Chuyện về đích nông thôn mới ở xã Canh Hiển: Chuyên gia pháp lý nói gì?

Đức Hồ| 08/09/2022 20:38

BVCL - Liên quan đến việc xã Canh Hiển (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định), để kịp về đích NTM, hàng loạt công trình chưa có chủ trương đầu tư, chưa có văn bản pháp lý công nhận nhà thầu thi công, chưa bố trí vốn cũng như các giấy tờ đầy đủ theo đúng quy định pháp luật, đã được tiến hành xây dựng, luật sư cho rằng, đây là sai phạm vô cùng nghiêm trọng.

Năm 2022, tỉnh Bình Định có 5 xã đăng ký về đích NTM gồm: Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh), Mỹ Thắng, Mỹ Ðức (Phù Mỹ), Ân Nghĩa (Hoài Ân) và Canh Hiển (Vân Canh). Trong khi lãnh đạo 4 xã nói trên cam kết thực hiện xây dựng các công trình giao thông cơ bản theo đúng quy định pháp luật, thì tại xã Canh Hiển, để kịp về đích NTM, hàng loạt công trình chưa có chủ trương đầu tư, chưa có văn bản pháp lý công nhận nhà thầu thi công, chưa bố trí vốn cũng như các giấy tờ đầy đủ theo đúng quy định pháp luật, đã được tiến hành xây dựng.

Doanh nghiệp tự bỏ tiền túi, chờ bổ sung kinh phí sau

Công ty TNHH XD TM Tân Duy Ngọc (địa chỉ: thôn Tân Thuận, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, Bình Định) là nhà thầu được xã Canh Hiển “chọn mặt gửi vàng” cho phép xây dựng hàng loạt công trình trên địa bàn. Trong đó, phải kể đến các công trình như: Hệ thống thoát nước và vỉa hè từ điểm đầu nhà văn hóa xã đến điểm cuối trường Tiểu học xã Canh Hiển (thuộc thôn Tân Quang); Dự án nâng cấp mở rộng đường từ quốc lộ 19C đến cầu Hà Thanh (thôn Tân Quang); Dự án nâng cấp mở rộng đường từ cầu Hà Thanh đến ngã ba nhà ông Tùng (thôn Thanh Minh).

Đáng nói, công trình này chưa có chủ trương đầu tư, chưa có văn bản pháp lý công nhận nhà thầu thi công, chưa bố trí vốn cũng như các giấy tờ đầy đủ theo đúng quy định pháp luật… để nhà thầu được phép thi công xây dựng. Theo thông tin PV có được, Công ty Tân Duy Ngọc thậm chí đã chấp nhận tự bỏ tiền túi để xây dựng, còn giấy tờ pháp lý và kinh phí thì… chờ bổ sung sau.

bai-2-nghi-van-thong-dong-giua-dn-va-chinh-quyen-binh-dinh-1(1).jpeg
Hệ thống thoát nước và vỉa hè từ điểm đầu nhà văn hóa xã đến điểm cuối Trường tiểu học xã Canh Hiển (thuộc thôn Tân Quang) với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng chưa được HĐND tỉnh thông qua danh mục

Ông Huỳnh Văn Quý - Chủ tịch UBND xã Canh Hiển cho biết, tất cả các dự án chưa có giấy tờ nhưng đã triển khai đều do duy nhất Công ty Tân Duy Ngọc đảm nhận thi công, đây cũng là nhà thầu từng thực hiện rất nhiều công trình tại địa phương.

Ông Quý cũng thừa nhận thừa nhận: “Việc thi công dự án trước khi chưa có giấy tờ pháp lý là sai hoàn toàn nhưng chờ làm đúng thủ tục thì không kịp. Việc này các lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đều biết, mặc dù không có văn bản nhưng ngầm hiểu nhà thầu cứ triển khai, khi nào có vốn về thì lãnh tiền, nếu không có chỉ đạo miệng như vậy thì tôi cũng không dám làm”.

“Dù không có văn bản chính thức nhưng có chỉ đạo miệng từ cấp trên là phải cho thi công xây dựng các dự án trước để về đích NTM. Xã nhận thấy chờ vốn, đầy đủ thủ tục thì làm không kịp; trong khi đó cuối năm nay, không có các hạng mục xây dựng trên thì rất khó về đích NTM”, ông Quý cho biết thêm.

Còn theo ông Phan Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, tại cuộc làm việc với ông Lê Bá Thành - Bí thư Huyện ủy kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Vân Canh, xã Canh Hiển đề xuất nếu không thi công sớm sợ mưa gió thì không thể về đích NTM. Vì vậy, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Vân Canh đã thống nhất cho phép xã thực hiện một số công trình trước, với điều kiện phải nằm trong danh mục HĐND xã Canh Hiển đã thông qua.

“Bí thư Huyện uỷ kiêm Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã kết luận, cho phép xã làm theo cách đó nhưng phải thiết kế đàng hoàng, đảm bảo. Không phải làm nhanh làm ẩu, cũng không có chuyện “lợi ích nhóm, sân sau” nhưng nếu đợi đầy đủ giấy tờ, thì không kịp về đích NTM nên phải thông cảm”, ông Cường khẳng định.

Trước thông tin ông Phan Văn Cường đưa ra, ông Lê Bá Thành - Bí thư Huyện ủy Vân Canh khẳng định, không hề có chuyện chỉ đạo cho phép thi công dự án trước khi chưa có đầy đủ thủ tục. “Quan điểm của tôi là thực hiện đúng quy trình, quy định, chứ Bí thư làm gì có thẩm quyền cho phép làm trước khi chưa đủ thủ tục. Có văn bản nào nói tôi chỉ đạo việc đó không, cần phải kiểm tra lại, nếu nói tôi cho phép thì phải có văn bản”, ông Thành nói.

Về việc doanh nghiệp tự bỏ tiền túi ra để thi công 3 dự án trên địa bàn xã Canh Hiển, ông Lê Thanh Tâm - Giám đốc Công ty Tân Duy Ngọc cho biết: “Do nhu cầu về đích NTM của địa phương, nếu chờ đầy đủ thủ tục thì không kịp đầu tư để về đích NTM. Ban chỉ đạo về đích NTM huyện và xã cho chủ trương và xã thống nhất giao cho công ty làm trước. Vì chỗ địa phương nên tôi tự bỏ tiền, căn cứ theo khối lượng đã thiết kế để thi công”.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi, vì sao chưa có quyết định lựa chọn nhà thầu mà doanh nghiệp đã dám bỏ số tiền rất lớn để xây dựng, phải chăng Công ty Tân Duy Ngọc biết chắc chắn mình sẽ trúng thầu thi công, ông Tâm nói: “Do tập thể HĐND xã thống nhất và mời công ty xuống họp, họ bảo vốn sẽ có nhưng chờ thủ phục pháp lý thì rất lâu, doanh nghiệp giúp địa phương làm trước. Nghe lãnh đạo nói, nguồn vốn thì tỉnh cũng đã phân bổ rồi nên công ty cứ làm thôi”. Ông Tâm cũng khẳng định, doanh nghiệp không phải là “sân sau” của lãnh đạo”; đồng thời cho biết, không chỉ riêng gì xã Canh Hiển, nhiều năm nay công ty đã thi công xây dựng các công trình ở nhiều địa phương.

Sai phạm nghiêm trọng

Liên quan đến câu chuyện “về đích NTM” của xã Canh Hiển, Luật sư Nguyễn Công Tín - Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng cho rằng, để “về đích” NTM, chủ đầu tư (UBND cấp xã) đã bật đèn xanh cho các doanh nghiệp thi công trước dù chưa có chủ trương đầu tư hay bất kỳ một giấy phép nào là biểu hiện của căn bệnh thành tích, “cầm đèn chạy trước ô tô”, sai phạm cực kỳ nghiêm trọng và có nguy cơ dẫn tới tiền lệ xấu, hậu quả khó có thể khắc phục được.

Theo Luật Đầu tư công, đối với dự án có cấu phần xây dựng (dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án), quy trình thực hiện phải trải qua các bước, trình tự là hoàn thiện thủ tục về đầu tư (lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án); thực hiện thủ tục giao thầu, đấu thầu…; lập, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế thi công hoặc cấp phép xây dựng, bước cuối cùng thì doanh nghiệp mới được thi công xây dựng. Bước thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng vô cùng cần thiết, được xem là “giấy khai sinh” của một công trình xây dựng, bảo đảm chất lượng công trình xây dựng và sự hài hòa với điều kiện hạ tầng tại dự án.

bai-2-nghi-van-thong-dong-giua-dn-va-chinh-quyen-binh-dinh-2(1).jpeg
Công trình không phép đang dần hoàn thiện ngay trước trụ sở UBND xã Canh Hiển.

Đối với gói thầu xây lắp dưới 1 tỷ đồng, có thể được chỉ định thầu nhưng bước thẩm định thiết kế xây dựng, cấp phép xây dựng vẫn phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

“Thay vì đi theo quy trình theo đúng quy định của pháp luật, UBND xã Canh Hiển lại đi theo trình tự ngược lại, cho thi công trước rồi mới hoàn thiện thủ tục đầu tư, thẩm định, cấp phép xây dựng sau. Đây không phải là quản lý Nhà nước, mà là “hợp thức hoá” các công trình xây dựng đã rồi”, luật sư Nguyễn Công Tín cho hay.

Cũng theo luật sư, dù chưa biết đơn vị nào sẽ được chỉ định thầu, trúng thầu nhưng UBND xã Canh Hiển vẫn cho phép doanh nghiệp thi công. Dư luận có quyền đặt nghi vấn doanh nghiệp biết trước được mình sẽ trúng thầu, nghi vấn có sự thông đồng giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong đấu thầu.

“Sai phạm này là vô cùng nghiêm trọng, bên cạnh việc xử lý các công trình xây dựng không phép, cũng cần phải xem xét trách nhiệm của UBND xã Canh Hiển do thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái với các quy định của Nhà nước về đầu tư xây dựng theo Luật đầu tư công”, luật sư Nguyễn Công Tín khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về đích nông thôn mới ở xã Canh Hiển: Chuyên gia pháp lý nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO