Vấn đề và Sự kiện

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh góp ý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Nhóm PV 21/09/2023 - 06:43

Sáng 20/9, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với TAND tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tới.

Hội nghị do đồng chí Trần Đình Gia - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh và đồng chủ trì đồng chí Phan Thị Nguyệt Thu - Chánh án TAND tỉnh, ĐBQH Hà Tĩnh chủ trì. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành của tỉnh.

doan_dbqh_ha_tinh_lay_y_kien_sua_doi_luat_tand_1-2-.jpg
Quang cảnh Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Đình Gia - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Sau gần 10 năm thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn tồn tại những vướng mắc, bất cập và một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi) gồm có: 151 Điều được bố cục thành 09 chương, trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 07 điều.

131d3104402t31661l0.jpg
Chánh án TAND huyện Thạch Hà Nguyễn Thành Nhân phát biểu ý kiến tại hội nghị (ảnh Báo Hà Tĩnh).

Dự thảo Luật đã bám sát mục đích quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 06 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023.

Tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất cao với nội dung dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), các ý kiến thảo luận, đóng góp tập trung vào một số vấn đề lớn và cơ bản của dự thảo Luật như: Nội hàm về quyền tư pháp, về điều chính nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, việc hình thành thiết chế Hội đồng Tư pháp quốc gia; về nhiệm kỳ của Thẩm phán, về hoàn thiện tổ chức, bộ máy của Tòa án; việc đổi tên Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử, việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, có cơ chế bảo vệ Thẩm phán...

Một số ý kiến cho rằng, việc bổ sung nội hàm quyền tư pháp và dự thảo Luật là hết sức cần thiết, quan trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế; Đề nghị bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Toà án; Thống nhất với quy định theo hướng Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ; Cần đặt ra trách nhiệm của Toà án trong việc hướng dẫn và hỗ trợ thu thập chứng cứ để bảo vệ đối tượng yếu thế...

Đại biểu thống nhất với chủ trương thành lập các Toà án chuyên biệt để tăng tính chuyên nghiệp của Tòa án trong việc giải quyết một số loại án có tính chất đặc thù, đòi hỏi tính chuyên môn sâu. Đồng thời, tán thành phương án của dự thảo Luật về việc hình thành thiết chế hội đồng tư pháp quốc gia; có chế độ bảo vệ Thẩm phán; đổi mới về chế định Hội thẩm nhân dân.

128d3112120t75473l0(1).jpg
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Đình Gia, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao các ý kiến đóng góp. Các nội dung góp ý chất lượng, tâm huyết, từ đó góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự án Luật. Những ý kiến, kiến nghị tại hội nghị này sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, hoàn thiện để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6 sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh góp ý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO