Các tình tiết trong vụ án được lựa chọn gắn liền với thực tế cuộc sống, tâm lý lứa tuổi cùng đặc điểm dân cư vùng miền nên giúp người dân hiểu biết nhiều hơn về những quy định, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật.
Vừa qua, TAND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng các đơn vị: Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi và Hội Phụ nữ huyện Sơn Hà tổ chức phiên tòa giả định để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới.
Với mục đích nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn trong xã hội, hình thành ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” đặc biệt là con em của cán bộ, hội viên, phụ nữ nhằm phòng, chống có hiệu quả các loại tội phạm và các tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Hoạt động được tổ chức với nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả có sự tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, nâng cao năng lực cho cán bộ hội các cấp về kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phiên tòa cũng thu hút hàng trăm người dân trên địa bàn huyện Sơn Hà đến tham dự và theo dõi, các tình tiết trong vụ án được lựa chọn gắn liền với thực tế cuộc sống, tâm lý lứa tuổi cùng đặc điểm dân cư vùng miền nên đã thu hút sự chú ý của những người tham dự phiên tòa ngay từ ban đầu.
Theo đó, vụ án của phiên tòa giả định được lựa chọn dựa theo những tư liệu trong thực tiễn xét xử, vụ án được chọn rất thực tế với thực trạng đang diễn ra hiện nay, nhất là với lứa tuổi thanh thiếu niên.
Các đối tượng xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật cùng sự quan tâm của phụ huynh khiến các em lâm vào các tệ nạn xã hội.
Nội dung vụ án xoay quanh 2 tội danh “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại khoản 2 Điều 255 và tội “Môi giới mại dâm” theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Hình sự.
Mặc dù là phiên tòa giả định nhưng được diễn ra theo đúng trình tự thủ tục, các điều luật được áp dụng trong tình huống như phiên tòa thực tế. Từ Hội đồng xét xử (HĐXX), đại diện VKS, Thư ký phiên tòa đến luật sư, bị cáo, người tham gia tố tụng khác,… đều thể hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình trong phiên tòa xét xử.
Ngay từ khi bắt đầu phiên tòa cho đến khi HĐXX tuyên án, những người tham dự đều chăm chú theo dõi từng chi tiết của vụ án, cũng như những nhận định của HĐXX.
Trong quá trình xét xử, ngoài những điều luật được áp dụng theo quy định của pháp luật, HĐXX còn lồng ghép để giải thích, tuyên truyền pháp luật về tội phạm đối với các tội danh trên.
Điều này đã tạo nên bầu không khí trang nghiêm đúng như những phiên tòa thực tế tại phòng xét xử của Tòa án, góp phần tạo nên sự thành công rất lớn cho phiên tòa.
Sau khi phiên tòa kết thúc, những người tham dự phiên tòa được giao lưu thông qua việc hỏi và trả lời về các tình huống liên quan trong vụ án.
Từ tình huống đưa ra và tham gia trả lời các câu hỏi của HĐXX, những người tham dự được cung cấp thêm rất nhiều kiến thức, quy định của pháp luật về mức án được áp dụng cho các hành vi phạm tội liên quan đến ma túy, tác hại của ma túy và các hành vi liên quan đến mại dâm.
Dịp này, Ban tổ chức cũng đã trao 4 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Sơn Hà.