Vinh danh thẩm phán

Chiến khu Đ và những phiên xử lịch sử của Tòa án Thủ - Biên

Lê Hoàng 13/09/2023 - 15:20

Ông Nguyễn Thanh Tùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam - TANDTC rất tâm huyết với lịch sử Bình Dương, mảnh đất miền Đông giàu truyền thống cách mạng.

Thời điểm giữ cương vị Chánh án TAND tỉnh Bình Dương, ông chia sẻ với tôi về công trình ông ấp ủ nhiều năm, biên soạn cuốn sách “phục dựng” dòng chảy lịch sử TAND tỉnh Bình Dương. Qua các nguồn sử liệu quý giá, nhiều phiên tòa đặc biệt được xâu chuỗi, thể hiện sinh động truyền thống yêu nước hào hùng của cha ông...

“Thủ - Biên”, ngỡ lạ mà quen...

Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, thực dân Pháp thực hiện dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Trong tình hình mới, bước sang năm 1951, Trung ương Cục miền Nam và Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ phân lại chiến trường, gom từ 3 khu trở thành 2 phân liên khu: Phân liên khu miền Tây và Phân liên khu miền Đông. Ba tỉnh mới được đặt tên: Bà Rịa-Chợ Lớn, Thủ Dầu Một-Biên Hòa (gọi là Thủ-Biên) và Gia Định-Tây Ninh gọi là Gia Định-Ninh.

chien-khu-d-2.jpeg
Chiến khu Đ, nơi diễn ra những phiên tòa lịch sử.

Trong bối cảnh lịch sử đó, tháng 07/1951, TAND tỉnh Thủ - Biên được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai Tòa án Thủ Dầu Một và Biên Hòa. Lúc này Hội đồng xét xử được bổ nhiệm gồm ông Nguyễn Minh Chương, Chánh án kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh.

Cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn quyết liệt, địch thường xuyên càn quét khốc liệt. Để đảm bảo an toàn, Ủy ban kháng chiến đặt Văn phòng Tòa án trong rừng sâu Bà Đã, chiến khu Đ, phía Bắc huyện Tân Uyên.

Ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: Giữa bộn bề khó khăn, thách thức, các tài liệu lịch sử cho thấy chính quyền cách mạng đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ. Cuối năm 1951, nhiều cán bộ Tòa án, Công an được Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh lần lượt cử đi học. Nhờ vậy, cán bộ ta được nâng cao trình độ nghiệp vụ, tác phong công tác nhằm phục vụ tốt hơn nhiệm vụ được cách mạng giao phó.

Quá trình xét xử, Toà án tỉnh Thủ Biên đã tuyên án 19 vụ hình sự với 22 tội phạm nghiêm trọng, trong đó tử hình 6 tên gián điệp, 3 tên phản bội đầu hàng, 1 tên tham ô, 12 tên cướp của, giết người.

Các phiên tòa xét xử công khai trước hàng ngàn đồng bào, cán bộ chiến sĩ tại các xã vùng căn cứ Tân Long, Thuận An Hòa, chiến khu Đ. Vào đầu năm 1952, tại chiến khu Đ, Tòa án tỉnh Thủ Biên xét xử công khai vụ Mai Văn Hạo phạm tội làm gián điệp.

Đây là vụ án được Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ty an ninh tỉnh chỉ đạo khẩn trương phá án. Địch đã dùng máy bay ném bom Na-pan đúng vào địa điểm Hội nghị cán bộ Tỉnh ủy hồi tháng 9/1951 tại căn cứ Suối Sâu gây thiệt hại lớn cho cách mạng.

Kết quả điều tra bắt được Mai Văn Hạo, y giữ chức Ủy viên Mặt trận Liên việt tỉnh Thủ-Biên và là Phó bí thư Đảng bộ Đảng dân chủ. Mai Văn Hạo vốn làm công chức cho Pháp trước và sau 1945, được mật thám tổ chức cài cắm tinh vi vào làm việc ở một số cơ quan kháng chiến ở Biên Hòa.

Nghiêm trị những kẻ phản bội quê hương, đồng đội

Quá trình xét xử vụ án Mai Văn Hạo cho thấy bị cáo đã nhiều lần lấy tin tức của cách mạng cung cấp cho mật vụ Pháp. Hạo còn lén lút gây ra nhiều vụ phá hoại nghiêm trọng nhưng chưa bị cách mạng phát hiện.

Đỉnh điểm tội ác là Hạo chỉ điểm cho mật vụ Pháp đưa máy bay đến ném bom vào khu vực có hàng trăm cán bộ đang họp. Đồng chí Lê Duẩn đến dự nhưng may mắn được tổ chức đưa ra trước khi máy bay đến oanh tạc. Trận ném bom của Pháp khiến 2 nữ cán bộ hy sinh, khu căn cứ của Hội Liên Hiệp phụ nữ bị hủy hoại nặng nề.

chien-khu-d-3.jpeg

Phiên tòa xét xử Mai Văn Hạo do Chánh án Nguyễn Minh Chương chủ tọa cùng hai Hội thẩm và công tố viên ông Lê Văn Chì, biện hộ sư ông Tiêu Như Thủy, bà Lưu Hồng Thoại, thư ký phiên tòa ông Lê Đình Tỵ.

Tính dân chủ được Hội đồng xét xử thể hiện rõ trong quá trình tiến hành xét xử tên việt gian đặc biệt nguy hiểm. Biện hộ sư được tạo điều kiện thuận lợi đến làm phận sự với bị cáo Hạo. Hơn thế nữa, để có kết luận chính xác, đầy đủ, thuyết phục được bị cáo và công chúng, Chánh án tổ chức họp trao đổi với các Hội thẩm về việc nêu ra các bằng chứng để buộc tội và gỡ tội cho Hạo.

Hội đồng xét xử đã tuyên bố tử hình Mai Văn Hạo, phạm tội làm gián điệp. Đồng bào, chiến sĩ có mặt tại phiên tòa giữa chiến khu Đ rất đồng tình với bản án nghiêm khắc đối với tên gián điệp dùng khổ nhục kế “chui sâu, leo cao”, gây nguy hiểm cho cách mạng.

Cũng phản bội quê hương, đồng đội như Hạo là tên Ngộ. Gã bán mình cho mật vụ Pháp, làm gián điệp, sau đó dùng búa lén lút tấn công đồng chí Tùng Lâm, Tỉnh đội phó. Khi sự việc được phát hiện, đồng chí Tùng Lâm hy sinh, tên Ngộ đã tẩu thoát, hắn trốn ra khỏi chiến khu để tiếp tục làm tay sai cho Pháp. Đầu năm 1952, Tòa án tỉnh Thủ Biên mở phiên tòa xét xử và tuyên án tử hình vắng mặt tên Ngộ.

Quá trình điều tra vụ án sát hại đồng chí Tùng Lâm, có câu chuyện rất cảm động về việc “không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không được làm oan sai người không phạm tội”. Ông Nguyễn Thanh Tùng nhớ lại: Trong vụ án tên Ngộ, có một người thuộc diện nghi vấn là đồng chí Lê Văn Trinh cán bộ Ban tham mưu tỉnh đội. Tuy nhiên, khi không đủ chứng cứ vững chắc, Tòa án đã không xét xử đồng chí Lê Văn Trinh.

Sau này đồng chí Lê Văn Trinh tập kết ra Bắc rồi cùng bộ đội trở lại chiến trường miền Đông Nam bộ chống Mỹ cứu nước, làm Chủ nhiệm hậu cần phân liên khu 4, được phong quân hàm đại tá. Bài học quý giá ở đây là giải oan cho người chân chính. Hiểu cách khác, đó là sự thận trọng cần thiết, lương tâm của người cầm cân nẩy mực, không bỏ sót kẻ gian nhưng đồng thời tuyệt đối không làm oan người vô tội..

Từ tháng 3/1953 trở đi, Hội đồng lần lượt xét xử các vụ án quân nhân đầu hàng địch, nổi bật là Nguyễn Văn Hồi, từng giữ chức đại đội phó “Nguyễn An Ninh” hoạt động trên chiến trường Lái Thiêu. Trong quá trình Hồi đi công tác, bị địch phát hiện bắt giam rồi tra tấn. Hồi không giữ được khí tiết cách mạng, vứt bỏ lời thề son sắt trước Đảng nên nhục nhã đầu hàng địch.

Tên quan ba có tên Tộ, Quận trưởng Lái Thiêu đã lên kế hoạch sử dụng Hồi bằng một kế hoạch gián điệp tinh vi, xảo quyệt, đó là cho hắn thoát tù, trốn trở về đơn vị cũ. Hồi bịa chuyện lợi sơ hở của Pháp nên vượt ngục thành công. Do thấy cơ thể Hồi vẫn còn những dấu vết tra tấn khủng khiếp nên cách mạng tin tưởng, tiếp tục sử dụng. Hồi đã ngấm ngầm chống phá từ bên trong. Gã lợi dụng sơ hở của cách mạng, gài trái nổ tại giường ngủ khiến 3 cán bộ và 1 chiến sĩ ở rừng Cò Mi chiến khu Thuận - An – Hòa hy sinh.

Qua điều tra, Ban tình báo tỉnh đội và Ban điều tra công an tỉnh bắt được Nguyễn Văn Hồi với đủ vật chứng còn lại gồm 1 cuộn dây điện dùng làm nổ trái pháo vào lúc đêm khuya, với đầy đủ các nhân chứng sống. Quá trình xét xử, Nguyễn Văn Hồi cúi đầu khai nhận trước Tòa án và nhân dân, bị cáo bị tuyên phạt án tử hình.

Ngoài Nguyễn Văn Hồi, một số người cũng đầu hàng giặc như Nguyễn Văn Khi, phó văn phòng huyện đội Lái Thiêu; Nguyễn Văn Nở, tiểu đội phó. Hai đối tượng này được quận trưởng Lái Thiêu cũng lập kế cho vượt ngục trở về tái nhập vào hàng ngũ kháng chiến ngấm ngầm phát hoại nội bộ. Kết cục của Khi, Nở cũng bi đát như Hồi, đều bị cách mạng phát hiện, bắt giữ và bị Tòa án công khai xét xử, tuyên án tử hình.

Giữa chiến khu Đ, muôn vàn khó khăn nhưng khí thế cách mạng của cha ông ta luôn sục sôi. Những phiên tòa nơi “rừng thiêng, nước độc” với những lời luận tội hùng hồn, đanh thép của Hội đồng xét xử, trừng trị nghiêm khắc những kẻ phản nghịch đã đem lại niềm tin son sắt cho nhân dân về ngày hòa bình, độc lập. Những đóng góp của Tòa án đã đem lại ngày mai chiến thắng để quê hương tỏa nắng thái bình, phồn thịnh hôm nay...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến khu Đ và những phiên xử lịch sử của Tòa án Thủ - Biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO