Cần làm rõ đất tranh chấp có nằm trong diện tích đất thuộc bằng khoán điền thổ hay không

Tâm Phúc| 15/06/2022 15:51

Đó là một trong những yêu cầu của TAND cấp cao tại TPHCM khi xét xử vụ án tranh chấp QSDĐ, đòi tài sản là tiền bồi hoàn đất; yêu cầu tháo dỡ, di dời vật kiến trúc và hủy GCNQSDĐ xảy ra tại ấp Phú Hiệp, xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Trong đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là bà Ngô Thị Xuyến và người đại diện ủy quyền của bà Xuyến là bà Bùi Kim Bình trình bày: khu đất tranh chấp là của ông Ngô Văn Khanh (sinh năm 1903) theo bằng khoán điền thổ số 446 do chính quyền chế độ cũ cấp năm 1944. Vị trí khu đất nằm ở vị trí tiếp giáp với Quốc lộ 91, ấp Phú Hiệp, xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang diện tích khoảng 4.243,3m2.

Sau khi ông Khanh qua đời, con là bà Ngô Thị Xuyến tiếp tục sử dụng. Từ năm 1979 đến năm 1984, bà Xuyến có cho các hộ dân cất nhà ở nhờ trên một phần diện tích khu đất nêu trên. Năm 1985, bà Xuyến chuyển nhượng cho vợ chồng bà Ngô Thị Quạ và ông Lê Hồng Sơn diện tích khoảng 2.000m2, có làm giấy tay nhưng đã bị thất lạc. Diện tích phần đất bán cho bà Quạ cách nhà các hộ dân ở, nằm ở phía sau cách Quốc lộ 91 khoảng 25m, không biết lý do gì bà Quạ lại kê khai toàn bộ và được UBND huyện Tịnh Biên cấp GCNQSDĐ số 02778/Hk ngày 27/11/2001, thửa số 15, tờ bản đồ 23, diện tích 2.641m2. Sau khi được cấp GCNQSDĐ, bà Quạ đã chuyển nhượng lại cho 5 hộ khác với tổng diện tích là 1.892,1m2, hiện tại phần còn lại bà Quạ và ông Sơn đứng tên là 748,9m2.

tranh-chap-dat-an-giang.jpg
Vợ chồng bà Bùi Kim Bình (con bà Xuyến) bên phần đất tranh chấp.

Bà Xuyến khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà Quạ trả lại cho bà diện tích 2.243,3m2, vì đất của bà là 4.243,2m, bà chỉ chuyển nhượng cho bà Quạ 2.000m2, vị trí thửa đất bán cho bà Quạ cách các hộ cho ở nhờ và cách Quốc lộ 91 khoảng 25m nhưng bà Quạ đã sử dụng hết và đã kê khai được cấp GCNQSDĐ; hủy các GCNQSDĐ đã cấp cho 5 hộ khác; yêu cầu tháo dỡ, di dời các vật kiến trúc có trên đất tranh chấp…

Tại bản án sơ thẩm, TAND tỉnh An Giang đã tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Xuyến… Không đồng ý với phán quyết của TAND tỉnh An Giang, gia đình bà Xuyến đã có đơn kháng cáo lên TAND cấp cao tại TP HCM đề nghị xét xử phúc thẩm.

Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng, trong vụ án này, bà Xuyến khởi kiện yêu cầu Tòa xử buộc bà Quạ, có những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà Quạ, trả lại diện tích đất theo đo đạc thực tế là 3.463m2 với lý do nguồn gốc đất tranh chấp là của cha bà Xuyến là ông Khánh… Sau khi ông Khánh qua đời thì để lại cho bà Xuyến là người trực tiếp quản lý, sử dụng diện tích 4.243,3m2

Năm 1985, bà Xuyến chuyển nhượng cho vợ chồng bà Quạ diện tích đất chỉ vào khoảng 2.000m2, có giấy tờ viết tay nhưng đã bị thất lạc mất, diện tích đất bán cho bà Quạ cách các hộ dân bà Xuyến cho ở nhờ, nằm ở phía sau cách Quốc lộ 91 khoảng 25m. Thế nhưng bà Quạ lại kê khai toàn bộ diện tích đất của bà Xuyến ở phía ngoài nằm giáp Quốc lộ 91 và được UBND huyện Tịnh Biên cấp GCNQSDĐ lần đầu cho bà Quạ với diện tích 5.004m2 tại thửa 273, 274 tờ bản đồ số 2, tọa lạc tịa xã An Phú, huyện Tịnh Biên (theo Bản trích đo địa chính ngày 29/1/2019 của Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Tịnh Biên thì toàn bộ diện tích đất nêu trên theo đo đạc thực tế là 5.463m2).

Đề chứng minh cho yêu cầu khởi kiện, bà Xuyến đã xuất trình bằng khoán thổ điền số 446 cấp cho ông Ngô Văn Của (cha của ông Khanh). Tòa cấp phúc thẩm cho rằng, qua xem xét bản trích đo địa chính ngày 29/01/2019 nêu trên thì không thể hiện vị trí, ranh giới, kích thước tứ cận của phần đất tranh chấp 3.463m2 trong tổng diện tích đất đo đạc thực tế 5.463m2 là thiếu sót mà tại phiên phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được.

Đồng thời xét thấy, để có đủ căn cứ giải quyết vụ án theo quy định pháp luật, Tòa án cần phải xác minh, thu thập chứng cứ làm rõ đất tranh chấp có nằm trong diện tích đất thuộc bằng khoán điền thổ số 446 nêu trên hay không. Tuy nhiên, Tòa cấp sơ thẩm không tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ về vấn đề này… nên việc thu thập chứng cứ là chưa đầy đủ, không đúng theo quy định.

Bên cạnh đó, trong vụ án có chi tiết trong quá trình tham gia vụ án, bà Quạ không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà Xuyến với lý do bà Quạ đã khai chồng bà đã trực tiếp mua đất của bà Xuyến, bà Xuyến trực tiếp chỉ mốc… Để chứng minh lời khai trên, bà Quạ đã xuất trình “Tờ bán đứt miếng đất ruộng” lập ngày 5/6/1985 và đã được Thẩm phán ký xác nhận đã đối chiếu bản gốc ngày 5/5/2016. Đối với chi tiết này, Tòa phúc thẩm cho rằng, mặc dù Tờ bán đứt miếng đất ruộng có 2 người chứng là ông Đặng Văn Việt và ông Ngô Văn Tống nhưng cả 2 ông này đều khai không có ký tên vào người chứng kiến. Hơn nữa, phía bà Xuyến cũng đã có yêu cầu giám định chữ ký tên của bà Xuyến trong Tờ bán đứt miếng đất ruộng và đã nộp tiền tạm ứng chi phí giám định và cũng đã cung cấp các chữ ký của Xuyến để làm mẫu giám định.

Tòa sơ thẩm có ra quyết định yêu cầu phía bà Xuyến và các bị đơn cung cấp tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc giám định nhưng quyết định này không yêu cầu phía bị đơn (bà Quạ) phải cung cấp bản gốc “Tờ bán đứt miếng đất ruộng” lập ngày 5/6/1985 và đã được thẩm phán ký xác nhận đã đối chiếu bản gốc ngày 5/5/2016 là vi phạm quy định Bộ luật Tố tụng dân sự. Tòa phúc thẩm cũng cho rằng, Tờ bán đứt miếng đất ruộng đưa được giám định để xác định chữ ký tên của bà Xuyến tại tờ tài liệu này là thật nhưng Tòa sơ thẩm lại sử dụng làm chứng cứ của vụ án để quyết định bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp phán của nguyên đơn và các đương sự có liên quan.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện UBND huyện Tịnh Biên khai, đất tranh chấp trước đây đã được cấp GCNQSDĐ cho bà Quạ lần đầu, diện tích 5.004m2 theo GCNQSDĐ số 00219/Hk (không xác định ngày cấp) hồ sơ gốc đã bị thất lạc tại Sở Tài nguyên và Môi trường nên không có tài liệu cung cấp cho Tòa án. Đối với chi tiết này, Tòa phúc thẩm cho rằng, để có căn cứ xác dịnh việc bà Quạ sử dụng diện tích 5.004m2 nêu trên có hợp pháp hay không thì cần xác minh, thu thập chứng cứ được lưu giữ tại sổ địa chính của UBND xã An Phú, huyện Tịnh Biên. Tuy nhiên, việc này cũng chưa được Tòa sơ thẩm thực hiện…

Từ những phân tích và nhận định nêu trên, HĐXX phúc thẩm thống nhất, chấp nhận kháng cáo của bà Xuyến, hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh An Giang giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật từ ngày 11/8/2020, tuy nhiên đến nay sau gần 2 năm vụ án vẫn chưa được TAND tỉnh An Giang đưa ra xét xử lại. Bà Bùi Kim Bình (con bà Xuyến) mong mỏi: “Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, mẹ tôi đã mòn mỏi chờ đợi TAND tỉnh An Giang xử lại vụ việc nhưng dịch bệnh Covid-19 ập đến, cộng với tuổi cao sức yếu, mẹ tôi đã qua đời. Gia đình tôi hiện rất mong muốn TAND tỉnh An Giang sớm đưa vụ án ra xét xử theo quy định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình tôi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần làm rõ đất tranh chấp có nằm trong diện tích đất thuộc bằng khoán điền thổ hay không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO