Gia Lâm (Hà Nội): Hạ tầng giao thông xuống cấp chính quyền huyện Gia Lâm ở đâu?

PV| 09/01/2022 14:16

BVCL - Xe quá khổ, quá tải chạy rầm rập cả ngày lẫn đêm trên một số tuyến phố, tuyến đê sông Hồng thuộc địa bàn huyện Gia Lâm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng, gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.

anh-1-a.jpg
Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội bị “băm nát”, xuống cấp nghiêm trọng, gây ô nhiễm khói bụi, không đảm bảo ATGT.

Như Báo Công lý đã có loạt bài phản ánh, tình trạng xe quá khổ, quá tải hoành hành trên các tuyến đường, tuyến đê trên địa bàn huyện Gia Lâm, gây mất ATGT, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an toàn hành lang đê điều… Vụ việc không những không bị xử lý dứt điểm mà còn có dấu hiệu hoạt động mạnh hơn. 

Trên các tuyến đường Ỷ Lan, Hà Huy Tập, Cổ Bi, Lý Thánh Tông, Giáp Hải Đê sông Đuống, Đê Tả sông Hồng… xe quá khổ, quá tải tấp nập hoạt động ngay giữa ban ngày. Theo phản ánh của người dân, tình trạng trên kéo dài từ giữa năm 2021 đến nay nhưng không thấy sự xuất hiện của lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Khu vực bến Lời tàu, sà lan nườm nượp neo đậu, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải trọng lớn ra, vào bốc xếp hàng hóa.

Tại khu vực bến Lời, hàng loạt xe tải, xe rơ-móoc chở hàng chạy thẳng ra tuyến đường Ỷ Lan khiến con phố này oằn mình ghánh chịu. Hậu quả là tuyến đường bị xuống cấp nghiêm trọng, hàng loạt ổ voi, ổ gà xuất hiện, nhiều đoạn bị cày nát thành những hố lớn như những “cái bẫy” cho người tham gia giao thông.

Đáng lo ngại hơn, trên tuyến đường này là nơi tập trung đông dân cư, với nhiều trường học, trạm xá. Đặc biệt, đây cũng chính là địa bàn có trụ sở của UBND xã nhưng những chiếc xe quá khổ, quá tải này vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí chạy với tốc độ cao khi di chuyển mà không gặp phải trở ngại nào.

anh-2-a.jpg
Bãi tập kết vật liệu ngoài bến Lời, bãi ven sông Hồng (đoạn dưới trân cầu Thanh Trì), nơi những chiếc xe tải ben vào “ăn hàng” mang đi.

Trên tuyến đê tả sông Hồng thuộc địa phận xã Đông Dư, huyện Gia Lâm tình trạng diễn ra tương tự. Hằng ngày, có hàng trăm chiếc xe tải trọng lớn chở cát đi lại khiến mặt đê bị rạn nứt, lún dài, mặc dù tuyến đê này đã cắm biển cảnh báo trọng tải và khu vực đang theo dõi lún.

Các xe tải này đều có dấu hiệu cơi nới thành thùng, chở vật liệu, bê tông, trên xe có gắn logo như: PTH, Cường Linh, Minh Tâm…

Lần theo những chiếc xe tải này, PV phát hiện tất cả đều xuất phát từ các bãi tập kết VLXD và trạm trộn bê tông đặt dưới gầm cầu Thanh Trì ven bờ sông Hồng thuộc xã Đông Dư, huyện Gia Lâm.

Bám theo một xe chở cát gắn logo “Minh Tâm” xuất phát từ địa điểm trên, PV ghi nhận khi ra khỏi bãi lái xe lập tức rú ga cho xe chạy với tốc độ cao theo tuyến đê tả sông Hồng, di chuyển qua nhiều tuyến đường nội thị đông đúc của huyện Gia Lâm và trả hàng tại dự án Vinhomes Drean City Hưng Yên.

Video bãi ven sông Hồng: Những "binh đoàn" xe tải có dấu hiệu quá tải, quá khổ đợi “ăn hàng” tại bãi tập kết ven sông Hồng sau đó tung hoành trên tuyến đê Tả sông Hồng chạy qua địa phận xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội về dự án tại Hưng Yên trả hàng.

Người dân cho biết, những xe tải chở vật liệu, bê tông này chạy cả ngày lẫn đêm suốt thời gian qua nhưng không bị các cơ quan chức năng về quản lý đê điều, chính quyền, lực lượng thanh tra giao thông, CSGT… kiểm tra, ngăn chặn.

Về phía chính quyền huyện Gia Lâm, mặc dù PV đã đặt lịch, liên hệ làm việc nhưng đại diện UBND huyệncho biết lý do: “Trụ sở ủy ban đang chuyển nơi làm việc mới nên không có người tiếp báo chí”. Tương tự, sau khi liên hệ Công an huyện Gia Lâm thông tin: “Do có người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên không thể tiếp báo chí?”.

Ngày 25/11/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo:

Đối với Bộ Giao thông vận tải:

c) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, kiểm tra tại các đơn vị, địa phương về việc tổ chức ký cam kết không xếp hàng quá tải trọng cho phép của phương tiện; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện cam kết đã ký;

d) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải, cảng vụ hàng hải, cảng vụ đường thủy nội địa tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện, nhất là vi phạm về kích thước thùng xe tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng biển, cảng, bến thủy nội địa, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô... để ngăn chặn kịp thời các xe ô tô chở hàng quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đường bộ;

đ) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông trong tiếp nhận, trao đổi thông tin về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, kiểm soát tải trọng phương tiện, cung cấp các dữ liệu liên quan đến điều kiện của phương tiện, hành trình phương tiện... để phục vụ công tác quản lý và xử lý vi phạm;

e) Tổ chức đoàn kiểm tra tăng cường trên phạm vi toàn quốc; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra tình trạng xe quá khổ, quá tải trong phạm vi quản lý.

Đối với Bộ Công an

a) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông khẩn trương hoàn thiện việc trang bị hệ thống cân tải trọng cố định tại các trạm Cảnh sát giao thông theo Đề án “Tăng cường biên chế, trang thiết bị và đào tạo cho lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 334/2005/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2005; đồng thời, tiếp tục trang bị cân tải trọng xách tay để tuần tra, kiểm soát lưu động nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các xe quá tải trên các tuyến giao thông (nhất là các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường nông thôn…);

b) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng; chỉ đạo lực lượng chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ trong hoạt động kiểm tra tải trọng phương tiện; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để đấu tranh có hiệu quả với hành vi có biểu hiện tiêu cực trong hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện...;

c) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện trao đổi kịp thời, đầy đủ thông tin về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động vận tải, đặc biệt là hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện cho các Sở Giao thông vận tải để phục vụ công tác quản lý và xử lý vi phạm về vận tải theo quy định của pháp luật.

Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

a) Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng phương tiện chở quá tải tham gia giao thông trên địa bàn;

b) Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện vận tải trên địa bàn; trong đó, phân công và xác định trách nhiệm cụ thể của lực lượng Công an, Giao thông vận tải, chính quyền địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lâm (Hà Nội): Hạ tầng giao thông xuống cấp chính quyền huyện Gia Lâm ở đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO