Chủ tịch nước chủ trì Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương

Thu Trang| 15/10/2022 17:00

BVCL - Sáng ngày 15/10/2022, tại trụ sở TANDTC, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp Phiên họp thứ hai năm 2022 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Dự phiên họp còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương.

img_1579.jpg
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương chủ trì phiên họp

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trên cơ sở đề xuất của Ban Nội chính Trung ương, Phiên họp thứ hai sẽ xem xét các đề án của Ban Cán sự đảng TANDTC bao gồm: Đề án “Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” và Đề án “Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên” do Ban cán sự đảng TANDTC xây dựng;

Ngoài ra, phiên họp cũng cho ý kiến về “Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015” do Đảng ủy Công an Trung ương thực hiện.

Chủ tịch nước khẳng định hai đề án TANDTC đã xây dựng là những nội dung vô cùng quan trọng về cải cách tư pháp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Toà án. Đề án Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng xét xử, thực hiện công khai, minh bạch, nâng cao niềm tin của nhân dân vào công lý, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của người dân, thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Về đề án xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết đây là đạo luật có mục tiêu, ý nghĩa nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống vi phạm pháp luật của trẻ em, người chưa thành niên, đồng thời bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm đối tượng này, góp phần hoàn thiện pháp luật về tư pháp người chưa thành niên theo yêu cầu cải cách tư pháp. 

img_1581.jpg
Toàn cảnh phiên họp

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Ban Thư ký đã trình bày báo cáo tổng hợp các nội dung trình Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

Theo đó, về đề án “Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” Ban Nội chính Trung ương cơ bản tán thành về sự cần thiết, phạm vi nghiên cứu, nội dung đánh giá thực trạng và quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các đề xuất, kiến nghị nêu trong đề án.

Đồng thời đề nghị cân nhắc thêm về các chỉ tiêu cụ thể trong quản trị Tòa án để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện về nguồn nhân lực và kinh phí thực hiện; Đề nghị bổ sung các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin của Tòa án trên không gian mạng, nhất là cần có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng, lạm dụng công nghệ cao để tác động, làm ảnh hưởng đến bản chất của vụ án, vụ việc, sự thật khách quan, tính đúng đắn trong quá trình xét xử, ra phán quyết của Thẩm phán khi áp dụng tố tụng trực tuyến; Xác định rõ phạm vi những loại vụ án, vụ việc áp dụng tố tụng trực tuyến; những trường hợp không áp dụng tố tụng trực tuyến để không làm phát sinh các vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ.

Phát biểu tiếp thu, làm rõ một số nội dung được nêu trong báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, TANDTC cho biết Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội khóa XV về tổ chức phiên tòa trực tuyến đã cho phép TAND được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng (trừ những vụ án được quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết).

img_1585.jpg
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình phát biểu tại phiên họp.

Về giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng, lạm dụng công nghệ cao, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết, Đề án đã đề ra các giải pháp công nghệ đi kèm với các giải pháp tăng cường đầu tư về nguồn lực (nhân lực công nghệ thông tin, trang thiết bị) để đảm bảo vận hành Tòa án điện tử; trong đó có yếu tố đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng. Sau khi Đề án được cơ quan có thẩm quyền thông qua và cho phép triển khai, TANDTC sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để xây dựng các phương án, giải pháp kỹ thuật phục vụ Tòa án điện tử.

Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Đề án, TANDTC đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo và lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan đối với các nội dung của Đề án. Qua tổng hợp ý kiến của các cơ quan, về cơ bản các cơ quan thống nhất với hầu hết các nội dung của Đề án; có một số ý kiến đề nghị làm rõ những vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành Tòa án điện tử của từng cơ quan để cùng phối hợp giải quyết. Tiếp thu các ý kiến nêu trên, sau cuộc họp này, TANDTC sẽ chỉ đạo hoàn thiện, bổ sung thêm nội dung đánh giá tác động đối với từng chủ thể có liên quan đển triển khai Tòa án điện tử để hoàn thiện.

Về đề nghị cân nhắc thời gian thực hiện từ nay đến năm 2025, TANDTC đề nghị giữ nguyên các nhiệm vụ của giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025 được nêu trong Đề án. Quá trình thực hiện, TANDTC sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan; đồng thời chủ động tham mưu để phấn đấu hoàn thành có nhiệm vụ theo mục tiêu đã đề ra.

Về đề án “Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên”, Ban Nội chính Trung ương cơ bản nhất trí về sự cần thiết, phạm vi nghiên cứu, thực trạng, mục tiêu, quan điểm xây dựng Đề án.

img_1594.jpg
Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại buổi làm việc.

Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện đề án, Ban Nội chính Trung ương  đề nghị tiếp tục rà soát, cân nhắc thêm về một số đánh giá, nhận định về hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật tư pháp hiện hành và việc thực hiện pháp luật của các cơ quan đối với người chưa thành niên để bảo đảm tính chính xác và có căn cứ thuyết phục. Tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn về một số chính sách mới được đề xuất để phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và các chủ trương, chính sách hiện hành.

Ban Nội chính Trung ương cơ bản nhất trí với các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của BLTTHS năm 2015 của Đảng ủy Công an Trung ương.

Tuy nhiên, Ban Nội chính Trung ương đề nghị cân nhắc việc đề xuất sửa đổi quy định của BLTTHS về việc thu hẹp phạm vi thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh hỏi cung bị can trong tố tụng hình sự, theo hướng chỉ bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can trong một số trường hợp. Đề nghị Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất lộ trình phù hợp để thực hiện đúng quy định của BLTTHS. Đối với những khó khăn, vướng mắc về kinh phí, đề nghị báo cáo Chính phủ để có chỉ đạo tháo gỡ, khắc phục kịp thời.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chuẩn bị báo cáo của BCS đảng TANDTC, báo cáo công phu, nghiêm túc, chủ động nghiên cứu Đề án, đồng thời nhấn mạnh các nội dung đã được thống nhất, nhất trí cao cần phải kiên quyết thực hiện. Các vấn đề mới bao giờ cũng khó nhưng phải cố gắng, khắc phục khó khăn.

Chủ tịch nước nhấn mạnh đề án xây dựng Toà án điện tử là đề án quan trọng, các nghiên cứu đều đánh giá cao đề án công phu, bài bản, có nghiên cứu thực tiễn, đã xin ý kiến và tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan. Chủ tịch nước đồng ý lộ trình xây dựng Đề án đến năm 2025, tuy nhiên đây cũng là áp lực với ngành Toà án. Đề nghị BCS đảng TANDTC tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện bổ sung đề án, sớm trình các cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện.

Về Đề án Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên, Chủ tịch nước cho biết 9/10 nước thuộc ASEAN đã có luật này, việc Việt Nam xây dựng đạo luật cho người chưa thành niên là vô cùng cần thiết. Cần xây dựng đạo luật này một cách phù hợp, tránh sự trùng lắp với các luật khác. Đề án đã đưa ra 2 định hướng, Ban chỉ đạo thấy rằng đây là một chính sách lớn cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện. Cần nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý, tham khảo thêm ý kiến của một số cơ quan liên quan.

Về Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi bi cung can theo quy định của BLTTHS năm 2015, Chủ tịch nước  đồng ý các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc Bộ Công an đề nghị, tuy nhiên cần cân nhắc ký nội dung, trước mắt thực hiện theo đúng luật tố tụng hình sự và Nghị quyết của Quốc hội, Ban chỉ đạo đề nghị nghiên cứu lộ trình, các trường hợp ưu tiên áp dụng.

Trước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động TAND.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước chủ trì Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO