Ngày 6/8, tại Hội thảo góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số, các chuyên gia kiến nghị thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn để nam nữ có thời gian tìm bạn đời, hoặc sinh thêm con.
Tình trạng già hóa dân số
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, công tác dân số của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tốc độ gia tăng dân số nhanh đã được khống chế thành công, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tiếp tục duy trì đến nay. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt; dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, công tác dân số hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như xuất hiện một số vấn đề dân số thực tiễn nảy sinh, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong đó, phải kể đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao (tỷ số giới tính khi sinh là 111,8 bé trai/100 bé gái năm 2023); già hóa dân số tăng nhanh; chưa có các giải pháp đồng bộ để phát huy hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số; tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng (năm 2023 là 74,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh chưa tương xứng; phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP. HCM, cho rằng, công tác dân số hiện nay còn nhiều khó khăn, thách thức như một số vấn đề thực tiễn nảy sinh, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước. Mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,96, thấp nhất trong lịch sử và được dự báo tiếp tục giảm.
Nguyên nhân của mức sinh giảm là do xu hướng kết hôn muộn, nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, không kết hôn. Như tại TP. HCM, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 30,4, mức kỷ lục tại Việt Nam, góp phần tạo nên mức sinh thấp và đẩy nhanh già hóa dân số. Lý do kết hôn muộn hoặc không kết hôn là họ bận rộn công việc, gặp khó khăn về tài chính, muốn theo đuổi sự nghiệp, khao khát tự do. Ngoài ra, người trẻ không mặn mà kết hôn còn do ảnh hưởng từ các câu chuyện gia đình đổ vỡ, chưa tìm kiếm được mẫu hình lý tưởng...
Đề xuất bỏ quy định chỉ được sinh từ 1 đến 2 con
Theo GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, nếu không có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số thì tổng tỷ suất sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu hơn và duy trì lâu dài.
Ông đề xuất thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư. Thực tế, nhiều người lao động làm việc 10-12 tiếng mỗi ngày, không có thời gian quan hệ bạn bè, chăm sóc gia đình...
Ngoài ra, điều kiện làm việc, chế độ nghỉ khi có thai và sinh con, chế độ lương và thăng tiến ở doanh nghiệp phải khuyến khích việc lập gia đình và sinh con, không tạo ra xung đột giữa việc làm và gia đình, có con.
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Dân số (Bộ Y tế) cũng nhắc lại đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con và trao quyền quyết định số con, thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh con cho vợ chồng.
Quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con đã áp dụng trong nhiều năm nay. Mỗi giai đoạn lại có một chính sách khác nhau, trong đó có xử phạt do vi phạm các quy định về chính sách dân số như sinh con thứ ba. Tuy nhiên, hiện quy định xử phạt đối với người sinh con thứ ba không còn phù hợp. Việt Nam đang có xu thế mức sinh giảm, chưa ở mức báo động nhưng sẽ trở thành một vấn đề quan trọng nếu không có giải pháp can thiệp từ bây giờ. Vì vậy, việc nới lỏng quy định sinh 1-2 con là cần thiết.
Cục Dân số sẽ tiếp tục tham mưu với các cấp để hoàn thiện chính sách, phù hợp thực tế hiện nay, từ đó có cơ cấu và chất lượng dân số tốt nhất trong tương lai", ông Dũng nói.
Dự thảo Luật Dân số dự kiến trình Chính phủ trong tháng 12.