Vấn đề và Sự kiện

Đại biểu đề xuất tăng lương, giảm giờ làm việc cho người lao động

Bình Nguyên 01/11/2023 - 07:25

Chiều 31/10, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Giảm giờ làm việc xuống còn 44 giờ/tuần

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, kết quả phát triển kinh tế-xã hội đạt được trong 9 tháng năm 2023 là cao, nhưng vẫn còn 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là năm thứ ba liên tiếp không đạt chỉ tiêu này… Đại biểu lo ngại tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đang có xu hướng giảm và thấp hơn mức bình quân của giai đoạn trước. Vì vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này.

phamtrongnghia.jpeg
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn.

Về giải pháp trong thời gian tới, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp; đại biểu nhất trí kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động, bảo đảm thực hiện từ 01/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công.

Xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/1 tuần xuống 44 giờ/1 tuần, tiến tới 40 giờ/1 tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999). Vì đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới, đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá kỹ hơn để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đề ra giải pháp phù hợp đối với 05 chỉ tiêu ước cả năm 2023 không đạt mục tiêu đề ra, nhất là chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng năng suất lao động xã hội 3 năm liên tiếp không đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, có giải pháp thiết thực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

202310312113053190_pham-dinh-thanh-doan-dbqh-tinh-kon-tum.jpg
Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.

Cụ thể hơn, đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng, Báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ được nguyên nhân, giải pháp cho vấn đề này.

Theo đại biểu, Quốc hội cần sớm có giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, phát triển nguồn lực lao động, năng suất lao động, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội ban hành chính sách đặc thù, đột phá, định hướng, đặt mục tiêu, lộ trình, lĩnh vực, nguồn vốn đầu tư nhằm thực hiện thành công chủ trương của Đảng.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ hơn nữa thực trạng, khó khăn, nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi trong việc phát triển nhân lực chất lượng cao, cải thiện năng suất lao động.

Chi trả lại tiền cho người dân tự mua thuốc "bên ngoài"

Dẫn ý kiến của cử tri kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo khắc phục cho được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế… Một số đại biểu đề nghị Chính phủ có cơ chế chi trả lại chi phí cho người dân khi phải tự mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài đối với những loại có trong danh mục được thanh toán bảo hiểm y tế.

Bởi vì, việc thiếu thuốc, vật tư y tế không phải do lỗi của người dân, mà do cơ quan nhà nước. Do đó, Nhân dân cần có cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng này.

Đại biểu Phạm Đình Thanh- Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị sớm chỉ đạo hoàn thành việc rà soát, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp đã bị cắt do điều chỉnh danh sách các xã thôn khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đại biểu, dù Quốc hội đã có kết luận tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Nghị quyết Kỳ họp thứ 3 và Nghị quyết 100 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV “nhưng đến nay chưa được thực hiện hoàn thành”.

Cũng về nội dung này, theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung tình hình giải quyết việc cung ứng thuốc vật tư y tế, cập nhật danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. Đại biểu cho biết, việc cập nhật danh mục thuốc của nước ta mất nhiều thời gian hơn so với các nước trên thế giới, thường mất từ 2-4 năm để cập nhật danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Ngoài ra, còn tình trạng bệnh nhân phải tự mua thuốc, đại biểu đặt ra trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng đề nghị làm rõ chính sách dự trữ quốc gia đối với một số thuốc hiếm, cùng với đó là nguy cơ thiếu vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng; đề nghị làm rõ chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế có gì khác biệt.

“Khó khăn không chỉ từ yếu tố khách quan thiếu tiền, thiếu nhân lực, mà đôi khi do quy trình thủ tục quá phức tạp, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của ngành y tế. Đề nghị chính phủ bổ sung báo cáo phát huy những kết quả đạt được và giải quyết những vấn đề mang tính gốc rễ”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu đề xuất tăng lương, giảm giờ làm việc cho người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO