Chiều 2/7, Kiểm toán Nhà nước họp báo công bố công khai Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2022.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, tổng hợp kết quả chính từ 248 báo cáo kiểm toán của 135 nhiệm vụ kiểm toán tổ chức trong năm 2023 đối với niên độ ngân sách năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước hơn 21.346 tỷ đồng, kiến nghị khác hơn 28.595 tỷ đồng.
Báo cáo nêu, về thu ngân sách nhà nước, một số địa phương lập dự toán chưa đầy đủ, chưa bao quát hết nguồn thu. Một số chỉ tiêu thu dự báo còn chưa sát nên lập dự toán còn chưa phù hợp với thực tế thực hiện. Lập, giao dự toán nguồn thu xuất nhập khẩu tại một số Cục Hải quan còn chưa sát với khả năng thu.
Tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu các loại thuế, phí, lệ phí, các khoản thu khác… vẫn diễn ra tại các đơn vị được kiểm toán. “Kiểm toán Nhà nước xác định số phải nộp ngân sách tăng thêm 3.841 tỷ đồng”, báo cáo nêu.
Về chi ngân sách nhà nước, đáng chú ý, theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư tại một số bộ, cơ quan trung ương thấp dưới 50% kế hoạch vốn được giao; tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi chỉ đạt 47%.
Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Tài chính, khoản giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trước năm 2019 chưa được ghi thu, ghi chi còn lớn (hơn 4.445 tỷ đồng), qua kiểm toán còn chênh lệch so với số báo cáo của Bộ Tài chính là hơn 3.268 tỷ đồng.
“Số nợ đọng xây dựng cơ bản đến 31/12/2022 còn lớn, trong đó còn nợ đọng xây dựng cơ bản trước ngày 1/1/2015 tại các đơn vị được kiểm toán là hơn 2.163 tỷ đồng. Năm 2022 còn để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản”, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước thông tin.
Về chi thường xuyên và các nguồn kinh phí khác, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu, một số khoản chi sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương thực hiện thấp so với dự toán giao. Tại một số bộ, cơ quan trung ương còn tình trạng chi sai quy định phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước, quyết toán kinh phí chậm.
Một số địa phương ngân sách tỉnh hụt thu lớn nhưng chưa kịp thời điều chỉnh giảm chi tương ứng hoặc điều hành ngân sách chưa phù hợp với quy định; chưa xây dựng phương án trình Thường trực HĐND để xử lý hụt thu theo quy định; một số địa phương sử dụng sai nguồn hơn 3.296 tỷ đồng.
Về quản lý, sử dụng tài sản công, KTNN cho biết, một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có số lượng xe ô tô vượt so với quy định; chưa thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất hoặc chưa được phê duyệt phương án sắp xếp; chưa thực hiện các trình tự, thủ tục về quản lý đất đai; còn tình trạng bị lấn chiếm.
Tại một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương, một số đơn vị sự nghiệp còn cho thuê tài sản, liên doanh liên kết nhưng chưa xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết...
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về việc Kiểm toán Nhà nước đã chuyển các báo cáo kiểm toán cho các cơ quan điều tra, bà Hà Thị Mỹ Dung - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: Nếu thông qua kết quả kiểm toán phát hiện những vấn đề liên quan đến dấu hiệu tội phạm, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiến nghị xử lý hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý.
Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 40 vụ việc sang cơ quan điều tra và nhận được phản hồi tích cực. Trong 40 vụ việc này, cơ quan điều tra đã xử lý, giải quyết xong 35 vụ việc, bà Dung cho hay.
Trong 35 vụ việc, có 14 vụ việc đã bị khởi tố điều tra để xử lý; 21 vụ việc đang tiếp tục giám định, cần thêm thời gian để xác minh, điều tra xử lý. Một số vụ việc không bị khởi tố điều tra, bởi những sai phạm đã được xử lý.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, trong quá trình phối hợp với cơ quan điều tra, Kiểm toán Nhà nước luôn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Kiểm toán Nhà nước cũng đã ban hành Quy trình kiểm toán những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, khi phát hiện có dấu hiệu này sẽ có quy trình kiểm toán riêng.