Điều chỉnh hướng tuyến đường Vành đai 4: Tiếp tục nghiên cứu phương án khả thi và phù hợp

H.S| 18/10/2022 11:56

BVCL - Theo đề xuất, hướng tuyến Vành đai 4 (đoạn qua xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) có thể được điều chỉnh cục bộ để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng. Trước thông tin này, nhiều hộ dân tại địa phương cảm thấy lo lắng, bởi thông tin quy hoạch đã được công khai từ lâu, người dân đã thích ứng và có sự chuẩn bị, việc thay đổi đột ngột sẽ ảnh ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Cần nghiên cứu kỹ lưỡng?

Mới đây, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), đơn vị tư vấn phương án hướng tuyến dự án Vành đai 4 đã đề xuất với UBND tỉnh Đồng Nai các phương án điều hướng cung đường trên. Theo TEDI, hướng tuyến của dự án cơ bản bám theo hướng tuyến quy hoạch chi tiết và hành lang quy hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2021.

vanh-dai-4-1.png
Sơ đồ vị trí đường Vành đai 4 trải qua 5 tỉnh thành Đông Nam bộ.

Trên cơ sở các quy hoạch liên quan đã được phê duyệt và hiện trạng phát triển khu vực dự án, đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án hướng tuyến tại một khu vực có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn đi qua địa phận xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom.

Phương án 1, hướng tuyến sẽ đi theo quy hoạch đường Vành đai 4 - TP.HCM đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011 và quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với phương án 2, hướng tuyến đi theo quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Phương án 3, hướng tuyến đi theo quy hoạch sử dụng đất của địa phương có xem xét điều chỉnh cục bộ để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng.

Đơn vị tư vấn lập luận, đối với phương án 1 và 2 dù phù hợp với các quy hoạch nhưng khối lượng giải phóng mặt bằng phát sinh lớn; trong khi đó, phương án 3 được đề xuất để hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng.

Sau khi nghiên cứu các đề xuất, ông Đỗ Ngọc Nam - Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho biết, địa phương vẫn giữ nguyên quan điểm đề xuất thực hiện theo phương án 2. Theo ông, thông tin quy hoạch dự án đã được công khai đến người dân từ lâu; việc thay đổi hướng tuyến khác quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Còn Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai Lê Quang Bình lại cho rằng, hướng tuyến cần thực hiện theo quy hoạch đã có, việc điều chỉnh hướng tuyến chưa chắc chắn sẽ giảm được tổng mức đầu tư.

Ở cấp tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng đề ra yêu cầu đơn vị tư vấn phải tiếp tục nghiên cứu các phương án khả thi, phù hợp. Theo bà, mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm nên đơn vị chuyên môn cần tiếp tục rà soát thêm để đưa vào báo cáo giữa kỳ. Đối với phương án 3, địa phương cần khả năng khai thác quỹ đất hai bên đường.

Thực tế, quan điểm của các cấp chính quyền địa phương tỉnh Đồng Nai vẫn ưu tiên sử dụng các phương án trước đó. Phương án 3 dù có lợi khi đã hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng nhưng tính tổng thể đề án vẫn chưa bám sát tình hình thực tế, đặc biệt là lợi ích người dân trong khu vực bị ảnh hưởng.

Người dân kiến nghị giữ nguyên quy hoạch

Đề xuất điều chỉnh quy hoạch của TEDI đã vấp phải sự phản đối của cư dân trên trục đường Vành đai 4 thuộc xã Tây Hòa. Theo anh Lê Văn Quế (ngụ Khu 2, ấp An Hoà, xã Tây Hoà), đầu năm 2022, khi thông tin đường Vành đai 4 đoạn qua địa phương có thể bị điều chỉnh hướng khiến người dân thật sự “sốc”.

vanh-dai-4-2.jpg
Anh Lê Văn Quế, người dân xã Tây Hòa nói về thông tin điều hướng đường Vành đai 4 đoạn qua xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom.

Anh Quế nói: “Nhà cửa, vườn tược sẽ ra sao trong trường hợp con đường điều hướng được thực hiện. Chưa kể, việc tái xây dựng nhà ở, thanh toán khoản vốn, lãi thế chấp, cầm cố tài sản để đầu tư trước đó có thể người dân lầm vào tình cảnh “vỡ nợ”.

Một người dân khác cho biết, chính quyền địa phương trước đó đã tổ chức các cuộc họp dân để thông báo thông tin quy hoạch, cập nhật tiến độ và phổ biến những quy định về xây dựng xung quanh hành lang lộ giới. “Cuộc sống người dân dần ổn định, việc sang nhượng, mua bán đất đai hoặc xây dựng nhà cửa đều né con đường. Giờ lại thay đổi, người dân trở nên bị động hơn bao hết”, người này băn khoăn.

Khi được hỏi về những bất cập có thể xảy ra, một số người dân cho rằng, trường hợp đề xuất này được thông qua sẽ gây ra nhiều hệ luỵ. Cụ thể, về phía Nhà nước sẽ tăng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư vì nhiều nhà dân đã xây kiên cố. Về phía người dân, đây sẽ là đối tượng chính bị ảnh hưởng trực tiếp trên nhiều phương diện. Chưa kể, hơn 90% cư dân sinh sống hai, ba thế hệ trong một gia đình, mưu sinh chủ yếu là nông nghiệp. Việc chuyển đổi ngành nghề trở nên thiếu tính bền vững, “lợi bất cập hại”.

Người dân kiến nghị, kể từ lần thông báo quy hoạch đường Vành đai 4 đầu tiên thì cuộc sống của hàng trăm hộ xuyên suốt 10 năm qua đã dần đi vào ổn định, nên cần phải được ưu tiên xem xét. Về cơ bản, người dân tự nguyện sắp xếp cuộc sống ngay sau khi Nhà nước công bố quy hoạch và đã tính toán cho tương lai của mình. Việc “đột ngột” đề xuất thay đổi quy hoạch rồi “bỏ ngỏ” câu chuyện khiến người dân không khỏi bất an. Dù thực tế đề xuất trên vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu tính khả thi, chưa được cơ quan chức năng phê duyệt nhưng phần nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý người dân. Để ổn định, hài hòa lợi ích, người dân kiến nghị xin được giữ nguyên quy hoạch đường Vành đai 4.

Trước thắc mắc sẽ “nắn tuyến” hướng đường Vành đai 4 thuộc xã Tây Hòa trên bản đồ quy hoạch, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai từng thông tin, đơn vị chuyên môn sẽ lưu ý đối với trường hợp dự án khu dân cư tại xã Tây Hoà của nhà đầu tư để làm việc cùng đơn vị tư vấn trong quá trình lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xác định hướng tuyến phù hợp.

vanh-dai-4-3.jpg
Đơn kiến nghị của người dân.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng nhấn mạnh: “Mục tiêu không chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế, phải phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, đảm bảo giá trị địa tô được chia ra làm cho Nhà nước - nhà đầu tư - người dân đảm bảo hài hòa lợi ích”.

Theo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, hiện bản đồ quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó tuyến đường Vành đai 4 - TPHCM được thể hiện ở tỷ lệ 1/1.000.000, hướng tuyến mang tính định hướng, chưa được nghiên cứu cụ thể ngoài thực tế. Cung đường có tổng chiều dài 197,6km đi qua 5 tỉnh thành gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Long An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết bằng Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28/9/2011. Toàn tuyến chia làm 5 đoạn, phần điều chỉnh ở xã Tây Hòa thuộc đoạn thứ 2 (Trảng Bom - Tân Uyên, dài 51,9km).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh hướng tuyến đường Vành đai 4: Tiếp tục nghiên cứu phương án khả thi và phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO