Chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 2: Sử dụng kháng viêm an toàn và hiệu quả trong bệnh lý Tai Mũi Họng

Kim Thu | 06/01/2022 12:50

BVCL - Những thắc mắc liên quan đến thuốc kháng sinh và kháng viêm đã được giải đáp trong chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 2 với chủ đề “Sử dụng kháng viêm an toàn và hiệu quả trong bệnh lý Tai Mũi Họng” do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty dược phẩm Sanofi Việt Nam tổ chức.

Thuốc kháng sinh và kháng viêm là những thuốc chủ yếu dùng trong điều trị các bệnh lý viêm nhiễm, nhất là nhiễm trùng đường hô hấp, tai mũi họng… Tuy nhiên, để điều trị tốt, người bệnh cần có các kiến thức về việc sử dụng các loại thuốc này sao cho an toàn và hiệu quả. Những thắc mắc liên quan đến vấn đề này đã được giải đáp trong chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 2 với chủ đề “Sử dụng kháng viêm an toàn và hiệu quả trong bệnh lý Tai Mũi Họng” do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty dược phẩm Sanofi Việt Nam tổ chức.

Theo ThS.BS Từ Thị Minh Thu - Trung tâm Tai Mũi Họng và Phẫu thuật cấy ốc tai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, những nguyên nhân phổ biến gây bệnh tai mũi họng là do virus (đặc biệt là virus cúm); các loại vi khuẩn như phế cầu, tụ cầu, trực khuẩn mủ xanh… Bên cạnh đó còn là các yếu tố về môi trường, khói bụi, hóa chất: Các nhóm bệnh tai-mũi-họng thường gặp hiện nay thì người ta chia ra nhóm bệnh về mũi - xoang, có viêm mũi xoang cấp, mạn do dị ứng; polyp mũi. Các nhóm bệnh về tai thì có viêm tai giữa cấp, mạn. Các bệnh về họng thì có viêm họng, viêm amidan. Các bệnh về thanh quản như viêm thanh quản, hạt xơ dây thanh, polyp dây thanh.

anh-1.jpg
ThS.BS Từ Thị Minh Thu - Trung tâm Tai Mũi Họng và Phẫu thuật cấy ốc tai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trao đổi tại chương trình

Cũng theo Ths. BS Từ Thị Minh Thu, nhóm bệnh lý tai mũi họng thường có biểu hiện rất đa dạng. Vì thế, khi có những dấu hiệu bất thường sau đây, người dân nên đi khám sớm để chẩn đoán đúng bệnh. Các triệu chứng về mũi thì thường là ngạt mũi, chảy mũi, ngứa mũi hắt hơi, ngoài ra có thể đau nhức mặt, rối loạn ngửi. Triệu chứng về tai thì là ù tai, nghe kém, chảy mủ tai, chóng mặt, liệt mặt. Triệu chứng về họng là đau họng, ho, khàn tiếng, khạc đờm, nói mệt. Còn các biểu hiện, triệu chứng u ở vùng tai mũi họng, đôi khi có thể rõ ràng, nhưng cũng có khi là không rõ, có thể là triệu chứng “mượn” ở các cơ quan khác.

Đáng chú ý, Ths. BS Từ Thị Minh Thu cảnh báo, các bệnh lý tai mũi họng tưởng chừng là đơn giản và thường gặp nhưng nếu không điều trị triệt để hoặc điều trị sai cách thì có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Ví dụ bệnh về mũi xoang có thể gây biến chứng viêm tai, viêm thanh khí phế quản. Có thể có những biến chứng về mắt, nhẹ thì viêm kết mạc, có thể áp xe ổ mắt, nặng có thể viêm thị thần kinh hậu nhãn cầu, ảnh hưởng thị lực rất nhiều. Ngoài ra, bệnh mũi xoang cũng có thể gây biến chứng rất nặng về nội sọ như viêm màng não. Còn bệnh về tai, nếu mà để lâu thì có thể ảnh hưởng đến sức nghe. Khi bị viêm tai nguy hiểm, điều trị không triệt để thì gây biến chứng nặng nề như biến chứng nội sọ, biến chứng gây liệt mặt và rất nhiều biến chứng khác. Còn về họng, ví dụ viêm họng, viêm amidan cũng nghĩ là đơn giản thôi, nhưng nếu không điều trị dứt điểm thì gây biến chứng, áp xe quanh A, nếu gặp “liên cầu tan huyết nhóm A” thì có thể đi đến các nơi khác trong cơ thể và gây bệnh lý về tim mạch và thận…

Ths. BS Từ Thị Minh Thu cũng nhấn mạnh, thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn trong các bệnh lý nhiễm trùng. Vì thế, nó không có tác dụng với virus như khi người bệnh bị cúm. Còn thuốc kháng viêm là những dược phẩm có tác dụng chống phản ứng viêm, hỗ trợ giảm đau và hạ sốt. Lâu nay, người dân vẫn còn hiểu sai về vấn đề này, nên khi hắt hơi, xổ mũi, ho, đau đầu thì nhiều người lại tự ý đi mua kháng sinh về uống. Đây là một sai lầm nghiêm trọng: Một là mình tốn tiền, thứ hai là gan thận mình phải thải độc. Thứ nữa là gây nên tình trạng kháng thuốc, đến khi mình bị nhiễm trùng thực sự thì việc dùng thuốc rất là khó khăn. Hơn nữa, khi các bạn tự mua thuốc về dùng như thế thì liều dùng, đường dùng có đúng không, thời gian dùng có đúng không. Nhiều người cứ bị viêm nhiễm sau tự mua kháng sinh về dùng 2-3 ngày rồi bảo em đỡ rồi nên thôi không dùng nữa, không đủ liều. Ngoài ra có những người dùng quá liều, dùng chồng chéo thuốc, gây viêm gan.

Trong chương trình, một người dân bày tỏ băn khoăn về việc bé nhà anh được chẩn đoán mắc viêm phế quản và liên tục phải dùng thuốc bởi cứ ngưng vài ngày thì bệnh lại tái phát. Giải đáp câu hỏi này, Ths. BS Từ Minh Thu nhấn mạnh: Khi đã dùng thuốc rồi, hết đơn điều trị của bác sĩ thì bạn nên cho con đi khám lại ngay và luôn để bác sĩ căn cứ vào tình trạng, triệu chứng lâm sàng, sẽ căn cứ xem là thuốc này có tác dụng hay không, có phải thay đổi gì không, có phải đổi sang nhóm thuốc khác hay không; có tiếp tục phải dùng thuốc nữa không. Bởi một nguyên tắc điều trị là phải điều trị dứt điểm.

Do đó, theo Ths. BS Từ Thị Minh Thu, để sử dụng thuốc đúng thì điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến bác sĩ. Trả lời câu hỏi của khán thính giả về những lưu ý để hạn chế ảnh hưởng của thuốc kháng viêm, Ths. BS Từ Thị Minh Thu chia sẻ: Thường là người ta dùng liều thấp thôi và dùng ngắt quãng, chứ không dùng kéo dài, nhất là các thuốc chống viêm toàn thân như corticoid. Người ta cố gắng thay thế các thuốc chống viêm bằng đường dùng tại chỗ, ví dụ thuốc dạng hít hoặc dạng xịt để giảm tác hại toàn thân. Đặc biệt, khi dùng corticoid toàn thân mà lại dùng kéo dài thì phải giảm liều từ từ khi mà ngừng điều trị, không được giảm đột ngột. Để cho tuyến thượng thận có thời gian điều chỉnh, không gây nên hiện tượng suy thượng thận cấp. Với thuốc kháng viêm nên dùng sau khi ăn no để hạn chế tác dụng phụ của thuốc trên đường tiêu hóa. Với thuốc dùng tại chỗ như dạng hít hoặc khí dung thì phải súc miệng bằng nước và không nuốt sau mỗi lần dùng để tránh tác dụng phụ gây nấm miệng. Với thuốc bôi da thì chỉ bôi lớp mỏng, không bôi vào vùng da xây xước, bởi nó sẽ ngấm vào máu, gây tác dụng toàn thân.

Quý vị có thể xem lại chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số thứ 2 trên kênh Youtube, Zalo và website của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Số thứ 3 với chủ đề “Làm gì khi có triệu chứng đường tiểu dưới?”, với khách mời là PGS. TS. BS Hoàng Long - Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ lên sóng vào 12/02/2022. Mời quý vị quan tâm theo dõi. Chương trình do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty dược phẩm Sanofi Việt Nam tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 2: Sử dụng kháng viêm an toàn và hiệu quả trong bệnh lý Tai Mũi Họng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO