Diễn đàn pháp lý

Các chức danh Trưởng phòng nghiệp vụ của CAND có thẩm quyền xử phạt PCCC

N.M 01/12/2023 - 11:29

Xin hỏi, theo quy định mới nhất, các chức danh Trưởng phòng nghiệp vụ của Công an nhân dân nào sẽ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh phòng cháy, chữa cháy (PCCC)?

Ngày 17/11/2023, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 65/2023/TT-BCA quy định về Trưởng phòng nghiệp vụ của Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

chay-1694614810051.jpeg
Ảnh minh họa

Cụ thể, các chức danh Trưởng phòng nghiệp vụ của Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh PCCC bao gồm:

(1) Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh chính trị nội bộ gồm: Trưởng phòng Bảo vệ nội bộ các cơ quan Đảng, Nhà nước Trung ương; Trưởng phòng An ninh các cơ quan tư pháp, xây dựng pháp luật, tổ chức chính trị - xã hội Trung ương.

Trưởng phòng An ninh báo chí, xuất bản; Trưởng phòng An ninh y tế, giáo dục; Trưởng phòng An ninh văn hóa, thể thao và lao động xã hội; Trưởng phòng An ninh bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; Trưởng phòng Quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước.

(2) Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội gồm: Trưởng phòng Hướng dẫn, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; Trưởng phòng Hướng dẫn, quản lý các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và con dấu; Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư.

(3) Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông gồm: Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; Trưởng phòng Hướng dẫn, đăng ký và kiểm định phương tiện; Trưởng phòng Hướng dẫn, đào tạo, sát hạch, quản lý giấy phép của người điều khiển phương tiện giao thông.

Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; Trưởng phòng Hướng dẫn điều khiển giao thông và dẫn đoàn; Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên đường thủy nội địa; Thủy đoàn trưởng.

(4) Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ gồm: Trưởng phòng Công tác phòng cháy; Trưởng phòng Thẩm duyệt về PCCC; Trưởng phòng Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trưởng phòng Quản lý khoa học - công nghệ và kiểm định phương tiện PCCC, cứu nạn, cứu hộ.

(5) Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao gồm: Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự xã hội;

Trưởng phòng An ninh thông tin mạng; Trưởng phòng Bảo vệ an ninh hệ thống mạng thông tin quốc gia; Trưởng phòng Giám sát thông tin mạng và phòng, chống hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia.

(6) Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh gồm: Trưởng phòng Quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài; Trưởng phòng Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy

Cụ thể tại Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013) quy định về trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy (PCCC) như sau:

- PCCC là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Công dân từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe có trách nhiệm tham gia vào đội dân phòng, đội PCCC cơ sở được lập ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc khi có yêu cầu.

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC; xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC; thành lập, duy trì hoạt động đội PCCC theo quy định của pháp luật;

+ Ban hành theo thẩm quyền nội quy và biện pháp về PCCC;

+ Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về PCCC;

+ Bảo đảm kinh phí cho hoạt động PCCC, sử dụng kinh phí PCCC đúng mục đích; trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện PCCC; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy; bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ về PCCC; tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả do cháy gây ra;

+ Thực hiện nhiệm vụ khác về PCCC theo quy định của pháp luật.

- Chủ hộ gia đình có trách nhiệm:

+ Đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về PCCC;

+ Thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ;

+ Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy, nổ.

- Cá nhân có trách nhiệm:

+ Chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về PCCC của người hoặc cơ quan có thẩm quyền;

+ Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức cần thiết về PCCC; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện PCCC thông dụng;

+ Bảo đảm an toàn về PCCC trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy;

+ Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, hành vi vi phạm quy định an toàn về PCCC;

+ Thực hiện quy định khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân trong Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013).

- Lực lượng Cảnh sát PCCC có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động PCCC của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy.

Thông tư 65/2023/TT-BCA có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024 và thay thế Thông tư 10/2015/TT-BCA.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các chức danh Trưởng phòng nghiệp vụ của CAND có thẩm quyền xử phạt PCCC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO