Diễn đàn pháp lý

Giải quyết vướng mắc và cải thiện môi trường kinh doanh 2024

Nguyên Bình 16/02/2024 - 05:54

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Nghị quyết quán triệt các nội dung chỉ đạo của Đảng, Chính phủ nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo. Cải cách theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.

phien-hip-cp.jpg
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Ảnh minh họa

Kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết

Nghị quyết nêu rõ: Phải nâng cao chất lượng xây dựng chính sách; thực hiện đánh giá tác động toàn diện dựa trên luận chứng khoa học và thực tiễn trước khi đề xuất ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định tác động tới người dân, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm túc quy trình lấy ý kiến; đảm bảo tham vấn rộng rãi các đối tượng chịu tác động; và đối thoại công khai để tạo sự đồng thuận. Không ban hành các quy định yêu cầu doanh nghiệp chia sẻ thông tin, dữ liệu nằm ngoài thẩm quyền và phạm vi quy định tại văn bản pháp luật. Yêu cầu doanh nghiệp chia sẻ dữ liệu phải phù hợp với pháp luật, thẩm quyền, phạm vi quản lý và kèm theo các quy định rõ về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ thông tin, dữ liệu của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát kiểm tra; nâng cao chất lượng thực thi văn bản pháp luật, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính gây chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo đúng thời hạn và không được đặt thêm các yêu cầu, điều kiện đối với doanh nghiệp. Thiết lập cơ chế rõ ràng về bảo vệ cán bộ khi giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh trong trường hợp có sự không thống nhất, khác biệt về quy định giữa các văn bản pháp luật.

Duy trì và nhân rộng các kinh nghiệm chính sách tốt, tiên tiến về quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Kịp thời tạo lập và hoàn thiện thể chế, chính sách về môi trường kinh doanh để thích ứng linh hoạt, phù hợp với những xu thế phát triển mới như: đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...

Nghị quyết đặt mục tiêu tổng quát là cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; giảm rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp.

Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu cụ thể năm 2024, phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023. Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phải là nhiệm vụ trọng tâm

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xác định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên; trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết này. Trước ngày 20/01/2024 phải xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình, Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh; đồng thời công khai các kết quả kiểm tra, giám sát. Phân công đơn vị làm đầu mối thực hiện tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình cải thiện môi trường kinh doanh của bộ, ngành và địa phương.

Coi trọng và thường xuyên chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp tổ chức các hoạt động đối thoại với người dân, doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đảm bảo đối thoại thực chất, giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời, đổi mới việc tiếp nhận thông tin, phản ánh của doanh nghiệp và các nhà đầu tư để phòng ngừa các tranh chấp về thương mại và đầu tư.

images1929985-moi-truong-yttt20220429144700.0204510.jpg
Ảnh minh họa

Rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo; không cản trở, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Trước thời điểm ban hành Nghị quyết 02, trong buổi làm việc giữa các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cuối năm 2023 có đề cập đến nội dung về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, cùng với kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, quan hệ đầu tư, thương mại với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc… thì việc cải thiện môi trường kinh doanh cần phải là nhiệm vụ trọng tâm và được ưu tiên hàng đầu. Với sự trở lại của nghị quyết riêng về cải thiện môi trường kinh doanh, thông điệp được đưa ra là Chính phủ chọn cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên và như vậy sẽ có sự thực hiện mạnh mẽ, cải thiện hơn năm 2024.

ts-nguyen-dinh-cung-chung-ta-con-thieu-don-vi-tien-phong-giu-lua-thuc-day-cai-cach-08-.9126.jpg
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) nhắc tới một trong những mục tiêu tổng quát được đề xuất trong Dự thảo Nghị quyết (thời điểm đó đang trình Chính phủ), đó là cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

“Doanh nghiệp chỉ trở lại, sẵn sàng đầu tư nếu thấy rõ các tồn tại, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, các khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh được nhận diện và có cơ chế giải quyết cùng với tạo áp lực trong thực thi. Đây là lý do đề xuất nhóm giải pháp liên quan đến tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư là nhóm nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”, bà Thảo cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết vướng mắc và cải thiện môi trường kinh doanh 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO