Kinh tế

ĐBSCL: Đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng đầu tư nâng cấp quốc lộ

Hoài Anh(t/h) 12/05/2024 - 18:58

Theo đó, ĐBSCL sẽ tiến hành đầu tư nâng cấp ba tuyến quốc lộ với mức chi phí khoảng 9.200 tỷ đồng. Dự án sẽ từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối giữa các địa phương ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đồng bằng Sông Cửu Long hiện đang nhận được rất nhiều sự quan tâm đầu tư nhằm tạo sự kết nối, thúc đẩy phát triển của nền kinh tế. Chính vì thế các dự án đầu tư nâng cấp đường bộ đang dần được hình thành nhằm tạo mạng lưới giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh.

Cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ (gồm Quốc lộ 53, Quốc lộ 62 và Quốc lộ 91B) kết nối vùng, thích ứng biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).

Hơn 50,000 tỷ đồng đầu tư giao thông cho ĐBSCL trong 5 năm tới
Sẽ đầu tư khoảng 9.200 tỷ đồng để nâng cấp 3 tuyến quốc lộ tại Đồng bằng Sông Cửu Long trong thời gian tới (Ảnh minh họa)

Cụ thể, Quốc lộ 53 đề xuất nâng cấp Cầu Ngã Tư (Km7+820-Km8+730); đoạn Long Hồ-Ba Si (Km11+295-Km56+180) với tổng chiều dài đầu tư khoảng 41km, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh.

Quốc lộ 62 được đầu tư nâng cấp, cải tạo đoạn từ Km4+200 (nút giao với đường Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương) đến Km74 với chiều dài đầu tư khoảng 69km bao gồm làm tuyến tránh mới khoảng 8km, trên địa bàn tỉnh Long An.

Quốc lộ 91B sẽ được nâng cấp đoạn Km2+604 (ngã 5 Cầu Cần Thơ)-Km143+480 với chiều dài đầu tư khoảng 141km, trên địa bàn thành phố Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Cả 3 tuyến quốc lộ này được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h; mặt cắt ngang nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m bao gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ.

Cục Đường bộ Việt Nam tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là khoảng 9.297 tỷ đồng (tương đương hơn 385 triệu USD). Trong đó, vốn vay của WB gần 6.252 tỷ đồng được sử dụng cho các hạng mục gồm chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế, chi phí tư vấn giám sát thi công và một số dịch vụ tư vấn theo chính sách của WB trước thuế, chi phí dự phòng cho các hạng mục trên; vốn đối ứng hơn 3.045 tỷ đồng được sử dụng cho các hạng mục chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng còn lại, chi phí giải phóng mặt bằng.

Dự kiến, 3 tuyến quốc lộ trên sẽ được đầu tư nâng cấp vào quý 4/2024, thời gian thực hiện là 5 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL: Đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng đầu tư nâng cấp quốc lộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO