Dự án đường Vành đai TP Tân An (Long An): Công tác thu hồi đất có nhiều “bất nhất”

Huỳnh Minh Đức| 09/08/2022 12:48

Bất cập trong việc thu hồi đất gây ra nhiều ý kiến trái chiều, nhiều hộ còn nợ thuế, nhưng theo quyết định giá bồi thường, tính cả tài sản trên đất lại âm nợ. Tuy nhiên, theo nội dung phản ánh, UBND TP Tân An và Ban giải phóng mặt bằng TP Tân An vẫn phớt lờ, không giải quyết, thậm chí ban hành quyết định cưỡng chế.

Báo Công lý nhận được đơn thư nhiều hộ dân sinh sống hai bên đường thuộc Dự án công trình đường Vành đai TP Tân An (tỉnh Long An), phản ánh UBND TP Tân An ban hành quyết định thu hồi đất cho nhà đầu tư đấu thầu làm dịch vụ thương mại. Việc thu hồi đất làm đường (rộng 33m) thì người dân hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, khi chính quyền thu thêm 40m (mỗi bên 20m) người dân không đồng ý. Họ cho rằng làm vậy đã gây thiệt hại không chỉ về đất mà còn cho tài sản trên đất.

4-duong-vanh-dai.jpg
Một đoạn công trình đường vành đai TP Tân An đang thi công ngang 33m

Theo đơn phản ánh, khi hay tin chính quyền thu hồi đất làm đường, mọi người đều ủng hộ. Thậm chí người dân còn hiến đất, thực hiện chính sách Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhằm tạo đà phát triển cho quê hương. Nhưng khi chính quyền địa phương thực hiện thu hồi thêm phần đất hai bên đường, dùng kêu gọi doanh nghiệp đấu giá, thu phí để làm đường đã khiến người dân bất bình, khiếu nại, không giao đất, dẫn đến việc chính quyền địa phương buộc ban hành quyết định cưỡng chế.

Nhiều hộ dân có đất bị thu hồi cho biết, qua nhiều lần đối thoại và làm việc, người dân đã đề đạt nguyện vọng, nêu rõ những khó khăn, thiệt hại nặng nề trong việc bị thu hồi mỗi bên đường 20m. Việc bị thu hồi phần lộ giới 16,5m (hai bên tổng là 33m), người dân hoàn toàn nhất trí, nhưng chính quyền thu hồi thêm với giá rẻ mạt cho doanh nghiệp đấu giá thì người dân phản đối. Thực tế, nhiều hộ còn nợ thuế khi chuyển lên đất ở, nhưng theo quyết định giá bồi thường, tính cả tài sản trên đất và tài sản trên đất lại âm nợ. Tuy nhiên, UBND TP Tân An và Ban giải phóng mặt bằng TP Tân An vẫn phớt lờ, không giải quyết, thậm chí mới đây ban hành quyết định cưỡng chế.

Cũng theo đơn thư, lý do các hộ dân không nhận tiền đền bù giao đất vì giá bồi thường rất thấp. Theo thông báo của xã Bình Tâm ngày 28/3/2022, đơn giá đoạn đường Lộ ấp 4 (ĐT827B) - cuối ấp Bình Tâm (ĐT827A) Phan Đông Sơ là 3.300.000đ/m2. Trong khi theo bảng chiết tính của thông báo của Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư ngày 14/7/2022 đơn giá đất thổ chỉ là 2.244.960 đ/m2. Vậy ai sẽ thanh toán khoản nợ thuế đất chênh lệch còn lại này (nợ thuế khi chuyển lên đất thổ)? Đồng thời, nếu những hộ không nợ tiền thuế đất thì cũng không thể mua được đất có cùng diện tích dù ở vị trí xa hơn, chưa kể đến việc dựng nhà an cư lạc nghiệp!

Ngoài ra, mục đích thu hồi 20m đất mỗi bên đường của UBND TP Tân An nêu ra không thống nhất sau những buổi họp với dân. Bởi, tại các buổi đối thoại, chính quyền nói thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư làm dịch vụ thương mại, nhưng khi người dân không đồng ý giao đất, chính quyền lại chuyển hướng sang thu hồi để phân khu chức năng, xây dựng bệnh viện, công viên, trường học…

Tại buổi đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy Long An với cán bộ, đảng viên vào ngày 19/11/2021, Bí thư từng khẳng định “lấy phần đất 20m để tạo quỹ đất sạch, đấu giá để lấy tiền làm đường vành đai và các công trình khác trên địa bàn thành phố Tân An”. Như vậy, rõ ràng phần đất này nhằm mục đích đấu giá để kinh doanh, đầu tư dự án, nhưng lại thu hồi theo giá đất do UBND tỉnh đưa ra (!?).

1-ho-dan.jpg
Đại diện các hộ dân có đất bị thu hồi thuộc dự án đường vành đai thành phố Tân An, tỉnh Long An

Được biết, dự án tuyến đường Vành đai TP Tân An là một trong 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh Long An, nhiệm kỳ giai đoạn 2015 - 2020, với tổng chiều dài hơn 16km. Cụ thể đi qua các xã, phường: Khánh Hậu, Lợi Bình Nhơn, Tân Khánh, Phường 7, An Vĩnh Ngãi, Bình Tâm và Nhơn Thạnh Trung. Điểm đầu nằm tại ngã ba đường Phan Văn Tuấn và đường Nguyễn Văn Quá của xã Lợi Bình Nhơn. Điểm cuối giáp với ngã ba Đường tỉnh 833 và đường Trần Minh Châu của xã Nhơn Thạnh Trung.

Mặt đường có 6 làn xe với vỉa hè hai bên, dải phân cách được trồng cây xanh cùng với hệ thống đảm bảo hạ tầng giao thông, đúng chuẩn trở thành tuyến đường văn minh của khu phố. Dự án này được thực hiện theo Kết luận số 22/KL-TU ngày 4/3/2016 của Tỉnh uỷ Long An, nội dung triển khai thực hiện 3 công trình trọng điểm.

2-ketluan-22.jpg
Kết luận số 22/LK-TU ngày 04/3/2016 nội dung chỉ thu hồi 33m làm đường

Bắt đầu từ Km+ giao với Quốc lộ 62 tại ngã tư Mỹ Phú - huyện Thủ Thừa; điểm cuối giao với Quốc lộ 1 qua tuyến đường Tỉnh lộ 833. Giai đoạn 1 từ 2016-2020, tiến hành giải phóng mặt bằng 33m, làm đường 26m. Giai đoạn 2 sau năm 2020, đầu tư mở rộng đường 33m; phần cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây đầu tư 1 cầu quy mô rộng 16,5m trong giai đoạn 2016-2020; một số đoạn cầu, cuối tuyến nối QL62, QL1 có quy mô phù hợp điều kiện thực tế.

Thế nhưng, ngày 26/1/2018 UBND tỉnh Long An ban hành Quyết định số 363, phê duyệt dự án mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam – Tiểu dự án TP Tân An (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư). Và đây chính là nguyên nhân khiến người dân bức xúc về việc chính quyền thu hồi thêm 20m x 2 bên đường để bán đấu giá.

3-quyet-dinh-363.png
Quyết định số 363/QĐ-UBND ngày 26/1/2018 thu hồi thêm 20m hai bên đường

Mới đây, ngày 7/7/2022, một số hộ dân đồng loạt nhận được quyết định cưỡng chế thu hồi đất của UBND TP Tân An. Số hộ khác nhận quyết định kiểm đếm bắt buộc vào ngày hôm sau. Thời gian của hai quyết định được thực hiện từ ngày 12/7/2022 đến ngày 29/12/2022 phải hoàn thành. Để kịp tiến độ, UBND TP Tân An nhanh chóng ban hành quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với 44 hộ dân thuộc xã Bình tâm, TP Tân An. Ngày 4/8/2022, Ban thực hiện cưỡng chế ban hành giấy mời về việc cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc đối với 31 hộ dân thuộc xã Bình Tâm; đồng thời tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ được ban hành quyết định ngày 7/7/2022…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án đường Vành đai TP Tân An (Long An): Công tác thu hồi đất có nhiều “bất nhất”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO