BVCL - Tuổi thơ đầy khó khăn, cơ cực, tận mắt chứng kiến bao mất mát hi sinh bởi bom đạn của kẻ thù, đã “tôi luyện” Chánh án Nguyễn Văn Bường trở thành con người rắn rỏi, sống trọn vẹn nghĩa tình
Trong câu chuyện nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 với đồng chí TS. Nguyễn Văn Bường – Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng, chúng tôi được biết, anh cũng là con trai duy nhất gia đình liệt sĩ, đang thờ phụng bà nội là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Cha hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ khi anh vừa chào đời, chiến tranh loạn lạc người mẹ cũng thất lạc đứa con trai duy nhất, để rồi gần 40 năm sau anh mới tìm ra được mẹ. Sau ngày đất nước thống nhất, anh được Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) nhận vào nuôi dưỡng, ăn học. Cho đến năm 1985 anh bước chân vào ngành Tòa án.
Đó là khoảng thời gian đầy ắp ký ức đẹp đối với cậu bé chịu nhiều mất mát từ khói lửa chiến tranh. “Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống hoặc học tập, tôi đều nhận được sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời của các cán bộ Hội liên hiệp phụ nữ Tam Kỳ. Điều đó khiến tôi cảm thấy tự tin hơn trong mọi công việc vì luôn có các Mẹ bên cạnh, không biết từ lúc nào tôi đã xem họ như những người Mẹ của mình.” Chánh án Nguyễn Văn Bường xúc động chia sẻ.
Bởi vậy, hơn ai hết, Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng vô cùng thấu hiểu những nỗi đau mất mát của các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng. Chánh án Nguyễn Văn Bường quan niệm, chẳng có niềm vui nào lớn bằng việc đem niềm vui, hạnh phúc tới cho mọi người, đóng góp được gì cho quê hương, cho công tác đền ơn đáp nghĩa, anh sẽ luôn cố gắng để làm hết sức mình.
Vinh dự được trở thành cán bộ Tòa án từ năm 1985 và đứng trong hàng ngũ của Đảng từ năm 1997, đồng chí tâm sự “có được như ngày hôm nay là nhờ sự che chở, đùm bọc, giáo dục, rèn luyện, dìu dắt của Đảng, Nhà nước mà tôi từng bước trưởng thành; từng bước hoàn thiện mình cả về phẩm chất đạo đức, trình độ hiểu biết về chính trị và pháp luật, vững vàng hơn trong cuộc sống để góp phần xây dựng quê hương, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi công việc mà cơ quan giao phó. Đây cũng chính là kết quả của sự kèm cặp, giáo dục, giúp đỡ của các đồng chí lãnh Tòa án nhân dân tối cao, các đồng chí lãnh đạo đơn vị, các đồng nghiệp, các cán bộ , nhân dân nơi tôi công tác. Đặc biệt là sự hi sinh xương máu, tuổi xuân của biết bao người con ưu tú của đất nước để cho màu xanh trở lại trên quê hương này, giành lấy yên bình cho tôi và những đồng nghiệp của tôi hoàn thành mọi công việc của Đảng và Nhà nước giao. Nghĩ về ngày 27/7, tôi mãi mãi biết ơn những người đã hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, biết ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân, các Mẹ tại Hội liên hiệp phụ nữ Tam Kỳ đã nuôi dưỡng tôi trưởng thành”.
Trên tinh thần đó, thấm nhuần lời dạy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy, Lãnh đạo và cán bộ TAND cấp cao tại Đà Nẵng, luôn coi công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Dù chiến tranh đã trôi qua hơn bốn thập kỷ nhưng những hệ lụy, những nỗi đau mất mát ấy vẫn hiện hữu trên cơ thể, trong tâm khảm của mỗi đồng chí thương- bệnh binh và thân nhân các gia đình liệt sỹ. Cũng chính vì suy nghĩ như vậy cùng tấm lòng thành kính đối với những con người đã không tiếc tuổi xuân hiến dâng cho Tổ quốc. Lãnh đạo, cán bộ TAND cấp cao tại Đà Nẵng thường xuyên quan tâm thăm hỏi gia đình chính sách, gia đình công chức, người lao động khi có thành viên bị ốm đau, hoạn nạn hoặc vào những ngày tết, ngày lễ lớn của dân tộc.
Tổ chức dâng hương, tri ân sự cống hiến, hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh và Thành cổ Quảng Trị góp phần tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho công chức, người lao động nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ. Phối hợp cùng Báo Công lý suốt nhiều năm nay tổ chức khánh thành và trao tặng nhiều căn nhà tình nghĩa cho các gia đình thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xây dựng hệ thống TAND. Đây là các hoạt động hết sức có ý nghĩa, là nghĩa cử cao đẹp mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần giữ gìn và bồi đắp thêm truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Tương thân tương ái”... của dân tộc ta.
Theo đồng chí Chánh án tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của cha ông đã tiếp thêm ngọn lửa cho phong trào cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ đã ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh và là bài học giáo dục truyền thống sâu sắc về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Hành động tri ân những người đã hy sinh vì đất nước, vì dân tộc đã trở thành một nét đẹp nhân văn của dân tộc Việt Nam. Đây là những hành động thiết thực góp phần giáo dục cho lớp trẻ hôm nay về một thời oanh liệt của đất nước, về những mất mát hy sinh của cha ông.