Xã hội

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với TP.HCM về thực hiện chính sách quản lý thị trường bất động sản

Chu Phương 13/07/2024 - 17:01

Ngày 12/7, Đoàn công tác số 3 – Đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND TP.Hồ Chí Minh về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

z5629067244645_5523398d6bce0ac084bd2dec46872522.jpg
Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu mở đầu buổi làm việc

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chủ trì buổi làm việc với đoàn.

Tham gia đoàn công tác có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường (Trưởng đoàn công tác), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết, kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố giai đoạn 2021-2025 có danh mục 68 dự án, khu đất đang triển khai và dự kiến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Trong đó, có 32 dự án/khu đất từ giai đoạn 2016 - 2020 chuyển sang và bổ sung 36 khu đất mới.

Trong giai đoạn này, 2 dự án đã xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở được phê duyệt tại Quyết định số 4151/QĐ-UBND ngày 9/12/2021 của UBND TP.HCM.

z5629067246991_b9144a17f89872f1cafc86a569c37ab3.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường thông tin thị trường BĐS TP.Hồ Chí Minh với đoàn giám sát

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước, ngân sách Nhà nước nên chưa thể bố trí đầy đủ để xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu của nhà nước cho các đối tượng chính sách như cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên…

Ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết, TP.HCM chỉ bố trí được 10% nguồn vốn để thực hiện các chương trình nhà ở xã hội. Từ nay đến năm 2025, theo chương trình kế hoạch đặt ra, cần 37.700 tỷ đồng mà TP.HCM chỉ có khả năng đáp ứng bố trí từ ngân sách khoảng 3.770 tỷ đồng.

Đến năm 2030, TP.HCM cần số vốn 86.400 tỷ đồng, trong khi đó chỉ có khả năng bố trí từ ngân sách 8.600 tỷ đồng, còn lại chỉ có thể sử dụng từ các nguồn vốn xã hội. Bởi vậy, nguồn vốn rất thấp, rất khó đạt được chỉ tiêu đặt ra do bố trí từ ngân sách.

Đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), ông Huỳnh Thanh Khiết cho rằng, tăng trưởng kinh tế ổn định và mạnh mẽ trong 5 năm liên tục giai đoạn 2015 - 2019 đã tạo nhiều cơ hội cho thị trường BĐS, thu hút sự quan tâm và đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của các dự án BĐS gây ra nhiều vấn đề về quản lý và tăng giá đất, gây áp lực lên cơ sở hạ tầng và môi trường sống. Sự thiếu hụt nguồn cung nhà ở phù hợp với nhu cầu thị trường dẫn đến giá nhà tăng cao, gây khó khăn cho người dân trong việc mua sắm nhà ở.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường khẳng định, TP.HCM đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng triển khai các luật mới. Trong đó, TP.HCM đang xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, bảng giá đất để áp dụng từ ngày 1/8. TP.HCM cũng đang hoàn thiện đề án quy hoạch chung TP.HCM, quy hoạch TP.HCM. Khi các quy hoạch này được phê duyệt sẽ tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong phát triển BĐS, nhà ở.

z5629067244934_869b44b48d9d8613c45e654469af0eca.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, qua báo cáo của Thành phố và buổi làm việc, bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng thấy rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội; một số bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật và cũng có những bất cập trong tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội... Đây là căn cứ quan trọng để Đoàn xây dựng, hoàn thiện báo cáo giám sát, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định, thị trường BĐS của Thành phố cũng như nhiều địa phương trong cả nước có nhiều bất cập. Việc phát triển nhà ở xã hội của Thành phố cũng gặp khó khăn cả về thể chế, chính sách và quá trình tổ chức thực hiện; còn nhiều điểm nghẽn về phát triển nhà ở xã hội.

Vì vậy, để bảo đảm chất lượng của cuộc giám sát và Nghị quyết giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát ghi nhận và nghiên cứu kỹ các kiến nghị của Thành phố liên quan đến quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội.

Đồng thời, đề nghị Thành phố khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành được giao trong các luật. Tập trung thời gian, nhân lực, trí tuệ để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội, đồng thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị trong thời gian tới, Thành phố cần tiếp tục đánh giá rõ, cụ thể hơn về vướng mắc do chính sách pháp luật, bất cập, yếu kém trong tổ chức thực hiện và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân dẫn đến các bất cập, hạn chế, yếu kém đó.

z5629067241837_0e713381aeebe32503c4ac718996eb9b.jpg
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường kết luận buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, TP.Hồ Chí Minh đã chỉ đạo triển khai tương đối tốt các quy định pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội. TP.Hồ Chí Minh cũng tập trung ban hành thể chế theo thẩm quyền, đóng góp cho việc hoàn thiện thể chế của các cơ quan Trung ương.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị TP.Hồ Chí Minh tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Qua đó, bảo đảm việc tuân thủ pháp luật, tạo lập được môi trường đầu tư kinh doanh, thị trường BĐS và nhà ở xã hội phát triển lành mạnh, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với TP.HCM về thực hiện chính sách quản lý thị trường bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO