Văn phòng Chính phủ đã có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 28/4/2025.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Công điện số 53/CĐ-TTg ngày 28/4/2025 gửi Bộ trưởng Bộ Công an; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về vụ cháy nhà dân tại số 87 hẻm 99/110/85 phố Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Công điện nêu:
Khoảng 03 giờ 20 phút ngày 28 tháng 4 năm 2025, xảy ra vụ cháy nhà dân tại số 87 hẻm 99/110/85 phố Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội gây hậu quả nghiêm trọng làm 03 người chết, 01 người bị thương. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn và có ý kiến chỉ đạo như sau:
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức thăm hỏi chu đáo, kịp thời động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần, tạo mọi điều kiện tốt nhất cứu chữa và sớm ổn định nơi ở, cuộc sống cho gia đình người bị nạn; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt là công tác tuyên truyền, kết hợp kiểm tra, hướng dẫn người dân có các giải pháp tăng cường an toàn cháy, nổ trong dịp nắng nóng sắp tới, bảo đảm Nhân dân nghỉ Lễ và tham gia các sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4) và Ngày Quốc tế Lao động (01/5) an toàn, lành mạnh.
Văn phòng Chính phủ có văn bản số 3700/VPCP-KGVX ngày 28/4/2025 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long về xử lý vấn đề thuốc chữa bệnh giả.
Văn bản nêu rõ: Gần đây, sau vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả được phát hiện tại một số địa phương, báo chí có nhiều tin, bài phản ánh lo ngại, bức xúc của nhân dân về nạn thuốc giả, nêu yêu cầu cần sớm xử lý hiệu quả vấn đề thuốc giả.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng quy định của pháp luật và tình hình và kết quả quản lý chất lượng thuốc chữa bệnh, ngăn ngừa thuốc giả trong thời gian qua; có giải pháp phù hợp, nhất là về trách nhiệm của cơ sở cung ứng thuốc trong việc chấp hành quy định của pháp luật về dược và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng thuốc chữa bệnh, ngăn ngừa thuốc giả trên địa bàn; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 05 tháng 5 năm 2025.
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả việc kết nối cơ sở cung ứng thuốc, bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2018, Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2025 và tại Công văn số 668/VPCP-KGVX ngày 24 tháng 01 năm 2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 848/QĐ-TTg ngày 28/4/2025 chuyển đổi Trường Đại học dân lập Phương Đông sang loại hình trường đại học tư thục.
Theo Quyết định, chuyển đổi Trường Đại học dân lập Phương Đông thành Trường Đại học Phương Đông. Trường Đại học Phương Đông là cơ sở giáo dục đại học tư thục, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục đại học và các quy định pháp luật có liên quan.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu quá trình chuyển đổi phải rõ ràng minh bạch, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí tài chính, tài sản; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, liên tục của nhà trường; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người học, giảng viên, cán bộ quản lý, người lao động và của những cá nhân, tổ chức đã có đóng góp thực sự trong quá trình hình thành và phát triển nhà trường, phù hợp với quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi, thành lập Hội đồng trường, công nhận Hiệu trưởng, tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Phương Đông theo đúng quy định pháp luật.
Hội đồng quản trị đương nhiệm có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà đầu tư để thành lập Hội đồng trường và công nhận Hiệu trưởng theo quy định của pháp luật hiện hành; hoàn thành trong vòng 03 tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Hội đồng quản trị và Hiệu trưởng đương nhiệm tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định hiện hành cho đến khi hội nghị nhà đầu tư thành lập Hội đồng trường và công nhận Hiệu trưởng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành, ngày 28/4/2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long – Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương ký Quyết định số 44/QĐ-HĐPH phê duyệt Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương năm 2025.
Theo Kế hoạch, nhằm phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trung ương và từng thành viên Hội đồng trong chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác PBGDPL theo phương châm hướng về cơ sở, góp phần xây dựng ý thức và lối sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; tiếp tục đổi mới hoạt động của Hội đồng và công tác PBGDPL phù hợp với yêu cầu thực tiễn, Hội đồng PBGDPL trung ương sẽ triển khai thực hiện các nội dung sau:
1. Chỉ đạo, định hướng triển khai công tác PBGDPL, tổ chức các phiên họp Hội đồng và thực hiện các giải pháp tăng cường hoạt động phối hợp giữa cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương với các thành viên Hội đồng.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn, tham mưu xây dựng, hoàn thiện về thể chế, chính sách trong công tác PBGDPL, tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành bảo đảm phù hợp với định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 (mô hình chính quyền địa phương 02 cấp; tinh gọn các cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng...), đáp ứng các yêu cầu đổi mới công tác xây dựng pháp luật và khắc phục các tồn tại, hạn chế trong triển khai thi hành pháp luật trong lĩnh vực PBGDPL.
3. Chỉ đạo, thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác PBGDPL, phát huy tính Đảng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bám sát chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật.
4. Chỉ đạo sơ kết, tổng kết, nghiên cứu các giải pháp cụ thể hoá ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới công tác PBGDPL, xây dựng văn hoá tuân thủ pháp luật trong cán bộ, Nhân dân bằng hình thức phù hợp.
5. Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai hoạt động của Hội đồng các cấp năm 2025, triển khai công tác PBGDPL trên cả nước có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, đổi mới cách thức tăng cường chuyển đổi số, tổ chức làm điểm và nhân rộng mô hình hiệu quả.
6. Chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả công tác truyền thông chính sách và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành và Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027" (phê duyệt kèm theo Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
7. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các Đề án về PBGDPL.
8. Chỉ đạo tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2025 (Có Kế hoạch riêng).
9. Chỉ đạo triển khai các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong nước và nước ngoài trong xây dựng và tổ chức thực hiện công tác truyền thông chính sách, thông tin pháp luật, tiếp cận pháp luật.
10. Tăng cường nguồn lực kinh phí cho công tác PBGDPL.
11. Chỉ đạo đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL.
12. Chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động PBGDPL trong nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
13. Chỉ đạo triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; chỉ đạo tổ chức Diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2025.
14. Tổ chức các Đoàn công tác, khảo sát, tọa đàm của Hội đồng để nắm bắt thực trạng trong công tác PBGDPL và công tác của Hội đồng; đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL và hoạt động của Hội đồng.
15. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo, phân công của Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng.
Triển khai công tác PBGDPL trên cả nước có trọng tâm, trọng điểm, thực chất
Trong đó, về nội dung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai hoạt động của Hội đồng các cấp năm 2025, triển khai công tác PBGDPL trên cả nước có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, đổi mới cách thức tăng cường chuyển đổi số, tổ chức làm điểm và nhân rộng mô hình hiệu quả, Kế hoạch nêu rõ, nội dung tập trung vào các luật, nghị quyết, văn bản mới được Quốc hội khóa XV, các cơ quan có thẩm quyền thông qua hoặc ban hành trong năm 2024, năm 2025 liên quan trực tiếp, thiết thực đến người dân, doanh nghiệp, các vấn đề xã hội quan tâm, cần định hướng dư luận xã hội. Triển khai các chuyên đề PBGDPL chuyên sâu về các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan (quốc phòng, an ninh; tổ chức bộ máy; chế độ cán bộ, công chức, viên chức; chuyển đổi số; chính sách thuế; chính sách hỗ trợ tạo việc làm; chuyển đổi giới tính; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đất đai, nhà ở, bất động sản, kinh doanh bất động sản; lao động; công đoàn; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tiêu cực, lãng phí; an toàn giao thông; an toàn thực phẩm; an toàn trên không gian mạng; ban hành văn bản quy phạm pháp luật...). Thời gian thực hiện: Năm 2025 và theo yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, theo Kế hoạch, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027" bám sát Chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh năm 2025, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại Công văn số 7233/VPCP-PL ngày 05 tháng 10 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ; chỉ đạo việc đăng tải công khai, minh bạch nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, phản biện của người dân, cơ quan, tổ chức. Chủ trì thực hiện: Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Thời gian thực hiện: Năm 2025.
Thực hiện điểm truyền thông chính sách về một số dự án, dự thảo Luật: Hiến pháp (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi); Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Nhà giáo; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Luật Thanh tra; Luật Tổ chức tòa án nhân dân; Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân; Luật Cán bộ, công chức... Thời gian thực hiện: Theo tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 205/TB-VPCP ngày 28/4/2025 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác quý I năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Thời gian qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, song công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao; các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, qua đó đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người tiêu dùng, nâng cao đời sống Nhân dân, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh kết quả đạt được, còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế, nổi bật là: Các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ, các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chưa được một số bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa phản ánh hết tình trạng thực tế. Tình trạng hàng nhập lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn được tuồn sâu vào nội địa, bày bán công khai, gia tăng trên môi trường thương mại điện tử với quy mô lớn, thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của Nhân dân; tình trạng mua, bán trái phép hóa đơn, gian lận thuế và lợi dụng điều kiện thuận lợi, thông thoáng chính sách xuất nhập khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm, hàng giả xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.
Tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Để đấu tranh có hiệu quả, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như: Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả, Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe…
Thực hiện nghiêm các quy định về đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngay trong chính các lực lượng chức năng (Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thuế,..); xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.
Xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp diễn biến tình hình địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ; đặc biệt tập trung đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi các nước khác; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định liên quan đến công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các lực lượng chức năng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin; triển khai và nâng cao hiệu quả các đường dây nóng, đảm bảo thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân.
Tăng cường kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả
Phó Thủ tướng chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và lực lượng thực thi nhiệm vụ; giáo dục cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không tiếp tay, bảo kê, bao che cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để khích lệ, động viên tinh thần, lan tỏa gương người tốt, việc tốt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Xây dựng đề án nâng cao năng lực và tăng cường đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sỹ, các lực lượng chuyên trách trong thực thi nhiệm vụ.
Phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Phó Thủ tướng giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về việc cử lãnh đạo để kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 các cấp, trước mắt kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 địa phương sẽ kiện toàn sau khi hoàn thành sắp xếp cấp tỉnh; sửa đổi quyết định, quy chế, quy định hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 địa phương, việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng; chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác theo dõi tình hình; phối hợp với các lực lượng chức năng đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường bộ, đường biển, đường hàng không và trên môi trường thương mại điện tử, nhất là tại khu vực biên giới, cửa khẩu và địa bàn nội địa trọng điểm; chủ động thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Kiểm tra, hướng dẫn Cơ quan Thường trực, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu dự họp, kể cả các khó khăn, vướng mắc và báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ký ban hành Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý I năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia theo dõi, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp kết quả báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trước ngày 31 tháng 5 năm 2025.