Đắk Lắk: Hàng triệu m3 cát được cấp phép vận chuyển qua khu bảo tồn

Anh Phạm - Lê Nam| 04/10/2022 10:00

BVCL - Thừa nhận việc vận chuyển hàng triệu m3 cát đi ngang qua Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô, huyện Ea Kar, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đến cư trú của một số loài động vật hoang dã, nhưng tỉnh Đắk Lắk vẫn cấp phép khai thác, vận chuyển.

Bãi tập kết cát không có trạm cân, camera

Dự án Nạo vét, thu hồi cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại hồ thủy điện Krông H’năng do Công ty Cổ phần (CTCP) Quốc tế Sông Hồng làm chủ dự án, được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt tại Quyết định số 3795/QĐ-UBND ngày 30/12/2021. Khu vực nạo vét có tổng diện tích hơn 300ha với tổng khối lượng nạo vét hơn 8,3 triệu m3.

01-1-(2).jpg
Trên tuyến đường vào bãi tập kết cát số 2 không có trạm cân, camera giám sát

Đáng nói, theo phản ánh của người dân, cát khai thác từ dự án được tập kết thành hai bãi (số 1 và số 2), sau đó được vận chuyển qua Khu BTTN Ea Sô, khiến nhiều người lo ngại về tác động tiêu cực tới cảnh quan, hệ sinh thái khu bảo tồn.

Theo ghi nhận thực tế của PV, đầu đường dẫn vào hai bãi tập kết cát có chốt bảo vệ của công ty, không có người lạ ra vào, dù đây cũng chính là đường tuần tra của lực lượng khu bảo tồn. Sau khi liên hệ lãnh đạo Khu BTTN Ea Sô, PV được một cán bộ kiểm lâm dẫn vào khu vực tập kết cát.

Theo hình ảnh từ flycam ghi lại, bãi tập kết cát số 1 (vào bằng đường nhựa) có khối lượng “khổng lồ” ước tính lên tới hàng ngàn m3. Tại đây, có nhiều tàu hút cát đang đậu, máy múc đang hoạt động cùng với khu nhà làm việc nằm sát rừng. Con đường vận chuyển của bãi cát này dài khoảng 600m xuyên qua giữa rừng ra Quốc lộ 29.

Còn tại bãi tập kết cát số 2, lối vào là con đường đất dài gần 1km, nhiều đoạn được cải tạo mở rộng để thuận lợi cho phương tiện vận chuyển cát ra vào. Bãi tập kết này cũng có khối lượng cát “khủng” không kém bãi số 1.

Đáng nói, ở đoạn đường vào bãi tập kết cát số 2, PV nhận thấy không có trạm cân hay camera giám sát theo quy định. Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo quy định phải lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng. UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao UBND huyện Ea Kar, UBND huyện M’Đrắk có trách nhiệm kiểm tra và giám sát quá trình thu hồi khoáng sản của CTCP Quốc tế Sông Hồng.

02-1-(2).jpg
Trên tuyến đường vào bãi tập kết cát số 2 không có trạm cân, camera giám sát

Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Lắk, khu vực nạo vét lòng hồ thủy điện Krông H’năng có diện tích 313,5ha thuộc vùng đệm của Khu BTTN Ea Sô. Tuy nhiên, hai đoạn đường dự kiến vận chuyển cát từ bãi tập kết đến Quốc lộ 29 nằm trên lâm phần của Khu BTTN Ea Sô. Việc việc chuyển vật liệu nạo vét lòng hồ đi ngang qua lâm phần Khu BTTN Ea Sô chủ yếu theo đoạn đường nhựa thuộc Quốc lộ 29 cũ. Đoạn đường đất còn lại khoảng hơn 300m (thực tế PV ghi nhận gần 1km) dẫn xuống bãi tập kết tạm thời (số 2). Đơn vị thi công đã sử dụng tạm con đường này để vận chuyển vật liệu nạo vét về bãi tập kết chính. Sau khi làm việc, đơn vị thi công cam kết sau ngày 15/10/2022 sẽ không sử dụng con đường này để vận chuyển.

Ảnh hưởng đến công tác bảo tồn

Một lãnh đạo Khu BTTN Ea Sô cho biết, việc tập kết và vận chuyển cát ít nhiều ảnh hưởng đến công tác bảo tồn; đơn vị đã một lần lập biên bản, yêu cầu đình chỉ. Tuy nhiên, sau khi xem lại phương án thì các bãi tập kết này nằm trong phương án mà UBND tỉnh đã phê duyệt.

“Trong phương án chúng tôi không thấy được phép vận chuyển cát trên tuyến đường đất. Là người làm công tác bảo tồn, chúng tôi không mong muốn việc này vì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến công tác bảo tồn”, vị này nói.

Còn theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, việc CTCP Quốc tế Sông Hồng vận chuyển vật liệu nạo vét lòng hồ thủy điện Krông H’năng đi ngang qua lâm phần Khu BTTN Ea Sô ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đến cư trú của một số loài động vật hoang dã trong khu vực. Nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô đã yêu cầu chủ dự án thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường và triển khai các chương trình giám sát.

03-1-(1).jpg

Theo đó, đề nghị chủ dự án cam kết: Nghiêm cấm mọi hoạt động gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái khu bảo tồn và thực hiện các biện pháp kiểm soát các hoạt động của người lao động; Nghiêm cấm chặt phá, hủy hoại thảm thực vật tại khu vực xung quanh dự án, nghiêm cấm các hành vi săn bắt động vật của công nhân, đầu tư xe phun nước tưới nước dọc tuyến đường. Hoạt động nạo vét đúng thời gian quy định, đúng khu vực được phê duyệt, tránh ảnh hưởng đến tập quán, thói quen các động vật khi xuống hồ uống nước và sinh sản vào ban đêm.

Còn theo Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk, chủ dự án đã đánh giá các tác động môi trường có thể ảnh hưởng đến khu bảo tồn và đề xuất biện pháp nhằm giảm thiểu tác động do hoạt động vận chuyển cát, gồm: giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, khí thải, bụi, chất thải; đồng thời phối hợp với khu bảo tồn định kỳ kiểm tra, giám sát biến động hệ sinh thái gần khu vực bãi tập kết.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô cũng phân công, giao trách nhiệm cho cán bộ kiểm lâm thường xuyên chức kiểm tra việc vận chuyển vật liệu nạo trên tuyến đường đi qua lâm phần. Qua kết quả kiểm tra hoạt động vận chuyển cho đến thời điểm hiện nay, chưa thấy tác động và gây ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực. Ngoài ra, chủ dự án cũng phối hợp rất tốt với Khu BTTN Ea Sô trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan trong quá trình thực hiện dự án.

Khu BTNT Ea Sô rộng hơn 26.000ha nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa Tây Nguyên duyên hải Nam Trung Bộ thuộc vùng sinh thái được xếp hạng ưu tiên bảo tồn nguồn gen động, thực vật rừng đặc hữu, quý hiếm, nhất là các loài thú móng guốc cỡ lớn. Đặc biệt, nơi đây ghi nhận, phân bổ tập trung các loài bò rừng, bò tót đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Hàng triệu m3 cát được cấp phép vận chuyển qua khu bảo tồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO