Chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 12: Chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân có triệu chứng đường tiểu dưới do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt

PV| 31/08/2022 10:18

BVCL - Triệu chứng đường tiểu dưới là căn bệnh rất phổ biến ở nam giới lớn tuổi, xảy ra khi dòng tiểu trở nên yếu đi và người bệnh thường đi tiểu về đêm.

anh-1.png
Chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 12: Chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân có triệu chứng đường tiểu dưới do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt

Mới đây, số 12 của chương trình “Hỏi để khỏe hơn” do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty dược phẩm Sanofi tổ chức với chủ đề Chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân có triệu chứng đường tiểu dưới do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt đã phát trên Kênh Youtube và Fanpage của Bệnh viện. Sau đây, mời quý vị cùng chúng tôi điểm lại những nội dung chính trong chương trình:

Tuyến tiền liệt là cơ quan sinh dục của nam giới, nằm ở vị trí cổ bàng quang và đoạn đầu niệu đạo có nhiệm vụ tiết ra tinh dịch. Nam giới trên 40 tuổi thường bắt đầu bị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (gọi tắt là BPH). Đây là một trong các nguyên nhân chính gây ra hội chứng đường tiểu dưới. BPH sẽ chèn ép làm hẹp niệu đạo, nước tiểu còn tồn dư gây kích thích bàng quang dẫn đến buồn tiểu nhiều lần cả ngày và đêm. Trong chương trình, TS.BS Nguyễn Hoài Bắc - Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nêu rõ, độ tuổi là yếu tố liên quan đến BPH, dẫn đến triệu chứng đường tiểu dưới:

Những người tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc triệu chứng đường tiểu dưới càng nhiều. Theo thống kê, trung bình khoảng 70% các trường hợp nam giới lớn tuổi, từ trên 45 tuổi trở lên có nguy cơ mắc triệu chứng đường tiểu dưới. Có rất nhiều yếu tố làm cho phát triển các triệu chứng đường tiểu dưới này. Một trong những yếu tố đó là có sự tăng sản lành tính tuyến tiền liệt ở nam giới. Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra triệu chứng đường tiểu dưới.

Triệu chứng của đường tiểu dưới thường được chia thành 3 nhóm chính. Nhóm triệu chứng về tống xuất (tắc nghẽn) bao gồm dòng tiểu yếu, tiểu khó, tiểu ngắt quãng, nhỏ giọt cuối dòng tiểu; nhóm triệu chứng chứa đựng bao gồm tiểu gấp, tiểu nhiều lần, són tiểu, tiểu đêm. Bên cạnh đó, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng thuộc nhóm triệu chứng sau đi tiểu như: Buồn tiểu ngay sau khi vừa tiểu xong, nhỏ giọt sau khi tiểu. Theo TS.BS Nguyễn Hoài Bắc, những triệu chứng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh, đặc biệt là sinh hoạt tình dục.

Nguyên cứu trên 8.000 người bệnh tại các khoa lâm sàng ở Đức cho thấy rằng, tỷ lệ bị rối loạn cương dương ở nam giới bị triệu chứng đường tiểu dưới rất là cao. Tôi lấy ví dụ vào khoảng những năm 40, 50 nếu mà những người mắc triệu chứng đường tiểu dưới nhẹ thì có 48 % sẽ bị rối loạn cương dương và con số rối loạn cương dương này nó sẽ tăng lên con số 60% ở những người có mức độ, có triệu chứng đường tiểu dưới nặng. Chức năng cương dương của người nam giới là yếu tố quyết định đến hoạt động tình dục, đến việc chăn gối của cặp vợ chồng có được thành công hay không. Thế mà bây giờ nó lại rối loạn cương dương như thế thì chắc chắn bị ảnh hưởng rất là nhiều.

anh-2.png
TS.BS Nguyễn Hoài Bắc

Từ ảnh hưởng về thể chất, đặc biệt là suy giảm chức năng tình dục đã dẫn đến những vấn đề về tâm lý ở người bị triệu chứng đường tiểu dưới. TS.BS Nguyễn Hoài Bắc nêu rõ:

Các nghiên cứu cho thấy rằng nó làm gia tăng mức độ lo âu và trầm cảm ở nhiều bệnh nhân. Bởi vì chúng ta thấy rằng, một người bệnh suốt ngày bị mất ngủ do các triệu chứng đường tiểu dưới gây nên nó sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý. Một người đi tiểu rất là khó khăn lúc nào muốn tiểu cũng phải dùng sức để dặn sẽ tạo nên một tâm lý rất là e ngại. Dần dần những điều này cũng dẫn đến lo âu, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Đây là vấn đề rất là lớn.

Chương trình còn nhận được rất nhiều tương tác của khán, thính giả, trong đó có nhiều người chia sẻ vấn đề mình đang gặp phải. Anh Nguyễn Quân, sau khi phẫu thuật sỏi thận vẫn bị tiểu dắt, ngắt quãng, tiểu không hết. Còn anh Bồ Công Anh, 40 tuổi đi tiểu nhiều lần trong ngày, vừa tiểu xong nhưng khi nằm xuống lại mắc tiểu tiếp... Để có thể nắm rõ tình trạng và chẩn đoán chính xác bệnh, TS.BS Nguyễn Hoài Bắc khuyến cáo những khán, thính giả này và những người có biểu hiện tương tự nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra, chứ không nên tự ý mua thuốc về điều trị. Tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng để kiểm tra xem tuyến tiền liệt của người bệnh lớn cỡ nào bằng cách thăm khám hậu môn trực tràng để cảm nhận mặt sau của tuyến tiền liệt. Ngoài ra, có thể khám bụng để đánh giá kích thước của bàng quang. Từ đó, bác sỹ sẽ có chỉ định xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp. TS.BS Nguyễn Hoài Bắc nhấn mạnh:

Mục tiêu để điều trị cho người bệnh là chúng ta phải quan tâm đến việc cân bằng hiệu quả điều trị các triệu chứng đường tiểu dưới và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nó giống như một cán cân như thế này. Chúng ta phải cân bằng giữa cải thiện các triệu chứng, giảm thể tích tuyến tiền liệt với việc bảo tồn chức năng hoạt động tình dục. Vì vậy, điều trị triệu chứng đường tiểu dưới là cả một chiến lược, quá trình. Vì vậy, người bệnh đừng ngần ngại chia sẻ với bác sỹ về nhu cầu đời sống tình dục hiện tại của mình. Trên chia sẻ của các bạn, thầy thuốc sẽ lựa chọn, phân tích, giúp các bạn quyết định sử dụng một liệu pháp phù hợp cho bản thân nhất. Từ đó góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của các bạn.

Quý vị có thể xem lại chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 12 trên kênh Youtube, Zalo và website của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Các nội dung bổ ích của “Hỏi để khỏe hơn” sẽ tiếp tục lên sóng trong thời gian tới. Mời quý vị quan tâm theo dõi. Chương trình do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty dược phẩm Sanofi tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 12: Chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân có triệu chứng đường tiểu dưới do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO