Dùng mã QR Code "luồng xanh" giả qua chốt kiểm soát dịch có thể phải ngồi tù

Thu Trang| 06/08/2021 17:17

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các trường hợp lái xe sử dụng mã QR Code luồng xanh giả để qua chốt kiểm soát dịch. Đây là hành vi không chỉ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch mà còn vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tù lên đến 5 năm.

Trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố đang áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, việc thiết lập luồng xanh để tạo thuận lợi cho phương tiện vận tải thông thương góp phần quan trọng bảo đảm cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho sản xuất và đời sống của nhân dân là việc làm đúng đắn và đang được triển khai một cách đồng bộ.

Theo thống kê, đến nay, các cơ quan chức năng Việt Nam đã cấp phép cho khoảng 37.000 xe được di chuyển trong “luồng xanh” tại các tỉnh thành bị giãn cách xã hội.

Nhờ việc triển khai "luồng xanh" vận tải, dòng xe cộ lưu thông trên các tuyến quốc lộ đã thông thoáng hơn trước, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa trong khu vực, giúp chuỗi cung ứng hàng hóa không bị “đứt gãy,” góp phần đảm bảo việc phòng, chống dịch Covid-19 và cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân.

anh-2-luong-xanh.jpg
Lực lượng chức năng phát hiện nhiều phương tiện sử dụng mã QR code “luồng xanh” không thể kết nối để qua chốt

Tuy nhiên, thời gian gần đây, lực lượng chức năng tại các địa phương phát hiện nhiều trường hợp sử dụng mã QR Code luồng xanh giả để qua chốt kiểm soát. Mới đây, chốt kiểm soát dịch Covid-19 số 1 đóng trên Km213, Quốc lộ 1A, thuộc địa phận huyện Phú Xuyên (Hà Nội) tiếp tục phát hiện nhiều phương tiện sử dụng mã QR Code luồng xanh không thể kết nối để qua chốt.

Lực lượng chức năng đã phát hiện 4 phương tiện ô tô biển kiểm soát lần lượt là 90A-147.70, 29B-611.58, 29F1-012.01 và 31F-4202 có dán mã QR code luồng xanh ở cửa kính xe, nhưng khi kích hoạt đều không có kết quả đủ điều kiện lưu thông tiếp. Tất cả trường hợp trên là xe hợp đồng đưa đón công nhân, xe tải, xe cá nhân... đăng ký Giấy nhận diện QR Code để được đi luồng xanh tại Sở Giao thông vận tải các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và thành phố Hà Nội.

Cán bộ phụ trách chốt kiểm soát dịch số 1 cho biết, các lái xe khi bị phát hiện đều cho biết đã nhờ người quen đăng ký giấy nhận diện luồng xanh, không trực tiếp đi đăng ký nên không biết.

Trước đó, tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 số 1, Tổ công tác Công an Hà Nội cũng kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 49C-225.60, phát hiện sử dụng giấy nhận diện QR code để đi luồng xanh giả. Người điều khiển phương tiện là anh Võ Thái H. (SN 1970 tại xã Mỹ Châu, huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định). Quá trình kiểm tra, CSGT xác định mã QR lái xe dán trên xe nghi là giả. CSGT dùng điện thoại thông minh “quét” mã QR Code dán trên xe của lái xe đã làm rõ thẻ nhận diện phương tiện ưu tiện hoạt động trên luồng xanh không có hiệu lực.

anh-3.jpg
Phương tiện sử dụng mã QR-Code giả, lái xe là anh Võ Thái H trú tại xã Mỹ Châu, huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định

Theo dữ liệu của Tổng Cục đường bộ Việt Nam, chiếc xe này thuộc chủ sở hữu là HTX - GTVT Hữu Nghị, địa chỉ xuất phát từ Lâm Đồng ra Hà Nội. Thậm chí trong quá trình kiểm tra mã QR Code, lực lượng CSGT cũng phát hiện trường hợp lái xe lợi dụng việc có mã QR Code "luồng xanh" để vận chuyển hàng lậu.

Đáng lo ngại hơn, theo thông tin được nêu tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác vận tải giữa Bộ Giao thông vận tải và Sở GTVT 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc chiều ngày 2/8 cho hay, qua xét nghiệm tại các chốt kiểm soát, lực lượng chức năng phát hiện nhiều trường hợp lái xe dương tính với SARS-CoV-2.

Nhiều lái xe lợi dụng được cấp giấy thông hành tổ chức chở người trái phép như các trường hợp tại Hải Phòng, Sóc Trăng. Các trường hợp lây nhiễm Covid-19 tại Bình Thuận phần lớn là do nguồn lây từ đội ngũ lái xe vận tải.

Ngày 3/8, lãnh đạo UBND TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) cho biết, lực lượng chức năng phát hiện 2 tài xế lợi dụng xe chở hàng "luồng xanh" đưa 10 người từ vùng dịch vào địa bàn, không khai báo y tế.

Vậy là, từ vận chuyển hàng thiết yếu trở thành… vận chuyển hành khách. Hơn nữa, những "khách hàng" này còn có thể mang theo rủi ro mắc Covid-19.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đào Tơ, Văn phòng luật sư Hoàng Huy, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng:
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đối với những khu vực, địa phương thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 thì Bộ giao thông vận tải cùng các địa phương đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải lập tuyến luồng xanh và xây dựng phần mềm để cấp Giấy nhận diện có mã QRCode cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe đưa đón công nhân hoặc chuyên gia được lưu thông thuận lợi khi đi, đến hoặc đi qua khu vực thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg. Tổng cục đường bộ Việt Nam đã phải thống nhất để thực hiện hệ thống cho các doanh nghiệp làm hồ sơ để xin cấp Giấy nhận diện luồng xanh phù hợp theo chỉ đạo.

Việc các đối tượng sử dụng giấy nhận diện phương tiện hoạt động luồng xanh vận tải có mã QR Code giả mạo để lừa dối các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động kiểm soát tại các chốt chống dịch, nhằm mục đích tự do lưu thông vận chuyển hàng hóa trong khu vực phải thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đồng quan điểm, thạc sĩ, luật sư Nguyễn Văn Hoàng – Trưởng Văn phòng luật sư Minh Bạch Quốc Tế - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, phân tích thêm: Về xử lý hành chính, hành vi cố ý làm giả, sử dụng Giấy nhận diện luồng xanh có mã QR code giả để lừa dối cơ quan Nhà nước, vi phạm quy định về áp dụng các biện pháp chống dịch theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Do đó, người vi phạm có thể bị xử phạt về hành vi không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng dịch theo Khoản 4 Điều 12 với mức xử phạt từ 20-30 triệu đồng.

44c760ec524ea610ff5f.jpg
Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Văn Hoàng – Trưởng Văn phòng luật sư Minh Bạch Quốc Tế - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, hành vi làm giả, sử dụng giấy nhận diện luồng danh có mã QR code giả mạo này có thể bị xử lý hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS 2015 sửa đổi.

Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Làm từ 2-5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng… thì bị phạt tù từ 2-5 năm.

Phạm tội làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên hoặc thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên… thì bị phạt tù từ 3-7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng. Luật sư Hoàng nhấn mạnh.

Thiết nghĩ ai cũng có quyền lo lắng về dịch bệnh, không ít trường hợp theo phản xạ sẽ rời khỏi vùng dịch càng sớm càng tốt. Nhưng đã là công dân, mỗi người đều phải có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, phải tuân thủ theo những quy định chống dịch của Nhà nước. Đừng chỉ vì nghĩ cho riêng bản thân mà tự tách mình ra khỏi những mối ràng buộc trách nhiệm ấy.

Trong lúc nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội thì “luồng xanh” là huyết mạch khơi thông hàng hóa, giao thông, nếu ai cũng làm giả mã QR Code để thông chốt, hay lợi dụng mã QR để chở người, buôn lậu…thì mọi nỗ lực của lực lượng chức năng sẽ tiêu tan. Cộng đồng lên án, luật pháp xử nghiêm bất cứ ai vi phạm quy định chống dịch vì vậy mỗi chúng ta trên tư cách là một công dân, ở vào thời buổi nhạy cảm này, hãy có trách nhiệm hơn với cộng đồng, cũng là đã sống cho bản thân, gia đình và xã hội.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dùng mã QR Code "luồng xanh" giả qua chốt kiểm soát dịch có thể phải ngồi tù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO