Dòng vốn FDI rót 12,8 tỷ USD vào Việt Nam

Huỳnh Sang| 31/08/2022 10:43

BVCL - Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất của 8 tháng trong suốt 5 năm qua.

Tình hình kinh tế – xã hội 8 tháng năm 2022 của nước ta tiếp tục đà hồi phục nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước do thời điểm tháng 8/2021 nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tại các địa phương kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang phải chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như: Xung đột chính trị quân sự giữa Nga và U-crai-na; Giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu; Lạm phát gia tăng ở nhiều nước trên thế giới; Sự phục hồi kinh tế chậm ở các nước có đối tác thương mại lớn; Dịch Covid-19 gia tăng trên thế giới với nhiều biến thể mới…

1-7-(1).jpg
Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài thực hiện 8 tháng qua các năm 2018 -2022

Trong bối cảnh đó, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ đó, kinh tế – xã hội nước ta trong 8 tháng năm 2022 vẫn giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát.

Tổng cục Thống kê cho hay, trong 8 tháng đầu năm, Ngành công nghiệp phục hồi nhanh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng cao trong bảy tháng liên tiếp, tháng 8/2022 ước tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó chỉ số sản xuất của ngành chế biến chế tạo tăng 16,2%. Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số IIP tăng 9,4%, trong đó có nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao đạt kỳ vọng. Hoạt động thương mại và dịch vụ phục hồi ở hầu hết các ngành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ hàng hóa gấp 1,3 lần (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019); Dịch vụ lưu trú, ăn uống gấp 2,9 lần (tăng 6,7%).

Doanh nghiệp dần thích ứng tốt với bối cảnh mới, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao. Tính sơ bộ, cả nước có 101,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1.136,3 nghìn tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký 696,2 nghìn lao động; Tăng 24,2% về số doanh nghiệp, tăng 0,3% về vốn đăng ký và tăng 16,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2022 ước tính tăng 16,9%; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5%, cao nhất của 8 tháng trong suốt 5 năm qua.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/8/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 16,8 tỷ USD, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện đã có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,53 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 27% so với cùng kỳ 2021; Hàn Quốc đứng thứ hai với trên gần 3,5 tỷ USD, chiếm gần 21% tổng vốn đầu tư, tăng 43,7% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,49 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư.

2-2-.png
Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút 12,8 tỷ USD vốn FDi, tăng 10,5% so với cùng kỳ, cao nhất trong suốt 5 năm qua

TP.HCM dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,7 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 2,64 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng vốn, tăng 57,9% so với cùng kỳ. Bắc Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,75 tỷ USD, chiếm 10,4% tổng vốn và tăng gấp gần 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn, nhưng trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu suy giảm trước những diễn biến khó lường của thế giới… thì dòng vốn FDI mới chảy vào các quốc gia Đông Nam Á sẽ có những tác động nhất. Nhà đầu tư trở nên dè dặt, cẩn trọng hơn khi đưa ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, con số 12.8 tỷ USD vốn FDI rót vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm là tín hiệu cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dòng vốn FDI rót 12,8 tỷ USD vào Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO