Thời gian qua, giá mía đường liên tục tăng cao, giá đường tiêu dùng tăng lên mức xấp xỉ 28.000 đồng/kg. Điều này được xác định do ảnh hưởng từ giá đường thế giới cộng với nhu cầu đường trong quý 4 dự báo tăng cao.
Giá mía đường thế giới liên tục tăng cao, nhiều dự báo thị trường có thể thiếu hụt hơn 2 triệu tấn đường do áp lực từ các quốc gia triển khai chính sách kiểm soát thị trường lương thực. Chính vì thế, giá đường trong nước cũng liên tục tăng.
Theo ghi nhận của thị trường, đường phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh lên 22.000 - 23.000 đồng/kg. Trong khi đó đường tiêu dùng tăng lên mức xấp xỉ 28.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao so với năm nay và có phần nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm 2022. Theo dự báo, giá đường tại Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm do nhu cầu tăng mạnh.
Đi cùng với giá mía đường trên thị trường thế giới tăng thì dự báo thiếu hụt nguồn cung cũng được ghi nhận. Lượng đường tồn kho trên thế giới dự kiến trong niên độ 2022 - 2023 sẽ giảm 13% so với niên độ trước. Thời gian gần đây, sản lượng đường ở các quốc gia xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc đều sụt giảm. Điều này đã tác động mạnh đến giá đường thế giới.
Tại Việt Nam, nhiều dự báo cũng sẽ có khả năng thiếu hụt về lượng đường cung cấp trên thị trường. Theo Tổng cục Thống kê, với dân số đạt mốc 100 triệu người, mức tiêu thụ đường của Việt Nam sẽ vào khoảng 2,2 - 2,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, theo Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam, sản lượng đường trong nước như năm ngoái chỉ đạt 935.000 tấn. Điều này có nghĩa ngành mía đường mới chỉ đáp ứng được 43% nhu cầu tiêu thụ.
Nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước những lo ngại về lạm phát, do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như mùa vụ, cung - cầu, sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh đó, việc phản ứng kịp thời, nhanh chóng để đảm bảo nguồn cung đường cho tiêu dùng và sản xuất, góp phần duy trì và nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị kinh tế... là vấn đề cấp thiết. Giải pháp để bù đắp tình trạng thiếu hụt đường, cũng như duy trì diện tích mía hiện có đang được các bên đặt ra.
Theo khảo sát mới nhất của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn từ 40 doanh nghiệp chế biến thực phẩm dùng đường lớn nhất Việt Nam, năm nay nhu cầu đường của các doanh nghiệp này sẽ tăng lên khoảng 60.000 tấn so với năm ngoái. Trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động đòi hỏi Việt Nam phải có giải pháp để tăng tính chủ động về nguồn cung.
Thời điểm này ngành đường Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị vào vụ sản xuất ép mía 2023 - 2024, thị trường đường ổn định là yếu tố quan trọng bảo đảm đầu ra của chuỗi liên kết sản xuất mía - đường.
Ngành mía đường tại nước ta trong nhiều năm qua không thực sự ổn định. Chính vì thế diện tích trồng mía trên cả nước ngày một thu hẹp do người dân chuyển đổi sang loại cây trồng khác. Vì vậy, rất cần những chính sách hỗ trợ kịp thời để thị trường ổn định, người dân có thêm niềm tin tiếp tục gắn bó và phát triển với cây mía, đưa ngành mía đường trở thành ngành hàng phát triển bền vững.