Với nhiều thành tích xuất sắc trong công tác năm 2023, Thẩm phán Lê Thị Cẩm Nhung vinh dự được Chánh án TANDTC tặng danh hiệu Thẩm phán Giỏi.
Xuyên suốt quá trình công tác, Thẩm phán Lê Thị Cẩm Nhung, Chánh án TAND huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng), luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ứng dụng nhiều biện pháp, giải pháp trong công tác quản lý và chuyên môn. Với những thành tích đạt được, năm 2023, Thẩm phán Lê Thị Cẩm Nhung vinh dự được Chánh án TANDTC tặng danh hiệu Thẩm phán Giỏi.
Điểm sáng về hòa giải, đối thoại
Gặp gỡ chúng tôi trong những ngày chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thẩm phán Lê Thị Cẩm Nhung - Chánh án TAND huyện Long Phú phấn khởi chia sẻ, năm 2023, TAND huyện Long Phú đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Công tác chuyên môn, các phong trào thi đua đều đạt và vượt chỉ tiêu cấp trên giao.
Theo đó, năm 2023, TAND huyện Long Phú thụ lý tổng cộng 821 vụ việc, đã giải quyết 793 vụ việc đạt tỷ lệ 96,58%, so với cùng kỳ thụ lý tăng 89 vụ việc, giải quyết tăng 101 vụ việc. So với chỉ tiêu đề ra trong năm vượt 11,58%. Nhìn chung, chất lượng giải quyết và xét xử đạt yêu cầu, đảm bảo chỉ tiêu chung về tỷ lệ án hủy, sửa dưới 1,5%.
Năm 2023, TAND huyện Long Phú đã hòa giải thành 455/717 vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, đạt tỷ lệ 63,45%. Trong đó, hòa giải thành theo thủ tục tố tụng là 127/389 vụ việc, đạt tỷ lệ 32.46%, hòa giải thành theo thủ tục hòa giải đối thoại là 328/367 vụ việc, đạt tỷ lệ 89,37%.
Một trong những kết quả nổi bật trong năm 2023 của TAND huyện Long Phú là tỷ lệ hòa giải thành rất cao, đứng trong top các TAND cấp huyện có tỷ lệ cao nhất của TAND hai cấp tỉnh Sóc Trăng. Cụ thể, số vụ việc Tòa án đã chuyển hòa giải, đối thoại là 367 vụ việc, kết quả có 328 vụ hòa giải, đối thoại thành đạt tỷ lệ 89,37%, còn lại 39 vụ việc hòa giải không thành chuyển sang tố tụng tỷ lệ 10,62%.
Chánh án Lê Thị Cẩm Nhung cho biết, ban lãnh đạo TAND huyện luôn quán triệt đến toàn đơn vị chú trọng và nâng cao nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ phải tâm huyết, có kỹ năng và giải quyết hiệu quả các tranh chấp ngay từ khi nhận đơn khởi kiện. Đây được xem là biện pháp khả thi và hiệu quả, khi người dân hiểu được ý nghĩa và lợi ích mà hòa giải, đối thoại mang lại thì họ sẽ lựa chọn cơ chế này. Bên cạnh đó phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tòa án và các hòa giải viên, chuẩn bị tốt việc hòa giải, bố trí thời gian phù hợp, bố trí điều kiện cơ sở vật chất phục vụ việc hòa giải...
“Tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành năm 2023 đạt 89,37% đã chứng minh tính thực tiễn đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Thông qua việc triển khai thực hiện hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đã giảm thiểu được một số lượng án phải thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng, từ đó giảm bớt khối lượng công việc thực tế cho Thẩm phán, Thư ký. Hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã và đang được người dân trên địa bàn quan tâm, tìm hiểu, rất nhiều đương sự đã lựa chọn hòa giải viên giải quyết đơn khởi kiện của mình sau khi được tuyên truyền”, Chánh án Lê Thị Cẩm Nhung chia sẻ.
Đột phá để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Trước tình hình tại đơn vị số lượng án thụ lý, giải quyết tăng; các vụ án tranh chấp dân sự ngày càng đa dạng hơn và phức tạp nhất là trong lĩnh vực đất đai; một số vụ án tồn đọng nhiều năm do nhiều Thẩm phán giải quyết có tính chất vụ án phức tạp và tiến độ giải quyết loại án này bị chậm do nhiều nguyên nhân.
Để khắc phục những khó khăn nêu trên, Chánh án Lê Thị Cẩm Nhung cùng ban lãnh đạo TAND huyện đã chỉ đạo và thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch công tác của các Thẩm phán; giữ mối liên hệ với các phòng nghiệp vụ của TAND tỉnh, kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo về những vướng mắc, bất cập trong quá trình công tác.
Chủ động phối hợp đối với các cơ quan chuyên môn, cơ quan hữu quan nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các Thẩm phán trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ như: đo đạc, định giá tái sản, yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ... để sớm cung cấp thông tin cũng như kết quả phục vụ cho công tác chuyên môn của Tòa án.
Thường xuyên nhắc nhở Thẩm phán, Thư ký rèn luyện để nâng cao kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình giải quyết, xét xử các loại án cũng như giao tiếp với đương sự và người tham gia tố tụng khác nhằm hạn chế việc khiếu nại hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng trong vụ án.
Yêu cầu các Thẩm phán, Thư ký vào chiều thứ Sáu hằng tuần phải báo cáo tiến độ giải quyết công việc được giao với lãnh đạo phụ trách nhằm kiểm tra tiến độ thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán, Thư ký để có hướng nhắc nhở, chỉ đạo kịp thời để không ảnh hưởng đến tiến độ công việc; thực hiện báo cáo án trước khi hồ sơ vụ việc kết thúc và trước khi xét xử nhằm hạn chế sai sót về tố tụng cũng như việc thu thập tài liệu, chứng cứ đầy đủ và toàn diện để nâng cao chất lượng giải quyết.
Qua đó, nếu chưa thống nhất quan điểm thì thực hiện việc trao đổi án với tập thể các Thẩm phán tại đơn vị để phân tích, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trước khi xin ý kiến Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh. Nhờ áp dụng đồng loạt các giải pháp nêu trên, công tác giải quyết án trong lĩnh vực dân sự của TAND huyện Long Phú đã có chuyển biến tích cực.
Ngoài ra, Chánh án Lê Thị Cẩm Nhung còn tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch công tác với những chỉ tiêu nghiệp vụ, các biện pháp thực hiện trong đơn vị.
Phân công nhiệm vụ đối với Thẩm phán, Thư ký trên cơ sở trình độ, năng lực công tác theo hướng phát huy sở trường, thế mạnh cá nhân. Thẩm phán có kinh nghiệm phải kèm cặp, giúp đỡ Thẩm phán trẻ, mới được bổ nhiệm theo phương pháp đào tạo tại chỗ “trực quan sinh động, cầm tay chỉ việc”; cán bộ phụ trách văn phòng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Sử dụng đồng bộ nhiều phương pháp lãnh đạo trực tiếp hoặc gián tiếp, trong đó kết hợp hài hòa các phương pháp mệnh lệnh hành chính, phương pháp công khai dân chủ, phương pháp tâm lý, phương pháp giáo dục, thuyết phục, động viên; lãnh đạo bằng cách nêu gương nhằm tạo ra sự đồng thuận, đoàn kết gắn bó giữa lãnh đạo với cán bộ công chức và người lao động trong đơn vị.
Xây dựng chương trình kế hoạch công tác phải lựa chọn những việc còn yếu, còn hạn chế, từ đó xác định nhiệm vụ trọng tâm, khâu công tác đột phá để tổ chức thực hiện.
Với nhiều giải pháp, biện pháp được áp dụng, triển khai và với tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu, tận tâm với công việc, nhiều năm liền, Chánh án Lê Thị Cẩm Nhung đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân; được Chánh án TANDTC, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Đặc biệt, năm 2023, Chánh án Lê Thị Cẩm Nhung vinh dự được Chánh án TANDTC tặng danh hiệu Thẩm phán Giỏi.