Theo quyết định của Bộ Chính trị, đến hết năm 2026, tổng biên chế của các Tòa án nhân dân là 15.237 người, trong đó có 15.137 cán bộ, công chức và 100 viên chức.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành quyết định 71 của Bộ Chính trị về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.
Theo đó, tổng biên chế của Tòa án nhân dân giai đoạn 2022-2026 (đến hết năm 2026) là 15.237 người, trong đó có 15.137 cán bộ, công chức và 100 viên chức.
Bộ Chính trị cũng giao Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao căn cứ quy định về quản lý biên chế của hệ thống chính trị và quyết định này để ban hành quyết định giao biên chế hằng năm cho các Tòa án nhân dân. Đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyết định đảm bảo thực hiện nghiêm công tác quản lý biên chế theo quy định.
Theo đó, Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026 (không bao gồm biên chế của công an, quân đội và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, tổ dân phố) đến hết năm 2026 là 2.234.720 biên chế.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng quyết định số biên chế dự phòng cho giai đoạn này là 10.100 gồm 1.700 công chức và 8.400 viên chức.
Cũng theo phụ lục tại quyết định này, đến hết năm 2026, tổng biên chế của các Viện kiểm sát nhân dân là 15.860, gồm 15.616 cán bộ, công chức và 244 viên chức. Kiểm toán Nhà nước đến năm 2026 là 1.974 cán bộ, công chức và 135 viên chức.
Biên chế được giao giai đoạn 2022 - 2026 không bao gồm lao động hợp đồng. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự quyết định việc sử dụng hợp đồng lao động và trả lương, phụ cấp cho lao động hợp đồng theo quy định từ ngân sách chi thường xuyên của đơn vị.
Mới đây, Bộ Chính trị cũng đã ban hành kết luận về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026. Trong đó nêu rõ giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Những nơi chưa giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016 - 2021 thì phải tiếp tục thực hiện chỉ tiêu giai đoạn trước và giai đoạn tiếp theo. Những nơi đã vượt chỉ tiêu giai đoạn trước thì phần vượt được tính vào kết quả giai đoạn 2022-2026. Tuy nhiên việc giảm này không cào bằng mà tùy vào điều kiện của từng cơ quan, tổ chức.
Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Chính trị quyết định số lượng và quản lý tổng biên chế toàn hệ thống chính trị. Bởi trước đây biên chế Chính phủ, Quốc hội do các đơn vị này quyết, Ban Tổ chức Trung ương chỉ quản lý MTTQ, tổ chức chính trị, các ban đảng cấp trung ương, còn cấp huyện, cấp cơ sở do Chính phủ quyết.