Trong nước

Cần phải định hướng nhanh và phát triển bền vững trong quy hoạch tỉnh Tiền Giang

Thái Đoàn 24/03/2024 - 16:38

Đó là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang, ngày 24/3 tại TP Mỹ Tho.

1(5).jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu và chỉ đạo tại hội nghị

Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh Tiền Giang và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam bộ, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tỉnh Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1762/QĐ-TTg ngày 31/12/2023. Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của Tiền Giang trong thời gian tới.

Tại hội nghịm tỉnh Tiền Giang đã cung cấp những thông tin cơ bản, tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh; công bố danh mục dự án ưu tiên, mời gọi thu hút các nguồn lực đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tiền Giang thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch nhờ nằm trên các trục đường giao thông quan trọng, nằm cách TP.HCM 70 km về phía Nam và cách TP. Cần Thơ 100 km về phía Bắc. Vì vậy, đây là địa bàn trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh ĐBSCL với TP.HCM cả về đường thuỷ lẫn đường bộ.

bt-tg.jpeg
Ông Nguyễn Văn Danh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Danh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết: Nhiệm vụ đặt ra là đến năm 2030, Tiền Giang sẽ cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị; là tỉnh có vị trí thuận lợi “trên bến dưới thuyền”, có vai trò kết nối quan trọng giữa vùng ĐBSCL với TP.HCM và vùng Đông Nam bộ; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Quy hoạch tỉnh Tiền Giang đã xác định rõ các định hướng, ưu tiên phát triển gồm: hai tâm là trung tâm kinh tế biển Gò Công Đông - Tân Phú Đông và vùng sinh thái công nghiệp Tân Phước. Một dải đó là, dải ven sông Tiền quy hoạch mới thành trục đô thị ven sông, chủ yếu phát triển du lịch.

Bốn hành lang kinh tế là: hành lang kinh tế theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; hành lang kinh tế dọc theo tuyến Quốc lộ 1; hành lang kinh tế theo tuyến đường bộ ven biển và tuyến Quốc lộ 50; hành lang kinh tế dọc theo sông Tiền kết nối đô thị - công nghiệp với vùng ĐBSCL.

Ba đột phá chiến lược là: tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại 3 vùng, hành lang kinh tế trọng điểm; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và phát triển nguồn nhân lực cao, thu hút, trọng dung và đãi ngộ nhân tài.

img_4197.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh tặng hoa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Tiền Giang tập trung thu hút đầu tư theo hướng khai thác các thế mạnh như: Trong nông nghiệp, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm hệ thống các doanh nghiệp, các khu nông nghiệp, các vùng sản xuất; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tương ứng với sản phẩm chủ lực về nông nghiệp và thủy sản.

Trong công nghiệp, ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác vị trí, tài nguyên vốn có, tiềm năng lao động của vùng, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.

Trong thương mại và dịch vụ, thu hút đầu tư phát triển du lịch dựa trên thế mạnh về tài nguyên đất đai, khí hậu, tài nguyên nhân văn và hình thành các trung tâm, cụm, tuyến du lịch theo hành lang kinh tế quốc tế, quốc gia nối kết với các trung tâm du lịch trong vùng TP.HCM, vùng ĐBSCL, Tiểu vùng sông Mê kông; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển khu giải trí cao cấp, trung tâm mua sắm quy mô lớn, hệ thống các chợ đầu mối về nông - thuỷ sản.

Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong từng giai đoạn phát triển, gồm tiếp cận các nguồn vốn, nguồn lao động qua đào tạo và xây dựng cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững; Cung cấp hạ tầng, mặt bằng sạch và tăng cường kết nối thuận lợi đến hạ tầng vùng, cải thiện điều kiện văn hoá xã hội, dịch vụ và môi trường, cảnh quan.

Quy hoạch, xây dựng và phát triển ít nhất 7 khu công nghiệp, tổng diện tích hơn khoảng 2.084 ha, ít nhất 27 cụm công nghiệp trong 2 vùng công nghiệp và các khu vực phát triển công nghiệp với tổng diện tích hơn 15.000 ha.

Xác định hai vùng sinh thái công nghiệp chính, gồm: khu vực Đông Nam Tân Phước và khu vực Gò Công, Soài Rạp, tiếp tục mở rộng sang vùng Gò Công Tây. Tại đây, có thể phát triển những loại hình công nghiệp nhỏ lẻ nhưng số lượng lớn, không cần nằm trong các khu và cụm công nghiệp nói trên, nhằm tăng độ linh hoạt và khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp nhỏ và vừa và đảm bảo về môi trường.

Những khu sinh thái công nghiệp có tính đa dạng, kết hợp giữa sản xuất với không gian xanh, nông nghiệp, sinh thái, đô thị. Các ngành trong khu sinh thái công nghiệp có tính tích hợp liên ngành, hướng tới tuần hoàn, giảm chi phí logistics và giảm phát thải.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Để quy hoạch có bài bản khoa học cần phát huy 4 vai trò có vị trí rất quan trọng là cần phải có vai trò định hướng phát triển nhanh và bền vững; khai thác không gian mặt đất, mặt nước, kể cả không gian ngầm; có tư duy đột phá, tư duy chiến lược; quy hoạch phải có tầm nhìn và phải đi trước một bước.

Thủ tướng chỉ rõ "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh" trong thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang.

Nhiệm vụ trọng tâm, trung tâm là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Hai tăng cường là tăng cường phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế qua hệ thống giao thông, sản xuất và cung ứng theo chuỗi.

Ba đẩy mạnh là đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội...); đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ chế biến nông sản, các ngành phục vụ nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.

Đối với các nhà đầu tư Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "ba cùng": "cùng lắng nghe, thấu hiểu", "cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động", "cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển". Tiền Giang phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, giảm chi phí tuân thủ, giảm chi phí logistics… cho doanh nghiệp.

Đối với nhân dân, tỉnh phải phổ biến, quán triệt quy hoạch sâu rộng hơn để nhân dân hiểu, nắm rõ bằng nhiều hình thức khác nhau, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần ""Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm – Dân thụ hưởng" và lo cho người dân có cuộc sống ấm no, văn minh và hạnh phúc.

img_4200.jpg
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu tiếp thu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ

Phát biểu tiếp thu ý kiến Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Tỉnh Tiền Giang xin tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sau Hội nghị hôm nay, tỉnh sẽ bổ sung ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thủ tướng vào chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành để tổ chức thực hiện trong thời gian tới, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

img_4210.jpg
Thủ tướng Chính phủ chụp hình lưu niệm với các đại biểu

Nhằm đảm bảo yêu cầu, chất lượng các nội dung quy hoạch tỉnh, thời gian tới, tỉnh Tiền Giang khẩn trương thực hiện các bước triển khai Quy hoạch tỉnh, tập trung các nhiệm vụ quan trọng và giải pháp như: Quan tâm thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, công bố công khai, rộng rãi nội dung Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đến các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thông qua các kênh thông tin, truyền thông, nhất là những nội dung cốt lõi, quan trọng của Quy hoạch, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Quy hoạch tỉnh và để thực hiện quyền giám sát việc thực thi Quy hoạch theo quy định.

Đồng thời, khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh làm cơ sở cho việc đẩy mạnh hoạt động kêu gọi thu hút đầu tư để phát triển.

Tỉnh Tiền Giang cam kết đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung thực hiện chuyển đổi số; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục đầu tư thuận tiện, thông thoáng, kịp thời, đúng quy định pháp luật để xúc tiến đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và cơ chế, chính sách, tác phong, lề lối làm việc, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực… tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhất để thu hút đầu tư.

Đặc biệt, tỉnh Tiền Giang tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ và sự phối hợp, hướng dẫn của các bộ, ban, ngành Trung ương, nhất là về cơ chế và nguồn lực triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần phải định hướng nhanh và phát triển bền vững trong quy hoạch tỉnh Tiền Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO