Chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 3: Làm gì khi có triệu chứng đường tiểu dưới?

Kim Thu| 18/02/2022 10:49

BVCL - Triệu chứng đường tiểu dưới là một vấn đề thường gặp, đặc biệt là với nam giới ở độ tuổi trên 65. Vậy triệu chứng đường tiểu dưới có những biểu hiện như thế nào, làm sao để điều trị căn bệnh này đúng cách? Những câu hỏi này đã được giải đáp trong chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 3 do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty Dược phẩm Sanofi tổ chức.

anh-222.png
PGS.TS.BS Hoàng Long - Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội giải đáp thắc mắc

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến triệu chứng đường tiểu dưới và việc điều trị phải dựa vào nguyên nhân. Nếu các triệu chứng không quá nặng nề hoặc không gây nhiều khó chịu, bệnh nhân có thể không cần điều trị, nhưng cũng có những trường hợp không điều trị sớm lại dẫn tới nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia, hệ thống bài xuất nước tiểu có thể được chia thành: Đường tiểu trên (gồm thận và niệu quản) và đường tiểu dưới (gồm bàng quang và niệu đạo). Triệu chứng đường tiểu dưới không phải là một biểu hiện lâm sàng mà gồm rất nhiều triệu chứng. Hiện nay, theo nghiên cứu của các Hội Tiết niệu trên thế giới cũng như Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam thì các nhà khoa học kết luận là triệu chứng bệnh này tập trung vào 3 biểu hiện chính. PGS.TS.BS Hoàng Long - Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phân tích về những biểu hiện của bệnh để người dân lưu ý và đi khám sớm: Triệu chứng liên quan đến vấn đề chứa đựng của bàng quang vì đó là nơi chứa đựng nước tiểu. Các triệu chứng chứa đựng đó nó sẽ biểu hiện gây khó chịu cho bệnh nhân như các triệu chứng kích thích như tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp và tiểu gấp không kiểm soát. Bên cạnh đó chúng ta gặp triệu chứng đường tiểu dưới thường gặp hơn đó là liên quan đến quá trình tống thoát nước tiểu từ bàng quang ra ngoài như tiểu yếu, tiểu chậm, đi tiểu phải rặn. Ngoài ra hiện nay chúng ta còn đề cập đến một biểu hiện ít gặp hơn đó là sau khi đi tiểu như sau khi đi tiểu cảm giác không thoải mái, tiểu còn sót lại và buộc phải rặn thì mới tống xuất nốt một số giọt nước tiểu.

Theo nghiên cứu, bệnh lý gây ra triệu chứng đường tiểu dưới thường gặp nhất là tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. Với nam giới trên 50 tuổi, tổ chức mô đệm của tuyến tiền liệt sẽ có dấu hiệu tăng sinh và gây rối loạn trong quá trình đi tiểu gây tiểu khó, tiểu yếu… 30% nam giới trên 50 tuổi có triệu chứng đường tiểu dưới, khi người bệnh ở độ tuổi 80 thì có đến 70-80% người bệnh có tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. Theo PGS.TS.BS Hoàng Long, bệnh lý này là lành tính và không phải trường hợp nào cũng cần can thiệp phẫu thuật mà có thể điều trị bằng thuốc, luyện tập và thay đổi chế độ ăn uống: Hiện nay, nhờ những phương tiện đánh giá, xác định nguyên nhân một cách cụ thể nên có thể cá thể hóa từng người bệnh nên hiện nay xu hướng điều trị bảo tồn nội khoa chiếm đến 70-90% trường hợp bệnh nhân bị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. Một phần là do người bệnh có thể đến khám sớm hơn và có thể can thiệp điều trị khi có rối loạn tiểu tiện mức độ nhẹ, mức độ trung bình chúng ta có thể sử dụng các loại thuốc để điều chỉnh.

Tuy nhiên, PGS.TS.BS Hoàng Long đặc biệt lưu ý người bệnh cần tuân thủ điều trị và nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ để giảm thiểu nguy cơ bệnh trở nặng, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm: Khi đã điều trị nội khoa rồi, cần phải tuân thủ chế độ điều trị. Đây là điểm mà người bệnh trong nước đôi khi không tuân thủ, nhiều khi sử dụng thuốc trong thời gian ngắn có cải thiện triệu chứng thì lại quên, bỏ khoặc không tuân thủ điều trị hoặc không khám lại. Người bệnh khám lại theo hẹn thì rất quan trọng, bác sĩ sẽ có xác định diễn biến triệu chứng, mức độ đáp ứng với điều trị ra sao để điều chỉnh phác đồ điều trị cho người bệnh.

anh-1.png
Triệu chứng đường tiểu dưới do nhiều nguyên nhân gây ra

Với những trường hợp đã xảy ra biến chứng như sỏi bàng quang, tiểu ra máu, biến chứng lên thận hoặc triệu chứng rối loạn tiểu tiện mức độ nặng không cải thiện…. thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân. Hiện nay, có nhiều biện pháp phẫu thuật ít xâm lấn, hạn chế mổ mở, mang lại nhiều cơ hội chữa trị cho bệnh nhân như nội soi cắt tuyến tiền liệt bằng điện đơn cực, lưỡng cực, bóc nhân tuyến tiền liệt bằng laser. PGS.TS.BS Hoàng Long thông tin thêm về nguy cơ tái phát bệnh sau can thiệp ngoại khoa: Bản chất của việc tái phát là sự phát triển của mô đệm do vậy mà sau 5 đến 10 năm, kể cả có phẫu thuật thì nguy cơ tái phát vẫn có thể gặp. Để hạn chế tình trạng tái phát với trường hợp mổ, phẫu thuật, người bệnh phải theo dõi sát tình trạng, diễn biến bệnh sau mổ. Khi theo dõi sát, khám định kỳ thì cán bộ y tế sẽ phát hiện được các diễn biến không thuận lợi và điều chỉnh thuốc ngăn chặn quá trình phát triển của bệnh.

Trong chương trình, một người dân cũng bày tỏ băn khoăn về việc người nhà bị đau nhói bụng dưới và đau vùng thắt lưng, đi siêu âm, xét nghiệm thì bác sĩ kết luận là bị viêm bàng quang mô kẽ. Người bệnh uống thuốc kháng sinh nhưng không khỏi. PGS.TS.BS Hoàng Long giải đáp câu hỏi này như sau: Hiện nay chúng ta phải xác định xem là có phải bệnh nhân bị nhiễm khuẩn hay không? bằng cách là xét nghiệm nước tiểu. Nếu đã loại trừ nguyên nhân nhiễm khuẩn rồi thì chẩn đoán viêm bàng quang mô kẽ chúng ta sẽ có một hướng điều trị là bổ sung một lớp niêm mạc bảo vệ bàng quang bằng cách là sử dụng chế phẩm bơm vào bàng quang, phục hồi chức năng của lớp biểu mô. Tuy nhiên tình huống này, người bệnh nên đến bệnh viện để làm đánh giá, loại trừ nguyên nhân do nhiễm khuẩn.

Quý khán giả và quý đồng nghiệp quan tâm có thể xem lại Chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số thứ 3 trên kênh Youtube, Zalo và website của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Số thứ 4 với chủ đề “Quản lý thuyên tắc khối tĩnh mạch trên bệnh nhân nội khoa nằm viện: Nhận biết nguy cơ và dự phòng hiệu quả?”, với khách mời là PGS.TS. BS Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ lên sóng vào 10h ngày 26/2 tới. Mời quý vị quan tâm theo dõi. Chương trình do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty dược phẩm Sanofi tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 3: Làm gì khi có triệu chứng đường tiểu dưới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO