Diễn đàn pháp lý

Đảm bảo sự tương thích với pháp luật và thông lệ quốc tế trong quá trình hội nhập

Mai Đỉnh 06/10/2023 - 08:41

Tại Diễn đàn Pháp luật quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ XII diễn ra vào chiều 5/10, Phó Chánh án TANDTC Việt Nam Phạm Quốc Hưng đã có bài phát biểu gửi tới Diễn đàn với nội dung “Mối tương quan giữa nguyên tắc tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại và các quy phạm bắt buộc của pháp luật Việt Nam”.

Nhấn mạnh về nội dung này, Phó Chánh án TANDTC Việt Nam Phạm Quốc Hưng cho biết, tự do hợp đồng là một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hợp đồng. Theo đó, các chủ thể hợp đồng được tự do thỏa thuận, tự do quyết định mọi vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng. Tại Việt Nam, quyền tự do hợp đồng được ghi nhận tại Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại và nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác.

pca-pqh1.jpg
Phó Chánh án TANDTC Việt Nam Phạm Quốc Hưng tham gia Diễn đàn Pháp luật quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ XII.

Theo Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng, pháp luật Việt Nam bảo đảm quyền tự do hợp đồng bằng việc ghi nhận các cơ chế, phương tiện, công cụ để các chủ thể giao kết, thực hiện hợp đồng một cách thuận lợi và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, tự do hợp đồng không có nghĩa là tự do tuyệt đối, không có giới hạn. Để cân bằng giữa lợi ích cá nhân với lợi ích chung của xã hội, bảo vệ người yếu thế trong những giao dịch nhất định và đảm bảo trật tự, có định hướng trong sự phát triển kinh tế, pháp luật cũng đặt ra những giới hạn tự do mà các bên tham gia quan hệ hợp đồng phải tuân thủ.

Giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại theo pháp luật Việt Nam, đối với chủ thể hợp đồng bao gồm các yêu cầu như: Chủ thể phải có đầy đủ năng lực chủ thể; Chủ thể trong hoạt động thương mại có ít nhất một bên là thương nhân; Về ưu tiên lựa chọn đối tác của hợp đồng (Phải ưu tiên giao kết hợp đồng với một số chủ thể trong những trường hợp nhất định và không được phép từ chối giao kết hợp đồng với một số chủ thể trong một số trường hợp nhất định).

Đối với giới hạn về nội dung hợp đồng bao gồm một số yêu cầu liên quan như: Nội dung hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; Về đối tượng của hợp đồng; Về thỏa thuận liên quan đến người yếu thế trong hợp đồng theo mẫu; Về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; Về thỏa thuận thanh toán ngoại tệ...

Trong giới hạn về hình thức hợp đồng thì trong một số trường hợp hợp đồng phải được lập thành văn bản hay phải được công chứng, chứng thực hoặc phải được đăng ký.

Cũng theo Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng, trong bảo đảm sự tương thích pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế về tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã trở thành thành viên của một số tổ chức quốc tế như Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, Tổ chức Thương mại thế giới, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương như: Hiệp định thương mại tự do với nhiều nước; Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu; Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương… Điều này tạo ra tiền đề quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế thế giới.

pca-pqh3.jpg
Phó Chánh án TANDTC Việt Nam Phạm Quốc Hưng phát biểu tại Diễn đàn.

Trước tình hình này, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng cho rằng hệ thống pháp luật của Việt Nam (trong đó có các quy định pháp luật về quyền tự do hợp đồng và giới hạn quyền này) cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự tương thích với pháp luật và thông lệ quốc tế trong quá trình hội nhập, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, đảm bảo pháp luật của Việt Nam về quyền tự do hợp đồng có sự phù hợp với quy định của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết và cam kết thực hiện.

Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo quyền lợi của các bên trong hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, quan điểm về tự do hợp đồng của các quốc gia có những điểm chung nhưng cũng có nhiều điểm khác nhau. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật ở khía cạnh này cũng cần có một thời gian nhất định, trước mắt cần có hướng dẫn thi hành cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại.

Hai là, tham khảo và học hỏi kinh nghiệm trong quy định pháp luật của một số tổ chức quốc tế, của một số quốc gia về quyền tự do hợp đồng và giới hạn quyền này trong giao dịch dân sự nói chung, trong hoạt động thương mại nói riêng.

Đây cũng là hướng đi quan trọng góp phần đảm bảo thích ứng kịp thời giữa pháp luật Việt Nam với thông lệ quốc tế về vấn đề này, phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của hoạt động kinh doanh, thương mại trên thế giới hiện nay.

Ba là, cần tạo ra được môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các chủ thể tham gia hợp đồng, nhất là trong trường hợp chủ thể hợp đồng là người nước ngoài.

Quyền tự do hợp đồng và giới hạn quyền này được áp dụng với tất cả chủ thể khi giao kết hợp đồng tại Việt Nam. Giữa các chủ thể phải có sự bình đẳng trong việc thực hiện quy định pháp luật về tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại.

pca-pqh2.jpg
Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng cùng các đại biểu tham dự tại điểm cầu từ TANDTC Việt Nam.

Diễn đàn Pháp luật quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ XII có sự tham gia của các Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án tối cao các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Cuba, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Việt Nam, Indonesia, Kazahstan, Lào, Kyrgyz, Mông Cổ, Myanmar, Philippines, Uzbekistan, Pakistan, Thái Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo sự tương thích với pháp luật và thông lệ quốc tế trong quá trình hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO