Cẩn trọng với "bẫy" đổi tiền lẻ qua mạng dịp sát Tết

Thảo Nguyên| 04/01/2023 13:00

BVCL - Dù bị cấm, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới online kiếm lời trái quy định vẫn hoạt động rầm rộ với mức phí lên tới 15% để đáp ứng nhu cầu lì xì, đi chùa của khách dịp Tết Nguyên đán.

Nhộn nhịp "chợ" tiền lẻ

Cận Tết, dịch vụ đổi lẻ, tiền mới đã bắt đầu hoạt động nhộn nhịp. Chỉ cần gõ từ khóa "đổi tiền lẻ" trên các mạng xã hội, hàng chục website, hội nhóm cung cấp dịch vụ này sẽ hiện ra như "Dịch vụ đổi tiền", "Đổi tiền Tết", "Đổi tiền giá rẻ"... sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân trong khoảng thời gian cao điểm cận Tết Nguyên đán.

Theo khảo sát, các hội, nhóm làm dịch vụ đổi tiền trên Facebook có đến hàng ngàn thành viên, phí đổi dao động từ 10-15% và có sự chênh lệch giữa các loại tiền có mệnh giá khác nhau. Trong đó, phí đổi tiền mệnh giá từ 50.000-500.000 đồng dao động từ 10-12%; tiền mệnh giá nhỏ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, phí đổi lên tới 15%.

Như vậy, nếu đổi khoảng 2 triệu đồng mệnh giá 2.000 đồng, người dân có thể mất phí tới 300.000 đồng. Đối với khách hàng có nhu cầu đổi tiền số lượng lớn, mức phí này theo quảng cáo sẽ được chiết khấu.

can-trong-voi-bay-doi-tien-le-qua-mang-dip-sat-tet-hinh-anh01170972730.jpg
Hoạt động chào mời đổi tiền lẻ, tiền mới diễn ra tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình

Lý giải cho việc đổi tiền giá "chát", chủ một tài khoản Facebook cho hay: “Mấy năm nay, Ngân hàng Nhà nước không phát hành tiền lẻ mới, mệnh giá thấp trong dịp Tết Nguyên đán nên nguồn tiền lẻ khá khan hiếm, phí đổi cao. Do đó, ngoài đổi tiền mới, cửa hàng còn nhận đổi cả tiền lướt, độ mới từ 80% với chi phí mềm hơn, chỉ từ 2-3% cho các mệnh giá”.

Để thu hút khách hàng, hầu hết các chủ shop đều quảng cáo như: Tiền thật 100%, tiền nguyên cọc, nguyên seri, nói không với tiền lướt, giao hàng nhanh, đổi càng sớm phí càng rẻ. Và một quy tắc “bất di bất dịch” được đặt ra là khách phải tự nhắn tin hoặc gọi điện theo hướng dẫn, người bán chỉ đưa ra phần trăm phí đổi, không giao dịch trong nhóm.

Về nguyên nhân khiến dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới dịp cuối năm vẫn hoạt động nhộn nhịp, được biết, từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương không in thêm tiền mới mệnh giá thấp vào lưu thông dịp Tết và tiếp tục siết chặt việc đổi tiền lẻ, trong khi đó một bộ phận người dân vẫn có nhu cầu về loại tiền này.

Cẩn trọng dính bẫy

Đặc điểm của hoạt động đổi tiền lẻ, tiền mới, tiền độc, lạ là thường giao dịch qua mạng. Người bán yêu cầu khách hàng chuyển khoản toàn bộ số tiền cần đổi cùng phí chênh lệch rồi mới giao tiền theo yêu cầu. Không ít người khi nhận về, cọc tiền bị rút ruột, lẫn tiền cũ, nát, thậm chí cả tiền giả.

Chị N.T.H. (ở Hà Đông, Hà Nội) từng là một nạn nhân của việc đổi tiền online. Theo đó, sau khi chuyển khoản cho bên cung cấp dịch vụ, số tiền mà chị H. nhận lại không đúng với cam kết ban đầu.

"Nhu cầu của tôi là đổi tiền để lì xì ngày Tết, tôi đã chuyển khoản để chốt đơn hàng qua Facebook. Nhưng sau khi nhận thì số tiền tôi đổi bị thiếu so với cam kết trước đó. Chủ tài khoản Facebook sau giao dịch cũng đã chặn tôi nên không thể liên lạc được nữa", chị H. cho biết.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.

Thực tế, trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã hạn chế in tiền lẻ mới giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỷ đồng. Do đó, năm nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn không in tiền mới có mệnh giá nhỏ.

Tuy nhiên, nhu cầu đổi tiền mới trong dịp Tết đã trở thành thói quen của đại đa số người dân. Đây là lý do dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn tồn tại, nhất là cao điểm Tết.

Các chuyên gia cho rằng, đổi tiền lẻ, tiền mới qua mạng tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo rất cao bởi nhiều trang web đổi tiền không có địa chỉ rõ ràng và thường yêu cầu khách chuyển khoản trước. Đặc biệt, đối tượng làm dịch vụ đổi tiền thường lấy lý do khan hiếm tiền mới để nâng mức phí đổi tiền không có căn cứ. Người dân cần thận trọng, không nên đổi tiền, mất phí, nhất là sử dụng dịch vụ đổi tiền trực tuyến.

Trên thực tế, những cá nhân làm dịch vụ đổi tiền mới là vi phạm quy định pháp luật. Tại Điểm a, Khoản 5, Điều 30 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ (ngày 14/11/2019) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 - 40.000.000 đồng đối với cá nhân nào có hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Nếu tổ chức vi phạm, mức xử phạt hành chính sẽ bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nhưng thực tế dịch vụ đổi tiền lẻ mới vẫn diễn ra phổ biến trong nhiều năm và dường như rất ít trường hợp bị kiểm tra, xử lý nên vẫn "nóng" mỗi dịp Tết về... Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng với "bẫy" đổi tiền lẻ qua mạng dịp sát Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO