Trong nước

Chiến thắng Điện Biên: “Cánh cửa thép Him Lam” và ký ức của vị trung đội trưởng quân báo

Quách Chữ-Quỳnh Anh 07/05/2024 06:54

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Báo Công lý xin gửi đến bạn đọc loạt bài “Chiến thắng Điện Biên: “Cánh cửa thép Him Lam” và ký ức của vị trung đội trưởng quân báo.”

ntl-lts-tren.jpg
ntl-lts-duoi.jpg

Lời tòa soạn

Máu của anh chị, của chúng ta không uổng.
Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam.
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam.
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng...".

(Trích bài thơ “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên”,Tố Hữu, 1954)

Cách đây tròn 70 năm, ngày 7/5/1954 đã trở thành một mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Trải qua 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, cơm dầm mưa vắt”, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, và sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đập tan toàn bộ cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên một chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và ghi dấu vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa ở thế kỷ XX.

Với chiến thắng đó, dân tộc Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược, những nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneva, cam kết chấm dứt chiến tranh, tôn trọng độc lập, chủ quyền của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Cả thế giới nhắc đến “Việt Nam - Hồ Chí Minh, Việt Nam - Điện Biên Phủ” với sự yêu mến, khâm phục.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó phải kể tới thành công của sự sáng tạo vượt bậc, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Sự sáng tạo ấy không chỉ được thể hiện ở đường lối chiến tranh cách mạng, phương châm chỉ đạo tác chiến, nghệ thuật quân sự; ở cấp chiến lược, chiến dịch…, mà còn được thể hiện ngay ở cấp cơ sở và qua hành động, việc làm của từng cán bộ, chiến sĩ trong những tình huống cụ thể, xuất phát từ thực tiễn chiến trường, mang lại hiệu quả thiết thực.

Báo Công lý đã có dịp tìm về mảnh đất Cố đô Hoa Lư, tìm lại những ký ức lịch sử hào hùng, cùng lắng nghe những câu chuyện về chân dung Trung đội trưởng quân báo của Trung đoàn 141- Đại đoàn 312, ông Nguyễn Tử Lan qua hồi ức của gia đình và các nhà nghiên cứu.(*)

Ngay từ ngày đầu tiên khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Lan đã được Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn phong đặc cách chức Trung đội trưởng Trung đoàn 141 - Đại đoàn 312, mà không phải qua bất kỳ chức vụ nào theo thứ tự từ dưới lên.

Trung đội quân báo của Trung đoàn 141 mà ông là Trung đội trưởng được giao nhiệm vụ trinh sát và bắt sống viên thiếu úy Jacques và lấy lời khai, từ đó giúp quân ta dần nắm bắt được địa hình, chiến thuật của quân Pháp. Góp phần không nhỏ cho việc lên phương án chính xác trận đánh mở màn ở Trung tâm đề kháng Him Lam và dành thắng lợi sau này…


(*)
Trong ghi chép “tốc ký” của ông Nguyễn Tử Lan ở chiến trường Điện Biên có một số nội dung trùng khớp với những tài liệu lưu trữ Bộ quốc phòng Pháp được công bố lần đầu vào năm 2019 nhân kỷ niệm 65 năm ngày lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, bởi nhà sử học Ivan Cadeau.

Loạt bài sau đây được nhóm phóng viên Báo Công lý thực hiện dựa trên cơ sở tìm hiểu những nguồn tài liệu có được từ tác giả Nguyễn Tử Chương (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) và chuyến tìm về mảnh đất Hoa Lư- quê hương của người chiến sĩ Nguyễn Tử Lan.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Báo Công lý xin gửi đến bạn đọc loạt bài “Chiến thắng Điện Biên: “Cánh cửa thép Him Lam” và ký ức của vị trung đội trưởng quân báo.”

[Bài 1] Vị Trung đội trưởng quân báo của Trung đoàn 141
[Bài 2] Người Hoa Lư tham chiến Điện Biên Phủ

[Bài 3] “Tinh thần Điện Biên Phủ” còn vang mãi

tit1-33-.png

Lâm Thanh - Thanh Trà
Trình bày: Thanh Trà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến thắng Điện Biên: “Cánh cửa thép Him Lam” và ký ức của vị trung đội trưởng quân báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO