Sáng 09/7, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội thảo "Vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong phòng chống tham nhũng, góp phần tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt".
Đây là một trong những sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, là diễn đàn để các SAI và tổ chức quốc tế cùng đóng góp tiếng nói và đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết các thách thức về phòng, chống tham nhũng, rửa tiền, đồng thời ghi nhận những nỗ lực của các SAI cũng như nỗ lực của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Chống tham nhũng là một yêu cầu thiết thực
Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, sau 30 năm trưởng thành và phát triển, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã chứng tỏ vai trò và vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị của Nhà nước, trở thành công cụ hữu hiệu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đồng thời, có những đóng góp nhất định cho cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao của các quốc gia trên thế giới và hoạt động của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI).
Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng, phát triển và trưởng thành vượt bậc, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược trong phát triển Kiểm toán Nhà nước thành công cụ quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quản lý tài chính công, tài sản công; cung cấp kịp thời thông tin, báo cáo kiểm toán cho Quốc hội phục vụ chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; đóng góp quan trọng vào việc kiểm tra, kiểm soát tài chính, tài sản công và phê chuẩn quyết toán cho các địa phương; đồng thời tham gia tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, góp phần tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, cùng nhiều vấn đề mới nổi trong thời đại ngày nay, việc hợp tác quốc tế vì hòa bình, phát triển nói chung và trong chống tham nhũng nói riêng là một yêu cầu thiết thực.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, vai trò truyền thống của SAI được cho là nhằm thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình ở khu vực công vì một môi trường quản trị nhà nước tốt. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, vai trò của SAI trong phòng, chống tham nhũng trước hết là vai trò gián tiếp, tập trung vào ngăn chặn, răn đe và phòng ngừa.
Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu chống tham nhũng của các quốc gia, yêu cầu bảo vệ công quỹ - đối tượng kiểm toán của SAI, đặc biệt là do hiệu quả, hiệu lực hoạt động và uy tín của SAI ngày càng tăng, tại một số quốc gia, SAI có vai trò chủ động hơn trong chống tham nhũng, gồm cả phát hiện và công bố những lĩnh vực có rủi ro tham nhũng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác trong chống tham nhũng và công khai kết luận, kiến nghị kiểm toán rộng rãi hơn.
Hợp tác để nâng cao hiệu quả chống tham nhũng
Tham luận tại Hội thảo, Tổng Kiểm toán, Cơ quan Tổng Kiểm toán Nam Phi (AGSA) Tsakani Maluleke cho rằng, tham nhũng là một loại tai họa dai dẳng toàn cầu, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội. Tham nhũng làm xói mòn niềm tin của công chúng vào các thể chế và làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về kinh tế - xã hội.
Bà Tsakani Maluleke cho hay, Cơ quan Tổng Kiểm toán Nam Phi đóng vai trò quan trọng trong việc chống tham nhũng bằng cách thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và quản trị tốt. Bằng cách soát xét kỹ lưỡng chi tiêu của Chính phủ và các giao dịch tài chính, AGSA có thể phát hiện và báo cáo các hành vi tham nhũng như tham ô, gian lận, tham nhũng và biển thủ công quỹ.
Bên cạnh đó, Tổng Kiểm toán, Cơ quan Tổng Kiểm toán Nam Phi, bằng cách hợp tác cùng nhau, các cơ quan chống tội phạm và SAI có thể nâng cao đáng kể hiệu quả của các nỗ lực chống tham nhũng và thúc đẩy quản trị tốt.
"Việc hợp tác giữa các SAI là rất quan trọng nhằm tối ưu hóa nguồn lực, góp phần thực hiện minh bạch, nâng cao tính liêm chính. Nếu chúng ta hợp tác chặt chẽ với nhau thì sẽ thực hiện tốt tuân thủ pháp luật và phòng, chống tham nhũng", bà Tsakani Maluleke khẳng định.
Tại Hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của SAI trong chống tham nhũng; vị trí, sự phối hợp của SAI với các cơ quan khác trong thực thi nhiệm vụ chống tham nhũng; những điều kiện, cơ sở pháp lý, nhân lực và phương tiện, kỹ thuật cần thiết để SAI thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng; kinh nghiệm của SAI trong việc phát hiện gian lận và tham nhũng; chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc tham nhũng cho các cơ quan chức năng điều tra, xử lý…