Dùng giấy xét nghiệm Covid giả vượt chốt phòng dịch: Hành vi đáng lên án, cần xử lý nghiêm

Thu Trang | 13/07/2021 14:46

BVCL - Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, bên cạnh sự chấp hành nghiêm của hầu hết người dân, vẫn có những đối tượng vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua quy định của pháp luật và các quy tắc phòng chống dịch, trong đó có hành vi sử dụng giấy xét nghiệm Covid-19 giả vượt chốt phòng dịch.

Ngày 27/6, tại chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 BOT cầu Bạch Đằng, Công an thị xã Quảng Yên phát hiện, bắt giữ đối tượng Vũ Văn Phúc có hành vi sử dụng giấy xét nghiệm Covid-19 giả để qua mắt lực lượng chức năng.

anh-1.jpg
Đối tượng Vũ Văn Phúc tại cơ quan Công an

Cụ thể, khoảng 21h30 ngày 26/6, Công an thị xã Quảng Yên nhận được thông báo của chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại trạm BOT cầu Bạch Đằng phát hiện một xe ôtô cứu thương chở 5 người đi qua chốt nhưng không khai báo y tế theo quy định.

Nhóm này tường trình được Nguyễn Tùng Lâm, cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hải Dương (CDC Hải Dương) xét nghiệm Covid-19 và cấp giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính để sử dụng đi qua các chốt kiểm dịch.

Tại cơ quan Công an, Nguyễn Tùng Lâm khai nhận đã lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho những người có nhu cầu, sau đó tự làm giả chữ ký (bắn chữ ký) của lãnh đạo để cấp giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với giá 200.000 - 700.000 đồng/người. Bước đầu đối tượng đã cấp giấy cho gần 40 trường hợp, thu lời bất chính gần 10 triệu đồng.

anh-2.jpg
Đối tượng Nguyễn Tùng Lâm tại cơ quan Công an

Ngày 1/7, Công an thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Tùng Lâm (SN 1988, trú tại số 29/44 Quang Trung, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) để điều tra, làm rõ hành vi làm giả giấy tờ cơ quan, tổ chức.

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Văn Hoàng – Trưởng Văn phòng luật sư Minh Bạch Quốc Tế - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích, nhìn nhận từ góc độ pháp lý đối với các cá nhân vi phạm ở sự việc trên, thì hành vi giả mạo chữ ký lãnh đạo, đóng dấu cấp giấy xác nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 có thể bị xử lý kỷ luật mang tính nội bộ được quy định tại Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức quy định về các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức như khiển trách, cảnh cáo… nếu có đủ căn cứ thì có thể bị truy tố hình sự.

anh-3.jpg
Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Văn Hoàng – Trưởng Văn phòng luật sư Minh Bạch Quốc Tế - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội

Trường hợp hành vi của Nguyễn Tùng Lâm nếu có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì có thể bị truy tố theo các tội sau đây:

Nếu Nguyễn Tùng Lâm là cá nhân không được phân công công việc ký giấy xác nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 thì sẽ xác định không có chức vụ, quyền hạn đối với công việc làm giả. Do đó, Nguyễn Tùng Lâm không bị xử lý đối với nhóm về chức vụ, quyền hạn mà có thể xem xét truy cứu theo Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo Điều 341 BLHS, người phạm tội có thể bị phạt tù với mức án cao nhất là 7 năm; bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Nếu Nguyễn Tùng Lâm giữ chức vụ, quyền hạn ký duyệt giấy xác nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 mà vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện việc giả mạo chữ ký của người có chức vụ quyền hạn thì có thể bị truy cứu Tội giả mạo trong công tác. Theo Điều 359 BLHS người phạm tội này có thể bị phạt tù cao nhất là 20 năm; bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 5 năm, bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng.

Trong trường hợp, việc cấp giấy xác nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 dẫn đến lây lan dịch bệnh trong cộng đồng thì người làm giả giấy tờ có thể bị truy cứu về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Theo Điều 240 BLHS, người phạm tội có thể bị phạt tù cao nhất là 12 năm; bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 5 năm, luật sư Nguyễn Văn Hoàng phân tích.

Liên tiếp những ngày qua, con số đáng báo động của các ca nhiễm mới lên tới hơn 1.000 ca, đỉnh điểm cao nhất là gần 1.700 ca mắc trong một ngày. Đặc biệt, tâm dịch tại TP HCM, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27/4 đến nay, thành phố đã ghi nhận hơn 13.500 người mắc Covid-19, dịch bệnh không chỉ lan rộng tại 22 quận huyện và thành phố tại TP.HCM mà còn lây lan ra 34 tỉnh, thành khác.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, đây là thời điểm quan trọng cho việc kiểm soát dịch bệnh nhằm ngăn chặn và đẩy lùi Covid-19, đưa đất nước hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”. Do đó, các cán bộ, nhân viên trong tuyến đầu chống dịch nói riêng và người dân nói chung cần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm bản thân, đặc biệt cần phải xử lý nghiêm minh các hành vi trái pháp luật trong phòng, chống dịch để tăng tính răn đe phòng ngừa chung.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dùng giấy xét nghiệm Covid giả vượt chốt phòng dịch: Hành vi đáng lên án, cần xử lý nghiêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO