Hà Giang: Nguy cơ hỏng di tích Quốc gia khi nhà thầu không có năng lực

Lê Hương | 06/11/2021 17:06

BVCL - Công trình Bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia Căng Bắc Mê, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, có nguy cơ không đảm bảo an toàn khi chủ đầu tư không yêu cầu nhà thầu cũng như nhân sự có chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích.

Theo phản ánh của bạn đọc Báo Công lý về việc lựa chọn nhà thầu tại Gói thầu số 07: Thi công xây dựng+Nội thất, thiết bị Công trình: Bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia Căng Bắc Mê, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, chủ đầu tư đã không yêu cầu nhà thầu cũng như nhân sự có chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích theo quy định, dẫn đến nguy cơ công trình không đảm bảo an toàn thi công và có thể bị hư hỏng, phá vỡ kiến trúc ban đầu.

Ngày 24/2/2021, ông Nguyễn Hồng Hải- Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, ban hành Quyết định số 47/QĐ-SVHTTDL phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 07. Tại quyết định này, đơn vị trúng thầu được phê duyệt là Liên danh Công ty CP phát triển Công nghệ Hà Giang và Công ty TNHH Giang Hải, giá trúng thầu là 14.719.048.816 đồng, loại hợp đồng trọn gói, thời gian thi công 12 tháng.

qd-phe-duye(2).jpg
Quyết định số 47/QĐ-SVHTTDL phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu

Theo hồ sơ mời thầu (HSMT) của Công ty TNHH Một Thành Viên D và A (Đại diện bên mời thầu) phần yêu cầu kinh nghiệm, năng lực, lại không yêu cầu nhà thầu và nhân sự có Chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 61/2016/NĐ-CP Quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh thì hành nghề tu bổ di tích bao gồm 4 hoạt động sau: Hành nghề lập quy hoạch tu bổ di tích; Hành nghề lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích; Hành nghề thi công tu bổ di tích; Hành nghề giám sát thi công tu bổ di tích.

Hoạt động tu bổ di tích là hoạt động có điều kiện. Cá nhân hay tổ chức muốn tham gia hoạt động cần đáp ứng điều kiện mà pháp luật quy định. Đối với cá nhân, xin cấp chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích. Đối với tổ chức, xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích.

Rõ ràng quy định của Nhà nước là như vậy nhưng chủ đầu tư lại không đưa tiêu chí này vào HSMT, vi phạm quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho đơn vị trúng thầu không đủ hồ sơ theo quy định trúng thầu, việc này có thể tạo những hệ lụy khôn lường.

Trên thực tế, đã có những “mất mát” khi trùng tu tôn tạo một số di tích văn hóa như: Tu bổ chùa Thổ Hà làm vỡ bia đá cổ 342 năm: Đình Lương Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) bằng gỗ thế kỷ 17 bị bỏ để xây đình bằng bêtông năm 2018: Phá cổng phụ chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội) để xây cổng mới to hơn năm 2019: Sơn toàn bộ đình Trung Thượng và đình Trùng Hạ (Gia Viễn, Ninh Bình) làm "biến dạng" những ngôi đình có kiến trúc gỗ thế kỷ 17 vào năm 2020. Đây là bài học dành cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang khi tôn tạo di tích lịch sử văn hóa mà lại lựa chọn nhà thầu không đủ hồ sơ theo quy định.

tru-so(1).jpg
Trụ sở, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang

Cũng theo phản ánh, để trúng thầu dự án trên Liên danh nhà thầu đã kê khai ông Vũ Hồng Khanh và ông Hoàng Vũ Tưởng làm nhân sự khi tham gia đấu thầu, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên thì ông Vũ Hồng Khanh (Sn 1989, có địa chỉ tại xã Đại Đồng, Thạch Thất, Ha Nội) không phải là nhân sự của Công ty Giang Hải. Ông Khanh hiện đang là Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xây Dựng Tín Thành có địa chỉ tại Thôn Bắc Đồng, xã Dương Hồng Thủy, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Còn ông Tưởng thì đang làm quản lý dự án tại phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM cũng không phải là nhân sự của Liên danh.

Với một nhà thầu có hành vi gian dối, “đi mượn” nhân sự chủ tốt của công ty khác như vậy thì liệu có đảm bảo năng lực để thực hiện công trình “Bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia Căng Bắc Mê, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang”? Và liệu chủ đầu tư có đang “bất chấp” để lựa chọn nhà thầu mà mình “ngắm trúng”?

Theo luật sư Đỗ Ánh Hường - Văn phòng luật sư Đức Minh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, trường hợp bên mời thầu có bằng chứng cho thấy nhà thầu cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu thì nhà thầu sẽ bị coi là có hành vi gian lận trong đấu thầu theo quy định tại Khoản 4, Điều 89 Luật Đấu thầu và sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 1, Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ, cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 năm đến 05 năm.

Để làm rõ những bất thường mà bạn đọc phản ánh trong gói thầu nêu trên, phóng viên đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Hồng Hải- Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang nhưng gần hai tháng nay phóng viên không nhận được phản hồi.

Trước những phản ánh có cơ sở nêu trên, đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ lại quy trình đấu thầu tại các gói thầu trên. Cũng cần nêu rõ tên những nhà thầu vi phạm pháp luật để minh bạch công tác đấu thầu, ngăn cản lợi ích nhóm giữa đơn vị tổ chức đấu thầu và nhà thầu. Phát hiện và có biện pháp chấn chỉnh xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định pháp luật.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Giang: Nguy cơ hỏng di tích Quốc gia khi nhà thầu không có năng lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO