NGÀY 6.7.1973, XÍ NGHIỆP LIÊN HỢP (XNLH) CẦU THĂNG LONG NAY LÀ TỔNG CÔNG TY XÂY DỰNG THĂNG LONG ĐƯỢC THÀNH LẬP ĐỂ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ XÂY DỰNG CẦU THĂNG LONG - CÂY CẦU LỚN NHẤT ĐÔNG NAM Á LÚC BẤY GIỜ. ÔNG HOÀNG MINH CHÚC LÀ NGƯỜI ĐƯỢC VINH DỰ THAM GIA TỪ ĐẦU TRONG VIỆC ĐÀM PHÁN GIỮA HAI NƯỚC VỀ XÂY DỰNG CẦU VÀ THAM GIA THIẾT KẾ SƠ BỘ CẦU THĂNG LONG SAU ĐÓ THAM GIA CHỈ ĐẠO THI CÔNG CHO ĐẾN NGÀY HOÀN THÀNH BÀN GIAO ĐƯA VÀO SỬ DỤNG. GẦN 50 NĂM TRÔI QUA, NHƯNG TRONG KÝ ỨC CỦA ÔNG CHÚC (83 TUỔI), NHỮNG NGÀY THÁNG TRÊN CÔNG TRƯỜNG ĐẦY NẮNG GIÓ, NHỮNG GIỌT MỒ HÔI RƠI NHƯNG LÚC NÀO CŨNG RỘN RÀNG TIẾNG CA.
Bốn mươi bảy năm trước đây, khi cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đang bước vào giai đoạn kết thúc thì Đảng và Chính phủ ta quyết định xây dựng một cây cầu lớn vượt sông Hồng tại Hà Nội để nối liền mạng lưới giao thông đường sắt và đường bộ ở phía Bắc với Thủ đô Hà Nội. Cầu Thăng Long là một công trình cầu lớn đặc biệt cả về quy mô và khối lượng, một công trình xây dựng trọng điểm của cả nước ta trong hai thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước.
Để triển khai thi công xây dựng cầu Thăng Long, Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung lực lượng của 12 công ty tinh nhuệ của bộ và lực lượng gồm 9.805 người, trong đó có 6.000 kỹ sư và cán bộ kỹ thuật. Đưa về 10 người nguyên cục trưởng cục phó của bộ dưới sự điều hành của ông Nguyễn Tường Lân, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Công trường có mặt bằng trải rộng trên 100 ha đất của 8 xã thuộc hai huyện Đông Anh và Từ Liêm. Công tác giải phóng mặt bằng trên 100 ha để chuẩn bị công trường nhanh gọn phải kể đến sự đóng góp quan trọng của nhân dân và chính quyền 8 xã thuộc hai huyện Đông Anh và Từ Liêm nơi có câu đi qua đã vì "cây cầu quê hương mà làm tốt việc bàn giao mặt bằng cũng như tận tình giúp đỡ XNLH trong những ngày đầu muôn vàn khó khăn, thách thức”.
Sau hơn một năm chuẩn bị, ngày 26.11.1974, Cầu Thăng Long được chính thức khởi công xây dựng. Tháng 10.1974, ông Hoàng Minh Chúc được Bộ Giao thông Vận tải bổ nhiệm chức vụ Phó chủ nhiệm công ty Cầu 11, làm nhiệm vụ thi công phần cấu chính phía Bắc.
"Ngày ấy vui lắm, cả công trường đang thi đua rầm rộ với khí thế chiến thắng. Ngày 1.5.1975, Hà Nội bắn pháo hoa mừng giải phóng miền Nam, chúng tôi và tất cả anh em công nhân ngồi trên mặt giếng trụ 5 ngắm về Hà Nội sung sướng chờ mong. Không khí làm việc cũng hừng hục sục sôi”, trong đôi mắt của ông sáng rực lên kỷ niệm về 1 thời hăng say lao động.
Nhìn những trụ cầu cao lừng lững đứng hiên ngang giữa dòng sông Hồng lộng gió, mới thấy việc chinh phục lòng sông của những người thợ cầu Thăng Long là một kỳ tích đáng khâm phục.
Trong suốt khoảng thời gian xây cầu, ông Chúc có nhiều kỷ niệm đặc biệt với người Nga. Ông kể: người Nga thật thà, có tinh thần trách nhiệm, coi trọng chất lượng, làm việc chính quy hiện đại, công nhân của Việt Nam học được đức tính đó của họ. Họ học được ở người Việt nhỏ con nhưng tháo vát, nhanh nhẹn có nhiều sáng kiến. Hai bên học được của nhau những cái tốt.
Trong số gần 100 chuyên gia Liên Xô sang làm việc tại Việt Nam trong gần 1 thập kỷ năm xây cầu, ông Chúc có dấu ấn đặc biệt với người phụ nữ Nga, tiến sĩ Xa-Kha-Rô-Va là một chuyên gia lớp mặt cầu.
“Là phụ nữ nhưng bà ấy rất “hắc xì dầu”, nói đến đây, ông Chúc cười lớn và nói tiếp: “bà ấy bắt quân làm rất nghiêm chỉnh”. Trong một lần khảo sát cầu, bà nhận ra có những sai sót nghiêm trọng trong thi công có thể đổ cầu. Bà gọi điện cho tôi và một số kỹ sư liên quan đến để xem xét. Sau nhận xét thẳng thắn của nữ chuyên gia, một số kỹ sư của ta tỏ ra khá bực bội và cho rằng “bà lo chuyện bao đồng, vì đây đâu phải phần việc của bà”.
“Lúc đó chỉ có tôi ở lại đó để lắng nghe bà nói. Bà ấy nói với tôi rằng: “Lỗi này sẽ dẫn đến hỏng cầu. Anh phải sửa, anh không sửa lương tâm anh sẽ cắn dứt”. Tôi đã cho người sửa như bà ấy nói”, ông Chúc nhớ lại.
Theo cam kết với Nga, ngày 31.12.1985, chúng ta phải hoàn thành xong cầu Thăng Long. Muốn đạt tiến độ chung chỉ còn cách tổ chức lắp dầm sao cho thật nhanh nhưng phải đảm bảo chất lượng và an toàn tuyệt đối. Ông Chúc khi đó là người chịu trách nhiệm chính tại đây đã nghĩ đến một phong trào thi đua nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình. “Khoán đến sản phẩm cuối cùng” là biện pháp mà ông Chúc nghĩ đến lúc bấy giờ. Ông chỉ đạo khoán thử mỗi khoang lắp 3 ngày, nếu làm được cho hưởng cả công 7 ngày như định mức. Kết quả quá bất ngờ, tổ kích kéo do ông Nguyễn Văn Năng thợ 6/7 làm tổ trưởng chỉ lắp hết 7 ca/khoang.
“Tôi cho mở rộng hình thức khoán quỹ lương gồm ba yếu tố: khối lượng, chất lượng, an toàn và tiến độ hoàn thành cho 1 khoang, khi vượt mức sẽ được nhận khoản tiền lương tương xứng. Đây là bước nhảy vọt để từ bỏ cách trả lương bình quân trước đây sang trả lương theo sản phẩm hoàn thành. Mỗi kíp thợ lắp 4 khoang, mỗi người nhận được 500 đồng/tháng, cứ thế 5 khoang là 600 đồng/ người, 6 khoang là 1.200 đồng/người. Thợ cầu thấy giọt mồ hôi có giá. Nhờ đó mà trước đây lắp một khoang hết 7 ngày nay xuống còn 3 ngày rồi 7 ca/khoang. Từ đó, hai mũi lắp dầm đang từng giờ phút tiến lại gần nhau đợi ngày nối nhịp...”, ông Chúc nhớ về những ngày tháng hừng hực khí thế trên công trường.
Trên mặt sóng đỏ của dòng sông Hồng 25 mét, một ngày hội mừng công hiếm có, cờ hai nước Việt -Xô tung bay, tiếng hò reo của những người thợ cầu làm xáo động một góc trời. Đến tham dự giờ phút lịch sử ấy có Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đồng Sỹ Nguyên, các chuyên gia Liên Xô và nhiều nhà báo, Đài phát thanh, Đài truyền hình Việt Nam... Đội trưởng hai mũi lắp dầm thép Nguyễn Hải Đảo (đội 112), Cao Xuân Hương (đội 705) vinh dự được nhận phần thưởng từ tay Bộ trưởng, hai con người cứng rắn là vậy thế mà lúc đó họ cũng rưng rưng nước mắt vì sung sướng.
“Ngày 5.11.1983, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đến thăm công trường, tôi vinh dự được đón Chủ tịch rồi ngồi lên xe tháp tùng Chủ tịch qua cầu. Chủ tịch hỏi tôi đại ý, nghe nói ở đây có phong trào thi đua sôi nổi lắm, hay lắm, thú vị lắm phải không, có tin được không? Tôi báo cáo với Chủ tịch: ở đây có phong trào thi đua quốc tế giữa Đoàn chuyên gia Liên Xô với tập thể cán bộ công nhân XNLH, có giao ước thi đua, có sơ tổng kết rút kinh nghiệm, nhân điển hình, có lao động giỏi, tổ trưởng sản xuất giỏi, chủ nhiệm giỏi nên đã đóng góp thiết thực cho XNLH hoàn thành kế hoạch.” – Ông Hoàng Minh Chúc - Nguyên Tổng giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng cầu.
Ngày Chủ tịch Phạm Văn Đồng đến thăm và gắn tấm biển đồng ghi tên "cầu Thăng Long", bác gặp và nói chuyện với anh chị em công nhân và chuyên gia Liên Xô đang làm việc tại cầu. Chủ tịch hỏi Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô: "Tôi nghe có người nói câu này Liên Xô làm là chính phải không?". Trưởng đoàn Liên Xô nói: "Cầu này anh em công nhân Việt Nam làm là chính, chuyên gia chỉ có 70 người còn công nhân của XNLH là 7.000 người, tỷ lệ 1/100. Cán bộ, công nhân Việt Nam rất giỏi"...
Ngày 9.5.1985, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thông xe cầu Thăng Long. Hôm ấy ai đến với thợ cầu Thăng Long sẽ bắt gặp những ánh mắt, nụ cười rạng rỡ vẻ tự hào, đi trên cầu rộng thênh thang, ra tận giữa sông Hồng mà ngắm trời, ngắm nước. Họ vừa đi vừa hát vang bài hát Chiều trên cầu Thăng Long của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: “Ta đi trên cầu Thăng Long, mái tóc em bay theo chiều gió sông Hồng... Ta đi trên câu Thăng Long, ánh nước trội, mây chiều soi bóng. Ôi Thủ đô xinh đẹp, Thủ đô mến yêu. Đứng trên cầu ta thấy yêu cuộc đời bao nhiêu...”
Nhưng họ đã dễ gì quên được những ngày dưới hố móng âm u, hun hút trong cái rét tê tái bốn, năm độ. Dễ gì quên được những ngày hè nắng táp lửa mặt người, phải lắp dầm thép trong cái nóng hầm hập 50 đến 60 độ, mồ hôi rơi xuống mặt thép nghe xèo xèo đến sợ, trong bụi cát lầm và hơi sơn tỏa nồng ngột ngạt và những ngày thiếu gạo, thiếu thịt cá, thiếu rau sau ca làm việc bước loạng choạng trên chiếc thang dầm hẹp chênh vênh trên dòng nước xiết.
Gần 13 năm làm cầu, những người công nhân ấy chỉ biết làm, làm sao để đảm bảo chất lượng, hiệu quả, an toàn và vượt tiến độ quy định, để rồi nhận được khoản tiền lương danh nghĩa hàng tháng.
Cầu Thăng Long - cầu hữu nghị ra đời, đó là hai cánh tay "dầm thép" vạm vỡ, xiết chặt, trên nền sóng mênh mông của sông Hồng trong ánh bình minh tỏa sáng, hai lá cờ Việt Nam, Liên Xô tung bay... Một cây cầu lớn Thăng Long - cây cầu thế kỷ đã hoàn thành, để lại sau đó là một đội ngũ những người thợ cầu tinh thông nghề nghiệp và một cơ sở vật chất kỹ thuật có điều kiện công nghiệp hóa ngành xây dựng công trình cầu của đất nước.