Vấn đề và Sự kiện

Bổ sung 5 nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Mai Thoa 17/08/2023 - 12:56

Trong phiên họp sáng nay 17/8, UBTVQH cho ý kiến về Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi), cơ quan trình dự án luật này đã đưa ra nhiều nội dung sửa đổi quan trọng.

Bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc gồm:

 Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh);

Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương;

Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt);

Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác, nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.

Dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.

202308062216142063_dsc_6875.jpg
 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Dự thảo Luật cũng quy định giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Theo đó, Điều 71 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hàng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục, hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế. 

Đối với người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.

Đặc biệt, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH.

Theo đó, bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH như: Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế); quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 06 tháng trở lên.

Hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên; cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động, nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Làm rõ tính khả thi việc bổ sung 5 nhóm đối tượng đóng BHXH bắt buộc

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội và một số ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của UBTVQH nhất trí việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Chính phủ, để thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 28 và là một trong những giải pháp góp phần hướng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân. Các ý kiến cũng cho rằng, cần đánh giá kỹ lưỡng hơn tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách Nhà nước, xung đột chính sách khi đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi sang dự án Luật này, ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

202307121921355663_z4509918165221_bdecc1b87925a2ec49cdd401ba5c7de6.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Về việc bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị làm rõ: Tính khả thi khi nhiều người trong số 4 nhóm đối tượng dự kiến mở rộng có mức thu nhập rất thấp (nhóm người hoạt động không chuyên trách thì có mức hỗ trợ hoạt động trên mức lương cơ sở, nhóm người làm việc không trọn thời gian, người quản lý điều hành hợp tác xã...). Trong trường hợp các nhóm đối tượng này bị ốm, cần thanh toán chế độ ốm đau thì ai sẽ là người xác nhận việc này, việc kiểm tra, giám sát ra sao?

 Thường trực Ủy ban Xã hội và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị  làm rõ lý do việc không mở rộng đối tượng tham gia BHXH là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh (khoảng 3 triệu người), tính thống nhất và phù hợp với quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đăng ký doanh nghiệp và tính khả thi trong tổ chức thực hiện, nhất là việc xác định đối tượng để đóng BHXH bắt buộc.

Liên quan đến quy định giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, quá trình thẩm tra đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, Quy định về việc giảm số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 15 năm là phù hợp với quan điểm định hướng của Nghị quyết số 28 và cũng là ý kiến của một số cơ quan của Quốc hội khi tham gia thẩm tra dự án Luật; Nhằm tạo điều kiện, thu hút nhóm người lao động cao tuổi (từ 45 tuổi đến 55 tuổi).

Tuy nhiên, để có cơ sở vững chắc khi lựa chọn phương án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, đề nghị Chính phủ cần phải giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về việc thay đổi này ở cả khía cạnh nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ của BHXH, khía cạnh kinh tế của vấn đề hay việc thay đổi quan điểm về mức sàn an sinh xã hội tối thiểu ra sao khi sửa đổi luật lần này và liệu có tạo điều kiện cho người lao động nhiều lần “rút bảo hiểm một lần” không.

pct-man-1692246340405.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn đối với việc sửa đổi Luật BHXH đã rõ nên tinh thần là phải quyết tâm cao, sớm khẩn trương trong xây dựng, hoàn thiện dự án Luật.

UBTVQH giao Ủy ban Xã hội chủ động tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, nắm bắt dư luận đối với dự án Luật để thẩm tra chính thức, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng cao nhất khi dự luật được trình Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bổ sung 5 nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO