Văn phòng Chính phủ vừa ra Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 09/4/2025.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 79/2025/NĐ-CP quy định về kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
Nghị định này quy định chi tiết Điều 63, Điều 64 và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi là Luật) về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
Không lợi dụng việc kiểm tra, xử lý văn bản vì mục đích vụ lợi
Nghị định số 79/2025/NĐ-CP quy định rõ việc kiểm tra, xử lý văn bản phải bảo đảm các nguyên tắc: Bảo đảm tính toán diện, khách quan, công khai, minh bạch; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; kết hợp giữa việc kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền với việc tự kiểm tra của cơ quan, người ban hành văn bản; bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan.
Bảo đảm không lợi dụng việc kiểm tra, xử lý văn bản vì mục đích vụ lợi, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản và can thiệp vào quá trình xử lý văn bản trái pháp luật.
Bảo đảm không cản trở, gây khó khăn cho cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra, cơ quan kiểm tra trong quá trình kiểm tra văn bản. Kịp thời kiểm tra khi có căn cứ kiểm tra văn bản và kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật.
Bảo đảm thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước đối với việc kiểm tra, xử lý văn bản có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Các hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, xử lý văn bản thì tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Văn bản thuộc đối tượng kiểm tra
Nghị định quy định văn bản thuộc đối tượng kiểm tra bao gồm:
1. Văn bản quy phạm pháp luật quy định từ khoản 3 đến khoản 14 Điều 4 của Luật; văn bản quy phạm pháp luật quy định từ khoản 3 đến khoản 14 Điều 4 của Luật có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước do người có thẩm quyền xác định.
2. Văn bản có dấu hiệu chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, bao gồm:
a- Văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
b- Văn bản của cơ quan thuộc Chính phủ; Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; các tổ chức thuộc, trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (hoặc tương đương); chính quyền địa phương cấp xã.
3. Văn bản hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 61 của Luật.
5 nội dung kiểm tra văn bản
Nghị định nêu rõ 5 nội dung kiểm tra văn bản gồm:
Thẩm quyền ban hành văn bản.
Nội dung, hình thức của văn bản.
Trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản.
Căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật trình bày.
Tuân thủ quy định của pháp luật về xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước trong văn bản có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Căn cứ pháp lý để xác định văn bản trái pháp luật
Theo Nghị định quy định, căn cứ pháp lý để xác định văn bản trái pháp luật là văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm các điều kiện sau đây:
a- Có hiệu lực pháp lý cao hơn văn bản được kiểm tra.
b- Đang có hiệu lực tại thời điểm ban hành văn bản được kiểm tra hoặc chưa có hiệu lực tại thời điểm ban hành văn bản được kiểm tra nhưng đã được thông qua hoặc ký ban hành và sẽ có hiệu lực trước hoặc cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản được kiểm tra.
Nghị định cũng nêu rõ: Căn cứ pháp lý để xác định văn bản có sai sót về căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật trình bày là văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền quy định về nội dung này và bảo đảm điều kiện quy định tại điểm b nêu trên.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025.
Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2025/NĐ-CP về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nghị định này quy định chi tiết khoản 3 Điều 59 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm tổ chức thi hành, theo dõi, sơ kết, tổng kết việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo, cung cấp thông tin về tổ chức thi hành, theo dõi việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật (gọi chung là tổ chức thi hành pháp luật).
Nghị định này quy định các biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật gồm: Trình tự xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thi hành, theo dõi việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật; trình tự hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành văn bản quy phạm pháp luật; thu thập thông tin về thi hành văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra công tác tổ chức thi hành pháp luật; trách nhiệm và quản lý nhà nước về công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật
Về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật, Nghị định quy định Chính phủ tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc. Tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tham mưu về quản lý nhà nước hoặc giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý nhà nước theo chuyên ngành, lĩnh vực, tham mưu giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ.
Cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thi hành pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công. Tổ chức pháp chế ở cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thi hành pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công.
Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thi hành pháp luật ở địa phương. Cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân các cấp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương.
Quản lý nhà nước về tổ chức thi hành pháp luật
Nghị định quy định Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức thi hành pháp luật.
Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tổ chức thi hành pháp luật, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật; chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, đôn đốc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn việc quản lý, khai thác, sử dụng Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật; tổng hợp, báo cáo Chính phủ về tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức, bố trí nguồn lực để triển khai việc tổ chức thi hành pháp luật.
Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Phối hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật; chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, đôn đốc bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực; phối hợp quản lý, khai thác, sử dụng Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật; tổng hợp, báo cáo về tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc; xây dựng cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức, bố trí nguồn lực để triển khai việc tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
Cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Phối hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật; tổng hợp, báo cáo về tổ chức thi hành pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công; xây dựng cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức, bố trí nguồn lực để triển khai việc tổ chức thi hành pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công.
Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Phối hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật; chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, đôn đốc cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, Ủy ban nhân dân cấp dưới về tổ chức thi hành pháp luật ở địa phương; phối hợp quản lý, khai thác, sử dụng Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật; tổng hợp, báo cáo về tổ chức thi hành pháp luật ở địa phương; xây dựng cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức, bố trí nguồn lực để triển khai việc tổ chức thi hành pháp luật ở địa phương.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 9/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam. Quyết định nêu rõ: Đồng ý đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo đề xuất của Tập đoàn, cụ thể như sau:
Tên gọi đầy đủ: Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam.
Loại hình doanh nghiệp: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Tên giao dịch: Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam.
Tên giao dịch quốc tế: Vietnam National Industry - Energy Group.
Tên gọi tắt: PETROVIETNAM, viết tắt là PVN.
Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo quy định tại Luật Dầu khí năm 2022 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; các Hiệp định, văn bản, thỏa thuận và Hợp đồng đã ký kết với các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Quyết định trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/4/2025.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 168/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ về kết quả kiểm tra, đôn đốc của các Đoàn kiểm tra rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm có kế hoạch hoàn thành năm 2025 để đạt mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc.
Thông báo kết luận nêu rõ, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt mục tiêu hoàn thành 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030. Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc" để hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025 - đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, bắt buộc phải hoàn thành.
Hiện nay, các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, nhà thầu thi công các dự án đang rà soát, xây dựng tiến độ thi công chi tiết các dự án, có giải pháp sáng tạo để đẩy nhanh tiến độ để bù phần khối lượng thi công đã bị chậm (như thay đổi biện pháp gia tải, giải quyết thủ tục cấp mỏ vật liệu, giải phóng mặt bằng...), có cam kết đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Quốc hội và Chính phủ đã thông qua mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là trên 8% và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Để đạt mục tiêu tăng trưởng này cần thúc đẩy đầu tư công, trong đó tập trung chủ yếu cho các công trình lĩnh vực giao thông vận tải. Việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sẽ góp phần hoàn thành đa mục tiêu: giải ngân vốn đầu tư công, mở ra không gian phát triển mới, các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dịch vụ cho các địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân và doanh nghiệp, tăng giá trị gia tăng của đất đai, thuận lợi cho kêu gọi xúc tiến đầu tư, giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa và nền kinh tế. Vì vậy, cần tăng tốc, bứt phá, có giải pháp đôn đốc, thúc đẩy đầu tư trong bối cảnh thay đổi mục tiêu tăng trưởng.
Cử 1 Thứ trưởng phụ trách từng dự án
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 7 Đoàn Kiểm tra rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm có kế hoạch hoàn thành năm 2025 để đạt mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc. Qua kết quả của 7 Đoàn kiểm tra của các Phó Thủ tướng Chính phủ, các dự án đã có chuyển biến tích cực hơn.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã tích cực giải quyết các thủ tục về cấp mỏ cho các dự án trong khu vực. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục phát huy, triển khai nhiệm vụ đến khi các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, bảo đảm mục tiêu thông tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Cao Bằng đến Cà Mau vào năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan cử 1 Thứ trưởng phụ trách từng dự án, chủ động, kịp thời đi kiểm tra, giải quyết các vướng mắc. Các bộ, địa phương, nhà thầu xử lý ngay các ách tắc, có biện pháp giải quyết phù hợp; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc vượt thẩm quyền; tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc; coi trọng công tác chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện.
Các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng và cung cấp vật liệu, không để liên tục "trượt" tiến độ hoàn thành theo cam kết và xác định đây là tiêu chí để đánh giá cán bộ. Khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần vận dụng linh hoạt các chính sách không để người dân thiệt thòi, bảo đảm nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ; quan tâm đến sinh kế của người dân; những đối tượng đặc biệt phải có chính sách đặc biệt; mục tiêu cuối cùng là bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân theo đúng chủ trương của Đảng và nhà nước.
Các dự án khu vực Tây Nam bộ và Đông Nam bộ cần hoàn thành công tác nền đường trước mùa mưa
Về nhóm các dự án còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ chưa đáp ứng kế hoạch đề ra (gồm 10 dự án/291km có kế hoạch hoàn thành năm 2025 (Bộ Xây dựng 1 dự án/18km; các địa phương 09 dự án/273km) và 2 dự án Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh phấn đấu hoàn thành trong năm 2025:
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư khẩn trương phối hợp xử lý các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật và nâng công suất mỏ vật liệu như báo cáo của Bộ Xây dựng.
Các chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu cập nhật lại tiến độ thi công, xác định rõ đường "găng" (phải có giải pháp để bù lại khối lượng đã chậm, dự phòng thời gian trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhất là với các dự án khu vực Tây Nam bộ và Đông Nam bộ cần hoàn thành công tác nền đường trước mùa mưa); tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị thi công, nguồn lực tài chính để tổ chức thi công 3 ca 4 kíp đảm bảo hoàn thành các dự án vào năm 2025 theo đúng kế hoạch đề ra, với các nhiệm vụ cụ thể sau:
a- Các tỉnh khối lượng GPMB còn nhiều như Đồng Nai (Biên Hòa - Vũng Tàu), Khánh Hòa (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột), Tuyên Quang (Tuyên Quang - Hà Giang), Bình Dương (Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh), Quảng Trị (Vạn Ninh - Cam Lộ) tập trung chỉ đạo hoàn thành trước ngày 15/4/2025 và không được lùi tiến độ.
b- Các tỉnh Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Bình Dương, Long An phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) để hoàn thành di dời đường điện cao thế, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
c- Thành phố Đà Nẵng (dự án Hòa Liên - Túy Loan) và tỉnh Hà Giang (dự án Tuyên Quang - Hà Giang) đẩy nhanh thủ tục cấp phép, nâng công suất các mỏ đá, hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/4/2025.
d- Tỉnh Long An (Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh) đẩy nhanh tiến độ triển khai nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành để bảo đảm khai thác đồng bộ 20km dự án Bến Lức - Long Thành vào dịp 30/4/2025 (dự kiến ngày 19/4/2025).
đ- Tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang (dự án Tuyên Quang - Hà Giang), Đồng Tháp (dự án Cao Lãnh - An Hữu) chủ động phối hợp với Bộ Tài chính trong việc bổ sung nguồn vốn cho dự án để hoàn thành trong năm 2025.
e- Tỉnh Lạng Sơn (Hữu Nghị - Chi Lăng) và Cao Bằng (Đồng Đăng - Trà Lĩnh) chỉ đạo các nhà đầu tư, quyết liệt triển khai để bảo đảm hoàn thành trong năm 2025.
g- Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương (dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh), Đồng Tháp (An Hữu - Cao Lãnh), Tuyên Quang (Tuyên Quang - Hà Giang) rà soát lại tiến độ, chủ động về nguồn vật liệu, có các giải pháp xử lý kỹ thuật phù hợp, hiệu quả, không lùi tiến độ hoàn thành dự án; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.
h- Các địa phương phối hợp với Chủ đầu tư xác nhận thực trạng hư hỏng của nhà dân do ảnh hưởng của thi công để chi trả bồi thường đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân, tuân thủ quy định, tránh để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện gây mất an ninh trật tự khu vực. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng chống đối gây mất trật tự an ninh.
i- Các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân đồng hành, chia sẻ, ủng hộ, tạo điều kiện cho các đơn vị tranh thủ thời tiết tốt, thi công "3 ca, 4 kíp"; xuyên ngày nghỉ, ngày tết; tinh thần "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió" để hoàn thành đúng tiến độ; đồng thời yêu cầu các đơn vị thi công cần có giải pháp thi công hợp lý nhằm hạn chế ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe nhân dân trong quá trình thi công tăng ca vào ban đêm.
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2976/VPCP-CN ngày 9/4/2025 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về hoạt động kiểm định đối với xe quá khổ, quá tải.
Văn bản nêu: Xét báo cáo của Bộ Xây dựng tại văn bản số 1024/BXD-KHCNMT&VLXD ngày 26/3/2025 về phản ánh của báo chí liên quan đến ách tắc trong hoạt động kiểm định đối với xe quá khổ, quá tải, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ các cơ sở đăng kiểm thực hiện tốt công tác kiểm định đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nói chung và phương tiện xe quá khổ, quá tải nói riêng, không để xảy ra tình trạng ách tắc trong hoạt động kiểm định, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.