Diễn đàn pháp lý

Chế tài dành cho người trúng đấu giá biển số xe nhưng bỏ cọc

Mai Thoa 20/10/2023 - 06:42

Chiều 19/10, tại buổi họp báo quý 3/2023 Bộ Tư pháp, đại diện Cục Bổ trợ tư pháp đã trao đổi với báo chí nội dung liên quan tới hoạt động đấu giá biển số xe và một số trường hợp bỏ cọc sau khi trúng đấu giá.

Bà Đặng Kim Hoa - Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp - cho biết, bản chất của hoạt động đấu giá là để tối đa hóa giá trị tài sản, nên về nguyên tắc nếu giá trị tài sản được trả giá càng cao thì cuộc đấu giá được coi là thành công.

hoa(1).jpg
Bà Đặng Kim Hoa - Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp tại buổi họp báo chiều 19/10

Theo bà Hoa, hiện nay đã có Nghị quyết 73 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe, trong đó quy định việc tính tiền đặt trước khi tham gia đấu giá, bằng giá khởi điểm của biển số xe được đưa ra là 40 triệu. Mức đặt trước như thế là tương đối cao.

Bà Hoa cho biết, để hạn chế việc bỏ cọc cũng như tiền đặt trước, trong Luật đấu giá tài sản có nhiều chế tài ràng buộc trách nhiệm của người tham gia đấu giá. Đó là không được nhận lại khoản tiền đặt trước, trong trường hợp không nộp đủ tiền đặt trước hay bị truất quyền tham gia đấu giá nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ của người tham gia đấu giá và cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính kèm theo kết quả đấu giá.

“Nghị quyết 73 cũng quy định số tiền đặt trước và số tiền trúng đấu giá nếu không nộp cũng sẽ không được hoàn trả lại và số tiền này cũng được đưa vào ngân sách; biển số xe được đưa ra đấu giá lại”, bà Hoa thông tin.

Bà Hoa cho rằng, các quy định hiện nay tương đối nghiêm khắc, đầy đủ, từ việc đặt cọc thì không được lấy lại số tiền đó; trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm có thể bị xử phạt hành chính.

Thời gian tới, Bộ đang nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2023. Việc sửa Luật tập trung tăng vai trò trách nhiệm của người tham gia đấu giá và người có tài sản đấu giá, của cơ quan tổ chức liên quan đến triển khai đấu giá để đảm bảo cho cuộc đấu giá được công khai, minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, bà Hoa cho hay.

Theo Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam, người tham gia đấu giá phải hoàn thành việc nộp tiền hồ sơ, tiền đặt trước kể từ khi đăng ký tham gia cho đến trước thời điểm tổ chức đấu giá 3 ngày. Với mỗi biển số, người tham gia đấu giá phải nộp 40 triệu đồng tiền đặt trước và 100.000 đồng tiền hồ sơ tham gia đấu giá. Thời lượng đấu giá cho mỗi một biển số là 60 phút.

Người trúng đấu giá biển số ôtô phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả. Số tiền này được trừ số tiền đặt trước và không bao gồm lệ phí đăng ký xe. Người trúng phải thanh toán toàn bộ tiền vào tài khoản chuyên thu số 1410123456789 của Bộ Công an mở tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Mỹ Đình.

Ngay sau khi nhận đủ số tiền trúng đấu giá, Bộ Công an cấp hóa đơn điện tử bán tài sản công và văn bản điện tử xác nhận biển số ôtô trúng đấu giá gửi vào hòm thư điện tử cho người trúng đấu giá để làm thủ tục đăng ký xe.

Nghị định 39/2023 của Chính phủ quy định, nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong thời gian quy định, kết quả đấu giá sẽ bị hủy. Biển số xe sẽ được đưa ra đấu giá lại, đồng thời số tiền đặt trước (40 triệu đồng) sẽ không được hoàn lại và được nộp vào ngân sách nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chế tài dành cho người trúng đấu giá biển số xe nhưng bỏ cọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO