Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường liên quan đến hoạt động khoáng sản.
Sau khi Thanh tra Chính phủ và cơ quan kiểm tra của Tỉnh ủy Đồng Tháp vào cuộc, hàng loạt cán bộ và cơ quan thuộc UBND tỉnh Đồng Tháp liên quan đến việc quản lý, cấp phép khai thác cát trên địa bàn đã bị đề nghị xử lý trách nhiệm.
Tại Đồng Tháp, từ hơn chục năm nay, tỉnh chỉ lựa chọn 1 doanh nghiệp để cấp phép khai thác toàn bộ các mỏ cát diện khoanh định trên địa bàn.
Trước đó, ngày 22/8/2023, Thanh tra Chính phủ đã ra kết luận số 1896 về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại một số tỉnh phía Nam, kể từ khi Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành (1/7/2011).
Theo kế
t luận thanh tra, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cấp mới 7 giấy phép khai thác với diện tích 273,28 ha, trữ lượng 14,021 triệu m³ cát bằng hình thức lựa chọn nhà thầu, quy định tại điều 25, Nghị định 158/2016.
Trong 7 giấy phép này có 1 giấy phép khai thác cát xây dựng với diện tích 46 ha, trữ lượng 2,1 triệu m3 và 6 giấy phép khai thác cát san lấp với diện tích 227,28 ha, trữ lượng 11,8 triệu m³. Toàn bộ giấy phép và số cát này được cấp cho Công ty cổ phần Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp.
Theo quy định, các mỏ khoanh định (không đấu giá, chỉ lựa chọn nhà thầu) thuộc diện nhà thầu phải cam kết cung cấp cát cho các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các công trình nông thôn mới, khắc phục thiên tai, địch họa…
Tuy nhiên, kết luận thanh tra chỉ ra rằng, các giấy phép khai thác cát được cấp mới (cho Công ty cổ phần Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp - PV) không thể hiện cung cấp riêng cho các công trình, dự án đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước, công trình khắc phục thiên tai, địch họa, công trình hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới đầu tư trên địa bàn tỉnh và các công trình trọng điểm quốc gia theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Nghị định 15/2012 và điểm Đ khoản 1 Điều 25 Nghị định 158/2016. Trên các giấy phép đã cấp chỉ yêu cầu đơn vị khai thác ưu tiên cung ứng cát cho các công trình trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình sử dụng vốn đầu tư công theo đề nghị của cơ quan chức năng.
Trong khi đó, qua kiểm tra và theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh không cấp phép khai thác khoáng sản cung cấp cho Dự án Đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu.
Cát phục vụ san lấp tại dự án là do đơn vị thi công tự hợp đồng với đơn vị trung gian cung cấp và vận chuyển cát cho dự án. Đồng thời, cát từ mỏ cấp phép khai thác cho Công ty cổ phần Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp đã bán ra thị trường (thay vì chỉ được phép cung cấp cho các công trình, dự án quy định tại Điều 12 Nghị định 15/2012 và Điều 25 Nghị định 158/2016).
Bên cạnh đó, theo kết luận thanh tra, từ sau ngày 1/7/2011, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cấp gia hạn chưa đúng quy định đối với 12 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với diện tích 753,0472 ha, trữ lượng 25,1 triệu m³ cát. Toàn bộ giấy phép gia hạn này đều cho Công ty cổ phần Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp.
Theo thống kê, Công ty cổ phần Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp đã được cấp phép tổng cộng 19 giấy phép với tổng trữ lượng cát khai thác lên tới hơn 39 triệu m3.
Thanh tra Chính phủ cũng đã đề nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân. "Qua quá trình kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xem xét theo thẩm quyền", trích Kết luận thanh tra số 1896.
Chấn chỉnh hoạt động cấp phép, khai thác cát
Được biết sau kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký văn bản, trong đó có nội dung chấn chỉnh hoạt động cấp phép, khai thác cát và khoáng sản( văn bản ký ngày 26/4/2024).
Theo văn bản này, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn Tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế, công tác phối hợp giữa các ngành và địa phương chưa được thường xuyên, công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác ở một số địa phương chưa thật chặt chẽ, việc khai thác khoáng sản trái phép, không phép, tập kết, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp vẫn còn xảy ra chưa được ngăn chặn triệt để.
Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản hiện hành và pháp luật có liên quan trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và an ninh trật tự tại địa phương.
Hồ sơ về Công ty Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Đồng Tháp cho thấy Công ty này được thành lập theo Quyết định số 131/QĐ-TL ngày 09/12/1992 của UBND tỉnh Đồng Tháp. Năm 2007, Chuyển đổi mô hình hoạt động sang mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Năm 2010, đổi thành Công ty TNHH MTV Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Đồng Tháp. Ngày 11/11/2016, Công ty chính thức chuyển đổi và hoạt động dưới hình thức CTCP với tên gọi là CTCP Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Đồng Tháp và vốn điều lệ là 386 tỷ đồng.