ra, cụ cùng phật tử ra tận ga Hàng Cỏ rước tượng Phật Bà Quan Âm ở chùa Vĩnh Nghiêm về đền. Không những hết lòng trông nom, hương khói cho ngôi đền, các con, các cháu cụ Nhãn cũng luôn dành cho cửa thánh hiền tâm, trí, tiền bạc, không quản kinh tế eo hẹp để gìn giữ và bảo tồn giá trị ngôi đền. Nhờ những công lao to lớn trong việc gìn giữ và xây dựng đền Nghĩa Lập, cụ Nhãn đã được UBND và MTTQ phường Đồng Xuân cùng toàn dân trong vùng uy tín cử trông nom, hương khói, gìn giữ phát huy giá trị của ngôi đền từ năm 1986.

Nội dung đơn thư cũng nêu rõ: Để có chỗ ở cho gia đình mà không phạm vào cửa thánh, cụ Nhãn đã tạo lập nên một diện tích nằm ngoài phạm vi ngôi đền để ăn, ở, sinh hoạt đến nay đã 40 năm. Ngoài cụ Nhãn, nhiều hộ dân khác đến đây cũng tự tạo lập nên một diện tích để ở sát với ngôi đền.

Do cụ Nhãn tuổi cao sức yếu, từ năm 2013, bà Phạm Thị Vân (con gái cụ Nhãn) có đơn gửi UBND phường Đồng Xuân xin được kế tục, tiếp tục công việc trông coi, quản lý đền Nghĩa Lập và được UBND phường đồng ý thông qua việc ban hành các Quyết định số 66/QĐ-UBND ngày 29/5/2013 và Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 31/8/2020. Trong đó, bà Phạm Thị Vân được bầu là Phó tiểu ban quản lý di tích dền Nghĩa Lập.

Bà Vân chia sẻ, ngôi đền là tâm phúc của cả đại gia đình nên khi mẹ qua đời, di huấn của cụ Nhãn mong muốn con gái tiếp tục theo gương mẹ tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị của ngôi đền. Trong những năm qua, bà Vân luôn hết lòng phụng sự trông nom hương khói cho ngồi đền và tuân thủ các quy định của các cấp chính quyền địa phương trong việc bảo tồn giá trị đền Nghĩa Lập.

phuong-dong-xuan-bao-ton-den-nghia-lap1.jpg
Bà Phạm Thị Vân nhận được nhiều chứng nhận và bằng khen vì đã có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng tôn giáo.

Tuy nhiên, theo phản ánh của bà Vân, đầu tháng 9/2022, bà bất ngờ nhận được thông báo bị loại tên ra khỏi danh sách Tiểu ban quản lý di tích đền Nghĩa Lập. Điều này được thể hiện bằng Quyết định số 868QĐ/-UBND ngày 29/8/2002 của UBND phường Đồng Xuân về việc kiện toàn Tiểu ban quản lý di tích Đền Nghĩa Lập.

Sau đó, bà Vân tiếp tục nhận được thông báo của UBND phường Đồng Xuân yêu cầu bà phải di chuyển đồ đạc cá nhân của bà ra khỏi đền, bàn giao chìa khóa cửa cuốn khu vực hậu cung cho UBND phường.

Trước sự việc trên, bà Phạm Thị Vân đã có đơn kiến nghị khẩn cấp đến UBND phường Đồng Xuân và các cơ quan chức năng để xem xét đảm bảo sự công bằng cho những công lao đóng góp của gia đình bà và nguyện vọng chính đáng của bà trong việc kế tục, chăm nom hương khói cho ngôi đền, thể theo di huấn của người mẹ đã mất.

Trao đổi với PV, vợ chồng bà Vân cho biết, từ trước đến nay gia đình luôn tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cùng các quy định của địa phương nơi cư trú. Theo bà, việc UBND phường Đồng Xuân bất ngờ ra thông báo yêu cầu bà phải di chuyển gia khỏi ngôi đền mà không có sự giải thích rõ ràng, không xem xét công lao đóng góp của gia đình bà trong việc tôn tạo, tu bổ trông ngom ngôi đền là việc làm “thiếu công bằng”.

Bà Vân khẳng định, gia đình sẵn sàng di chuyển ra khỏi đền Nghĩa Lập, tuy nhiên chính quyền địa phương cần phải căn cứ vào tình hình thực tế làm rõ những công lao, đóng góp của của gia đình bà đã nhiều năm dày công tôn tạo, xây dựng ngôi đền, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho bà và các thành viên trong gia đình.

Để thông tin khách quan, PV Báo Công lý đã liên hệ và để lại nội dung làm việc với UBND phường Đồng Xuân về những phản ánh của  người dân, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Cần xem xét nguyện vọng chính đáng của một gia đình tâm huyết bảo tồn đền Nghĩa Lập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO