Xã hội

Dữ liệu về mống mắt có khả năng chính xác cao, phù hợp xu hướng chuyển đổi số

Vũ Đậu 10/05/2024 - 08:58

Theo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, công dân cung cấp dữ liệu mống mắt khi làm thủ tục cấp căn cước tại cơ quan Công an như: Cục Cảnh sát QLHC về TTXH; cơ quan Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an cấp quận/huyện/thị xã thành phố thuộc tỉnh.

Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an) cho biết, dữ liệu về mống mắt có khả năng chính xác cao, rất phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay khi các giao dịch điện tử được mở rộng.

z5424150318706_3862fed876735093b14dd3df9a1b98c0.jpg
Dữ liệu về mống mắt sử dụng cho các thiết bị thông minh được trang bị các camera, tránh các trường hợp giả mạo khuôn mặt - Ảnh minh họa

Dữ liệu về mống mắt sử dụng cho các thiết bị thông minh được trang bị các camera, tránh các trường hợp giả mạo khuôn mặt, video giả mạo khi định danh, xác thực cho các giao dịch.

Kết hợp với các yếu tố sinh trắc như khuôn mặt, dữ liệu sinh trắc là cơ sở triển khai hiệu quả Luật Giao dịch điện tử (với các thiết bị di động hiện nay rất ít được trang bị modul xác thực vân tay), nên việc thu thập thông tin sinh trắc bắt buộc là phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay.

Ngoài giúp các cơ quan trong quản lý, điều này còn giúp cho người dân tiện lợi trong việc thanh toán, di chuyển qua các cửa kiểm soát của máy bay, ga tàu...

Cũng theo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, sinh trắc học mống mắt được thu thập tại cơ quan Công an cùng với vân tay và ảnh mặt.

Công dân cung cấp dữ liệu mống mắt khi làm thủ tục cấp căn cước tại cơ quan Công an như: Cục Cảnh sát QLHC về TTXH; cơ quan Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an cấp quận/huyện/thị xã thành phố thuộc tỉnh.

Về thông tin sinh trắc học ADN, giọng nói, Luật Căn cước quy định thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

Cơ quan quản lý căn cước chỉ tiến hành thu thập thông tin ADN, giọng nói khi người dân tự nguyện cung cấp trong quá trình người dân thực hiện thu nhận hồ sơ căn cước. Và việc cập nhật thông tin, dữ liệu sinh trắc học về ADN, giọng nói vào Cơ sở dữ liệu căn cước được thực hiện thông qua việc các cơ quan có chức năng kết nối, chia sẻ thông tin cho cơ quan quản lý căn cước.

Luật Căn cước được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024. Luật Căn cước có 7 chương, 46 điều. Trong đó, về thông tin sinh trắc học mống mắt quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước nêu rõ: “Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước”.

Như vậy, kể từ 1/7/2024, việc thu nhận thông tin sinh trắc học sẽ được cơ quan quản lý căn cước tiến hành thu thập khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước. Đáng chú ý, việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (trong các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng...).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dữ liệu về mống mắt có khả năng chính xác cao, phù hợp xu hướng chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO