Công ty kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh gặp hỏa hoạn khiến nhiều tài sản là hàng của khách gửi bị hủy hoại. Đây có phải sự cố bất khả kháng và trong trường hợp này, công ty gặp sự cố cần làm gì?
Tôi mới mở công ty chuyên cung cấp dịch vụ vận tải, chuyển phát nhanh. Nhìn chung, công ty hoạt động khá tốt, các đơn hàng được giao đến tay người nhận đều đảm bảo, an toàn. Tuy nhiên, vừa qua nhà kế bên công ty tôi xảy ra cháy lớn, lửa lan sang căn nhà tôi thuê làm địa điểm nhận đơn và cả chứa hàng hóa, dẫn đến toàn bộ hàng là quần áo bị thiêu trụi, nhiều đồ khách gửi, trong đó có cả đồ điện tử giá trị cao bị hư hại.
Tôi thực sự đang rối bời, mặc dù cũng đã cố gắng trì hoãn thông tin, nhưng không thể. Hiện các công ty, doanh nghiệp và nhiều người kinh doanh tự do có ký kết hợp đồng chuyển hàng qua công ty tôi ngày nào cũng gọi điện xem giải quyết như thế nào? Tôi phải làm sao?
Ngoài ra, tôi cũng xin hỏi, trong trường hợp này, lửa từ sự cố hỏa hoạn từ nhà kế bên lan sang nhà tôi, từ đó khiến nhiều hàng hóa bị hư hại, có phải là trường hợp bất khả kháng không? Tôi xin cảm ơn!
(Một bạn đọc giấu tên ở TP. Hải Phòng)
Chào bạn, trước hết chúng tôi rất chia sẻ với sự cố mà công ty bạn gặp phải. Về câu hỏi của bạn, Luật sư Mai Tiến Dũng (Công ty Luật TNHH Practical Law - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) đưa ra những nhận định và tư vấn như sau:
1. Thế nào là sự kiện bất khả kháng?
Việc nhà kế bên gặp hỏa hoạn, lửa lan sang căn nhà mà công ty bạn thuê để hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải, chuyển phát nhanh, từ đó gây ra các thiệt hại về tài sản, trong đó có nhiều hàng hóa là đồ của khách gửi, thì sự cố này có phải là sự trường hợp khả kháng hay không? Luật sư Mai Tiến Dũng phân tích:
Khoản 1 Điều 156 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về trường hợp bất khả kháng hay còn gọi là sự kiện bất khả kháng. Theo đó, "sự kiện bất khả kháng" là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Còn "trở ngại khách quan" là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.
Từ quy định trên, ta có thể xác định một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng khi đáp ứng những điều kiện như: Đó là những sự kiện xảy ra một cách khách quan hay gọi là sự kiện khách quan, tức sự kiện đó nằm ngoài phạm vi kiểm soát của bên vi phạm hợp đồng (ví dụ như sự kiện bão, lũ lụt, động đất, sóng thần...; Hậu quả của sự kiện không thể lường trước được tại thời điểm giao kết hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng cho đến trước thời điểm xảy ra hành vi vi phạm; Hậu quả của sự kiện đó không thể khắc phục được mặc dù áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép). Vì thế, chỉ khi đáp ứng cả 03 điều kiện nêu trên thì một sự kiện mới có thể được xem là bất khả kháng và là căn cứ để miễn trách nhiệm đối với bên vi phạm.
Các trường hợp bất khả kháng thường gặp: Các hiện tượng thiên nhiên như mưa, lũ, hỏa hoạn, bão, sóng thần, núi lửa phun trào… Việc coi những hiện tượng thiên tai là sự kiện bất khả kháng được áp dụng thống nhất trong thực tiễn áp dụng pháp luật; Các hiện tượng xã hội như: chiến tranh, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của Chính phủ.
Bên cạnh đó, các bên có thể thỏa thuận những sự kiện như: Thiếu nhiên liệu, mất điện, lỗi mạng… là sự kiện bất khả kháng để miễn trách nhiệm khi vi phạm.
Hiện nay, quy định pháp luật về sự kiện bất khả kháng chỉ mang tính khái quát, chưa liệt kê cụ thể nên dễ xảy ra tranh chấp trong thực tế. Vì vậy, khi soạn thảo hợp đồng, các bên cần có điều khoản dự liệu về sự kiện bất khả kháng và nghĩa vụ thông báo của bên vi phạm do sự kiện bất khả kháng nhằm hạn chế rủi ro cho các bên.
2. Trong trường hợp xác định là sự kiện bất khả kháng, có phải bồi thường thiệt hại đối với hàng hóa bị hư hỏng?
Trong trường hợp bạn đưa ra, để đánh giá đó có phải là sự kiện bất khả kháng hay không, chúng ta cần xem xét 03 điều kiện như đã nêu.
Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét các yếu tố khác có liên quan đến việc công ty của bạn có được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hoá hay không; đặc biệt là việc xây dựng kho hàng có đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy hay không. Nếu như công ty của bạn có đầy đủ các giấy phép và đáp ứng đầy đủ về điều kiện phòng cháy chữa cháy nhưng toàn bộ hàng hoá vẫn bị huỷ hoại thì vụ cháy đó có thể được xem là sự kiện bất khả kháng.
Như chúng tôi đã phân tích ở trên, nếu xác định vụ cháy là sự kiện bất khả kháng thì pháp luật có quy định về trách nhiệm của bên vận chuyển tài sản như sau:
Căn cứ khoản 3 Điều 541 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: “3. Trường hợp bất khả kháng dẫn đến tài sản vận chuyển bị mất, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
Căn cứ khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau: “2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”
Như vậy, đối chiếu với vấn đề bạn nêu, nếu vụ cháy của nhà hàng xóm dẫn đến hủy hoại tài sản của khách hàng đang lưu trữ tại kho hàng của công ty bạn được xem là sự kiện bất khả kháng, thì công ty của bạn không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng của mình. Tuy nhiên, nếu trong hợp đồng vận chuyển giữa công ty của bạn và khách hàng có thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại trong mọi trường hợp thì công ty của bạn vẫn phải bồi thường cho khách hàng.